Kiểm soát chặt lạm phát
“Chỉ số CPI tháng 7/2018 mặc dù đã giảm 0,09% so với tháng trước sau 3 tháng tăng liên tiếp, nhưng sức ép tăng giá tiêu dùng vẫn còn lớn, trong đó sức ép tăng giá vật liệu xây dựng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường và có nhiều thách thức”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018 diễn ra chiều tối ngày 1/8, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chặt lạm phát, qua đó tạo dư địa cho tăng trưởng kinh tế.
Kết luận phiên họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta không thay đổi các chính sách kinh tế, tài chính trong năm 2018, kể cả thuế môi trường với xăng dầu, cải cách VAT, không điều chỉnh giá một số loại hàng hóa, dịch vụ công như giá điện, kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ, y tế. Cần ổn định tỷ giá USD/VND theo mức linh hoạt 2% so với cuối năm 2017”.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát để đảm bảo năm 2018 không vượt quá 4% như kế hoạch đề ra. “Chúng ta quyết tâm đạt bằng được và chắc chắn đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát”, ông Dũng nói.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Đi liền với kiểm soát chặt lạm phát, để mở rộng dư địa cho tăng trưởng kinh tế, một mũi nhọn trọng tâm khác đang được Chính phủ tập trung chỉ đạo là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Theo nhìn nhận của người đứng đầu Chính phủ, khối lượng vốn còn rất lớn mà chưa giải ngân được. Do đó, các công trình, dự án có vốn phải được giải ngân, sớm đi vào hoạt động, phát huy tác dụng.
Có 1.249 danh mục dự kiến tiếp tục cắt giảm, nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của các bộ: Y tế, Giao thông Vận tải, Công an...
Vấn đề này có nguyên nhân cơ bản là từ thể chế, do đó, Thủ tướng cho biết, trong tháng 8, Chính phủ sẽ có phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, trong đó thảo luận về Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng như các dự án luật khác.
Nói không với “hành” doanh nghiệp
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhìn nhận, tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, quy định về điều kiện kinh doanh vẫn đang là rào cản không nhỏ đối với hoạt động và phát triển của doanh nghiệp.
Thông tin từ Tổ công tác của Thủ tướng cho thấy, có nhiều phản ánh từ các hiệp hội, doanh nghiệp rằng, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh vẫn còn phiền hà, tốn kém thời gian và phát sinh chi phí. Các phương án cắt giảm được đưa ra nhưng chưa được áp dụng trên thực tế.
Chẳng hạn, phản ánh của doanh nghiệp ở TP.HCM: tuy doanh nghiệp đã thực hiện theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, nhưng lại vướng Thông tư 24/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Bảng mã số HS đối với hàng hóa chuyên ngành xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ, nên hàng hóa vẫn lưu tại cảng hơn 80 ngày.
Do đó, Tổ công tác đề nghị các bộ tập trung sửa đổi ngay các thông tư để đảm bảo đồng bộ với Nghị định 15/2018/NĐ-CP.
Đồng thời, Tổ công tác chỉ rõ, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa còn diễn ra ở nhiều nơi. Điển hình là phản ánh về 20 vụ việc tiêu cực đã được Văn phòng Chính phủ (Công văn số 1629/VPCP-KSTT ngày 8/6/2018) chuyển đến Bộ Tài chính xem xét xử lý theo thẩm quyền, trong đó phần lớn liên quan đến cán bộ hải quan nhận tiền bồi dưỡng trong quá trình thực thi công vụ, gây bức xúc cho doanh nghiệp.
Theo Tổ công tác, trên thực tế, việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành đạt thấp. Đến nay mới cắt giảm, đơn giản hóa được 616/9.339 (đạt 6,6%) danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành của các ngành: Công thương, Xây dựng, Y tế...
Có 1.249 danh mục (tương đương 13,3%) dự kiến tiếp tục cắt giảm, nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của các bộ: Y tế, Giao thông Vận tải, Công an...
Ngoài ra, hiện mới cắt giảm được 900/5.905 điều kiện kinh doanh (tương ứng 15,2%) của các ngành: Công thương, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo… Còn 2.363 điều kiện kinh doanh (40%) đã có phương án tiếp tục cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của 14 bộ bao gồm Y tế, Công an, Tư pháp, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước...
“Tổ công tác đề nghị các bộ quản lý chuyên ngành và điều kiện kinh doanh tập trung cao độ cho xây dựng, ban hành các văn bản để chính thức áp dụng phương án đơn giản, cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh, thời hạn chậm nhất là 15/8/2018.
Việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh phải thực chất, khắc phục triệt để những bất cập hiện nay, giảm tối đa chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Cắt là phải thật, chứ không phải cắt mà vẫn còn vướng mắc”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh.
Đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp
Các bộ, ngành, địa phương thực hiện chi ngân sách theo dự toán, đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2018. Việc xử lý điều chỉnh dự toán đã giao các đơn vị, xử lý chuyển nguồn ngân sách cuối năm..., thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
Thực hiện huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển theo kế hoạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ; không sử dụng vốn vay từ các hiệp định vay mới cho chi thường xuyên theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi 3,7% GDP theo dự toán Quốc hội quyết định; đảm bảo dư nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia trong phạm vi cho phép.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Công khai thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển đồng bộ thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm; phát triển và nâng cao chất lượng thị trường dịch vụ tài chính...
Điều hành tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô
Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá không vì mục tiêu duy nhất nào, mà hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, các diễn biến thị trường tiền tệ, ngân hàng.
Vừa qua, diễn biến giảm giá mạnh của đồng nhân dân tệ (CNY) là đáng lưu ý đối với hoạt động điều hành không chỉ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mà còn cả với ngân hàng trung ương các nước trên thế giới. Việt Nam là đối tác thương mại, đầu tư của nhiều nước, nên trong quá trình điều hành, Ngân hàng Nhà nước không chỉ căn cứ vào diễn biến một đồng tiền nào, mà là nhiều đồng tiền.
Diễn biến thời gian qua đến nay cho thấy, tỷ giá trung tâm của Việt Nam đã tăng 1,1% so với cuối năm ngoái, với biên độ cho phép +/-3, tỷ giá liên ngân hàng biến động tăng 2,5% so với cuối năm 2017. Đây là diễn biến trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, phù hợp với diễn biến xu hướng các đồng tiền trên thế giới.