Trong bối cảnh Việt Nam đang có nhiều lợi thế để đón bắt dòng vốn FDI hậu Covid-19, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng thường trực Chính phủ họp bàn các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài để ứng phó với các thách thức toàn cầu do Covid-19 gây ra.
Cùng với hối thúc các bộ, ngành, địa phương đổi mới tư duy trong ban hành cũng như thực thi cơ chế, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, phải xây dựng ngay đề án thu hút đầu tư nước ngoài để có sự chỉ đạo chung trên tinh thần là nhanh và mạnh hơn, rõ hơn.
Đặc biệt, Thủ tướng đồng ý thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng lãnh đạo một số cơ quan để lo việc này nhằm đón làn sóng đầu tư nước ngoài mới.
Diễn biến trên cho thấy sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ để tạo lực hút đủ mạnh nhằm kéo dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong bối cảnh dòng vốn này đang được định vị lại giai đoạn hậu Covid-19. Việc cho phép các doanh nghiệp FDI lên sàn trở lại sau một thời gian gián đoạn cũng rất cần sự chuyển biến mạnh mẽ.
Thực tế, một số doanh nghiệp FDI đã lên niêm yết từ 10 - 15 năm trước hoạt động khá ổn định như EVE, TKU, TYA.
Cho đến hiện tại, thị trường chưa ghi nhận những doanh nghiệp này lên sàn để tìm cách thoái vốn, hay huy động vốn từ thị trường Việt Nam rồi chuyển ra nước ngoài… như một số ý kiến quan ngại và xem đây là lý do chưa nên mở cửa cho doanh nghiệp FDI tiếp tục lên sàn.
“Có doanh nghiệp FDI sau nhiều năm làm ăn tại Việt Nam, mới đây đến đặt vấn đề tư vấn để đưa cổ phiếu lên niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu quy định pháp lý, cũng như hỏi ý kiến cơ quan quản lý, chúng tôi đành phải trả lời đối tác là không thể thực hiện thương vụ tư vấn cho doanh nghiệp lên sàn”, phó chủ tịch hội đồng quản trị một công ty chứng khoán đang niêm yết trên HOSE chia sẻ.
Những ý kiến cho rằng, sau khi doanh nghiệp FDI “hưởng” hết các ưu đãi về thuế, đất đai… khi vào Việt Nam đầu tư kinh doanh, thì họ tìm cách đưa cổ phiếu lên sàn để thoái vốn không phải không có lý.
Tuy nhiên, nếu có điều đó thì cần bàn tay của nhà quản lý để điều tiết cho hài hòa, chứ không thể vì lo ngại đó mà chậm trễ xây cơ chế cho doanh nghiệp FDI lên sàn.
Tình trạng này kéo dài có thể khiến doanh nghiệp FDI tìm cách chuyển hoạt động sang các thị trường tạo thuận lợi cho họ lên sàn để thêm cơ hội huy động vốn qua thị trường chứng khoán, vừa có lợi thế so sánh với Việt Nam về mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh.
Mới đây, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) sau khi lấy ý kiến các bên liên quan đã đề xuất các giải pháp tháo gỡ bất cập về cơ chế để chính thức cho phép các doanh nghiệp FDI lên sàn, sau giai đoạn thử nghiệm ban đầu.
Tuy nhiên, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính, UBCK cần tính toán lại cách thức đề xuất tháo gỡ về cơ chế sao cho khả thi, phù hợp với các quy định của pháp luật, trong đó có Luật Chứng khoán mới.
Được biết, sau chỉ đạo trên của Chính phủ, trong quá trình xây dựng nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, Bộ Tài chính, UBCK đang tính toán đưa nội dung niêm yết/đăng ký giao dịch của doanh nghiệp FDI vào dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán.
Điều này có nghĩa, nếu được Chính phủ thông qua thì năm tới có thể khơi thông điểm nghẽn về cơ chế cho doanh nghiệp FDI lên sàn.