Doanh nghiệp FDI mong muốn chính sách thuế minh bạch, thuận lợi, nhất quán

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều ý kiến chuyên gia từ các tổ chức, hiệp hội được nêu ra nhằm hỗ trợ cho quá trình hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Để tăng cường thu hút đầu tư từ các quốc gia phát triển nói chung, Việt Nam cần phải hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý và thủ tục hành chính minh bạch, thuận lợi, nhất quán, có quy hoạch rõ ràng-Ảnh Đức Thanh Để tăng cường thu hút đầu tư từ các quốc gia phát triển nói chung, Việt Nam cần phải hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý và thủ tục hành chính minh bạch, thuận lợi, nhất quán, có quy hoạch rõ ràng-Ảnh Đức Thanh

Theo đại diện của Phòng Thương mại công nghiệp Nhật Bản (JCCI), Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển, có thể tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư một cách toàn diện nhất, chính phủ có thể xem xét các nội dung chủ chốt như: “Bảo vệ môi trường”, “Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP)", “Xây dựng Chuỗi giá trị toàn cầu”, “Phát triển nguồn nhân lực” và “Ổn định môi trường pháp lý và Các biện pháp khuyến khích đầu tư”.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cũng chia sẻ ý kiến về tính thiết yếu trong việc xây dựng một khung pháp lý công bằng, minh bạch, ổn định và hiệu quả, mà trong đó coi trọng sự đổi mới sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút, duy trì và phát triển thương mại và đầu tư chất lượng cao. Các chính sách thuế cần ổn định và công bằng hơn, đẩy mạnh hiện đại hóa hải quan, loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại, cấp quyền sử dụng đất nhanh và minh bạch... Đây cũng là kỳ vọng của cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài trước thềm năm mới Canh Tý 2020.

Kiến nghị về chính sách thuế cũng được đề cập khá rõ trong Báo cáo về các vấn đề chính sách thuế và hải quan của nhóm công tác VBF. Theo đó, Nhóm công tác về nội dung này đánh giá, những năm gần đây Chính phủ Việt Nam cũng như các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức lớn sao cho hoạt động có hiệu quả, cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam và các bộ ngành liên quan đã ban hành mới hay bổ sung, sửa đổi rất nhiều quy định liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn cũng như cải thiện mội trường đầu tư, tăng chỉ số cạnh tranh của Việt Nam, qua đó, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc vận dụng các quy định, chính sách ở các địa phương vẫn còn tồn tại một số khó khăn, bất cập, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi, sự bình đẳng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Mới đây, khi Thanh tra thuế thông báo truy thu thuế một loạt doanh nghiệp sau khi rà soát các hồ sơ hoạt động trước đây, trong đó có nhiều nhà đầu tư đang triển khai đầu tư khá mạnh tại Việt Nam như Heineken, Kone, Coca-Cola, Standard Chartered…, về cơ bản ngay khi nhận quyết định truy thu các doanh nghiệp đều thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư này đều bày tỏ sự quan ngại về cơ chế tính thuế, phương thức tính cần được minh bạch khi triển khai. 

Đơn cử, trong công văn mới đây gửi các cơ quan hữu quan, ông Peeyush Sharma, Tổng giám đốc Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (gọi tắt là CCBVL), đã khẳng định: “Dành sự tôn trọng cho đa số các kết luận của Tổng cục Thuế, tuy nhiên, CCBVL không đồng thuận với phần lớn các kết luận của Tổng cục Thuế và giữ nguyên quan điểm của mình rằng công ty đã hoạt động hoàn toàn tuân thủ theo pháp luật Việt Nam.

Quan điểm này được thể hiện rõ ràng trong tất cả các văn bản giải trình và tài liệu được nộp lên Tổng Cục thuế trong đợt thanh tra. CCCBVL sẽ tiếp tục làm việc sâu sát cùng các cơ quan chính phủ cho vấn đề này để phù hợp với cam kết vững chắc của công ty trong việc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam với tinh thần trung thực và tuyệt đối tuân thủ pháp luật Việt Nam”.

“Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam luôn luôn hoạt động kinh doanh với tinh thần trung thực và tuyệt đối tuân thủ pháp luật Việt Nam. Danh tiếng của Công ty là điều rất quan trọng, do vậy chúng tôi tuyệt đối không bao giờ thực hiện các hành động gian lận hay trốn thuế, những việc có thể gây tổn hại tới danh tiếng công ty. Công ty đã tích cực hợp tác với cơ quan thuế, cung cấp các thông tin và tài liệu theo yêu cầu để phục vụ cho việc thanh tra”, ông Peeyush Sharma bày tỏ quan điểm.

Có thể nói, trong thời gian qua, Việt Nam luôn nhận được sự đánh giá cao của các tổ chức quốc tế như là một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, cho đến nay, luỹ kế đến tháng 4/2018, số vốn Hoa Kỳ rót vào Việt Nam là 9,9 tỷ USD với 879 dự án, đứng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư. Hoa Kỳ, trong một thời gian dài chỉ quanh quẩn ở vị trí thứ 9 hoặc 10 về số vốn đầu tư.

Nhận định về điều này, tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cho biết: "Đầu tư của Mỹ hay châu Âu vào Việt Nam còn quá ít so với FDI của họ trên thế giới và vào các nước ASEAN. Triển vọng thu hút nhiều hơn vốn FDI từ Mỹ phụ thuộc chủ yếu vào việc giải quyết tốt những đòi hỏi của nhà đầu tư về công khai, minh bạch, dễ dự báo của hệ thống luật pháp và thực thi pháp luật."

Cùng chia sẻ quan điểm này, một chuyên gia nghiên cứu đầu tư cũng từng đề cập đến sự không thống nhất của các bộ, ngành, địa phương dẫn đến việc giải quyết các thủ tục đầu tư phiền hà, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

“Để tăng cường thu hút đầu tư từ các quốc gia phát triển nói chung, Việt Nam cần phải hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý và thủ tục hành chính minh bạch, thuận lợi, nhất quán, có quy hoạch rõ ràng về các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư, có chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư phù hợp”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Bảo Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục