Mở rộng cơ hội tăng trưởng từ thực hành ESG

0:00 / 0:00
0:00
Tăng trưởng xanh không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là điều kiện bắt buộc. Thực hành ESG giúp doanh nghiệp mở rộng cơ hội tăng trưởng, chinh phục các khách hàng ở những thị trường khó tính nhất.
Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Nâng cao năng lực cạ nh tranh

Thực hành ESG (Environment: Môi trường - Social: Xã hội – Governance: Quản trị) cũng như triển khai các mô hình kinh doanh bền vững và tăng trưởng xanh nói chung không chỉ là xu thế tất yếu, mà là điều kiện bắt buộc trong xu hướng hiện nay. Nhiều đối tác thương mại, đối tác đầu tư lớn của Việt Nam đều có những yêu cầu nghiêm ngặt về thực hành ESG.

Chia sẻ tại hội thảo ESG động lực tăng trưởng mới do Báo Đầu tư tổ chức hồi tháng 5/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đã nhấn mạnh: “Tăng trưởng xanh là vấn đề cấp thiết, là xu thế tất yếu, đồng thời là động lực tăng trưởng kinh tế. Trên cả bình diện quốc tế, quốc gia và doanh nghiệp, tăng trưởng xanh đều xuất phát từ tính hiệu quả”.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng chỉ ra kết quả một khảo sát của Ngân hàng Standard Chartered cho thấy, sau đại dịch Covid-19, tăng trưởng cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp thực hành ESG cao hơn nhóm doanh nghiệp trong Top VNR500.

Trên thị trường, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chí môi trường và bền vững để nâng cao tính cạnh tranh.

Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Thagaco - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, đã sớm thực hiện xanh hoá nhà máy, xây dựng và sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu. Theo đó, nhà máy của Thagaco đạt chứng chỉ LEED của Hiệp hội Công trình xanh Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thagaco cho biết, việc xanh hoá nhà máy là việc làm bắt buộc và vấn đề sống còn của doanh nghiệp.

“Nếu không có chứng chỉ xanh, chỉ trong 2 - 3 năm tới, chúng tôi sẽ mất khách hàng lớn và không tiếp cận được các khách hàng lớn khác”, ông Quân nói và cho biết, xanh hóa không chỉ là đạt chứng chỉ xanh, mà còn là nơi giữ chân khách hàng và tăng cường năng lực khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Cũng ở trong lĩnh vực dệt may, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG (mã chứng khoán TNG) đang chú trọng đầu tư ESG để mở rộng cơ hội tăng trưởng khi các khách hàng lớn và truyền thống của Công ty đều đến từ các thị trường EU, Mỹ như Decathlon, Asmara, TCP, Columbia.

Tăng trưởng xanh là vấn đề cấp thiết, là xu thế tất yếu, đồng thời là động lực tăng trưởng kinh tế. Trên cả bình diện quốc tế, quốc gia và doanh nghiệp, tăng trưởng xanh đều xuất phát từ tính hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc

Được biết, xu hướng xanh hóa ngành thời trang thế giới đang được lan rộng, đặc biệt là tại thị trường EU, Uỷ ban châu Âu đã công bố chiến lược về việc đến năm 2030, yêu cầu toàn bộ sản phẩm dệt may lưu thông tại thị trường này đều có thể tái chế và không chứa các chất độc hại. Điều này đang tạo áp lực buộc các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam phải tăng tốc thực hiện "chuyển hóa xanh".

Theo công bố của TNG, tính tới thời điểm hiện tại, TNG là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất minh bạch toàn bộ thông tin ESG theo tiêu chuẩn Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu và hiện đáp ứng 17 mục tiêu phát triển bền vững. Hiện nay, toàn bộ nhà máy cho đến văn phòng của TNG đều đang hướng đến các tiêu chuẩn xanh như Lotus hay LEED.

Trong 2024, TNG tiếp tục hướng đến lộ trình 100% không phát thải các-bon và tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo, khi lên kế hoạch xây dựng, lắp đặt hệ thống điện mặt trời gác mái và hệ thống BioMass với ước tính giá trị đầu tư vào khoảng 800 tỷ đồng.

Đây là bước đi đúng đắn và quan trọng cho sự phát triển bền lâu của doanh nghiệp khi hiện nay đa số khách hàng của TNG đều đến từ Mỹ và châu Âu. Trong cơ cấu doanh thu của TNG, có đến 40% đến từ khách hàng tại thị trường EU và 40% khách hàng đến từ thị trường Mỹ, còn lại là các thị trường khác. Đầu tư vào ESG sẽ giúp TNG gia tăng đơn hàng từ khách hàng cũ và thu hút thêm khách hàng mới.

Tăng trưởng bền vững

Việt Nam đang mong muốn là trung tâm sản xuất của khu vực, thúc đẩy xuất khẩu với các thị trường chính là Mỹ, EU, Nhật Bản. Tại các thị trường này, người tiêu dùng rất quan tâm đến vấn đề môi trường, bền vững. Ngay trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng có nhiều nội dung tích hợp các vấn đề về môi trường trong quy định nhập khẩu hàng hóa.

Tại các diễn đàn về dệt may, chủ đề chuyển đổi xanh cũng đề cập. Hiện nay, các nhãn hàng trên thế giới đang chạy đua trở thành nhãn hàng xanh, họ cũng mong muốn các nhà cung ứng trở nên xanh hóa.

Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch Thagaco cho rằng, việc xanh hóa hiện chưa tác động nhiều, nhưng nó sẽ trở thành điều kiện tiên quyết để các nhãn hàng đặt hàng tại một nước sản xuất.

Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán MSH) khi xây dựng nhà máy mới Xuân Trường II đã chú trọng đến yếu tố ESG. Nhà máy được xây dựng với mô rộng 9,6 ha, bao gồm 3 xưởng sản xuất, một nhà kho kết hợp với xưởng cắt, một khu nhà văn phòng, một nhà ăn, cùng các công trình hạ tầng, cây xanh, hồ nước, với tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Tất cả xây dựng theo công nghệ hiện đại, đồng bộ và hoạt động theo tiêu chuẩn nhà máy xanh. Nhà máy may Xuân Trường II đi vào hoạt động từ giữa năm 2024, được đánh giá góp phần nâng cao công suất và năng lực cạnh tranh cho May Sông Hồng cùng với việc đánh vào các phân khúc sản phẩm cao cấp với biên lợi nhuận tốt hơn, MSH sẽ bứt phá hơn.

Trong lĩnh vực bất động sản, Gamuda Land nổi lên là doanh nghiệp thực hành ESG hiệu quả, thực hiện quy trình thi công xây dựng tuần hoàn, bảo vệ môi trường, phát triển con người và đầu tư cho cộng đồng... Gamuda Land đã hình thành những khu dân cư đáng sống, xanh, sạch thân thiện môi trường, đời sống cư dân được nâng cao và doanh nghiệp tăng trưởng bền vững.

Trong lĩnh vực bán lẻ, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán PNJ) đã quan tâm đến thực hành ESG từ rất sớm, đặt lợi ích khách hàng và lợi ích xã hội vào lợi ích của doanh nghiệp. Những sáng kiến, hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp cũng sẽ đều lấy ESG làm kim chỉ nam.

Kể từ hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Mục tiêu đầy tham vọng này được Việt Nam tái khẳng định tại COP 27 và tiếp tục được Việt Nam nhấn mạnh tại COP 28. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 được Chính phủ phê duyệt là những minh chứng gần đây nhất về những nỗ lực thực hiện mục tiêu này.

Phát triển bền vững là xu thế tất yếu và trọng tâm trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia và doanh nghiệp. Trong đó, thực hành ESG để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững là việc làm cần thiết, dần trở thành hoạt động quan trọng của doanh nghiệp.

Hải Minh
Theo Đặc san Toàn cảnh Doanh nghiệp Niêm yết 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục