Mở lối cho doanh nghiệp điện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quy hoạch Điện VIII vừa thông qua được đánh giá là nền tảng chính sách quan trọng cho tương lai của ngành điện và mở ra cơ hội với nhiều doanh nghiệp trong ngành.
Giai đoạn 2021 - 2030, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD. Giai đoạn 2021 - 2030, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD.

Khó khăn, vướng mắc sẽ dần được giải quyết

Sau khoảng thời gian dài bị nhiều thông tin thiếu tích cực bao phủ, trong tuần qua, ngành điện đón nhận tin vui: Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) chính thức được Chính phủ phê duyệt vào ngày 15/5/2023. Với thị trường chứng khoán, thông tin này cũng được nhiều nhà đầu tư ngóng chờ từ lâu.

Mở đầu phiên giao dịch 16/5, Quy hoạch Điện VIII trở thành chất xúc tác thúc đẩy một loạt cổ phiếu điện bật tăng. Tuy nhiên, đến cuối phiên chiều, mức tăng không được duy trì, mà dao động quanh mức tham chiếu, tương đồng với thị trường chung. Sang phiên 17/5, cổ phiếu điện đảo chiều theo thị trường, màu xanh chỉ xuất hiện ở một vài mã, giao dịch kém sôi động.

Ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc Phân tích Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, nhóm cổ phiếu năng lượng đã có nhịp tăng từ trước, phản ánh kỳ vọng vào dự thảo Quy hoạch Điện VIII. Đến nay, nhiều mã cổ phiếu đã gần chạm đến mức giá mục tiêu, dư địa tăng không còn nhiều.

Hiện tại, nhà đầu tư tỏ ra thận trọng với cổ phiếu điện còn do các vướng mắc của ngành điện cần có thời gian để tháo gỡ. Tuy nhiên, vai trò quan trọng của bản quy hoạch trong tương lai đối với ngành điện cũng như với sự phát triển đất nước là điều không thể phủ nhận.

Ông Trương Quang Bình khẳng định, Quy hoạch Điện VIII sẽ là nền tảng cho chính sách năng lượng trong những năm tới. Điều này rất quan trọng trong việc mở rộng mạng lưới truyền tải và xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Về tổng thể, Quy hoạch tập trung vào hai vấn đề quan trọng nhất của ngành điện: một là, quy hoạch phát triển hệ thống nguồn điện; hai là, kế hoạch đầu tư phát triển nguồn và lưới điện.

Tỷ trọng các nguồn điện theo Quy hoạch. Nguồn: Quy hoạch Điện VIII, Agriseco Research tổng hợp.

Tỷ trọng các nguồn điện theo Quy hoạch. Nguồn: Quy hoạch Điện VIII, Agriseco Research tổng hợp.

Theo đó, tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện sẽ gia tăng, ưu tiên phát triển nguồn điện gió. Năm 2023, điện gió dự kiến sẽ chiếm khoảng 18% tổng công suất hệ thống và tăng lên 27 - 29% vào năm 2050.

Điện mặt trời đã phát triển nhanh trong giai đoạn 2011 - 2020, dẫn đến quá tải lưới điện. Do đó, các dự án chưa giao chủ đầu tư trước mắt sẽ bị trì hoãn và xem xét sau năm 2030, nhưng mục tiêu đến năm 2050, điện mặt trời chiếm tỷ trọng lớn nhất, từ 33 - 33,4%.

Đối với điện khí, tỷ trọng được định hướng tăng từ 11% năm 2022 lên 25% năm 2030 để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng, nhưng đến năm 2050 sẽ giảm về còn 15% trong cơ cấu điện.

Trong khi đó, nguồn nhiệt điện sẽ giảm theo lộ trình chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, việc này mang tính dài hạn, do Việt Nam cần đảm bảo nguồn điện để ưu tiên tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, trong thời gian tới vẫn sẽ phát triển điện than, dự kiến đến năm 2030 chiếm 20% trong cơ cấu nguồn điện. Sau đó, tỷ trọng điện than sẽ giảm dần và đến năm 2050 không còn sử dụng điện than để phát điện.

Các nguồn điện khí, điện gió sẽ được đẩy mạnh phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2035.

Quy hoạch Điện VIII đã nhất quán quan điểm, điện là ngành hạ tầng quan trọng. Nhu cầu nâng cấp hệ thống truyền tải điện đang quá tải là cấp thiết để đảm bảo hệ thống được vận hành trơn tru, kể cả khi mở rộng công suất huy động đáp ứng cầu sử dụng của xã hội. Trong giai đoạn 2021 - 2030, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD; giai đoạn 2031 - 2050 từ 399,2 - 523,1 tỷ USD.

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Phát triển xanh đánh giá, Quy hoạch Điện VIII là căn cứ quan trọng để triển khai các dự án nguồn điện đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng của kinh tế - xã hội, giải bài toán cơ cấu về nguồn điện, kết hợp điện năng lượng tái tạo với nguồn truyền thống như điện than, điện khí.

Đồng thời, Quy hoạch là căn cứ pháp lý để triển khai loạt dự án đầu tư mở rộng dự án truyền tải điện; là cơ sở pháp lý tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đầu tư xây dựng các dự án điện và thị trường điện, cơ chế bán điện, nhất là dự án điện mặt trời, điện gió.

Doanh nghiệp điện được mở lối

Theo ông Trương Quang Bình, Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 (PCC1, mã chứng khoán PC1) là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây lắp điện, đường dây tải điện, trạm biến áp và sản xuất cột điện, Quy hoạch Điện VIII sẽ thúc đẩy tăng trưởng mảng xây lắp trong dài hạn. Bên cạnh đó, PCC1 dần chuyển dịch mô hình kinh doanh sang mảng xây dựng năng lượng xanh và phát điện. Hiện doanh nghiệp có 3 dự án điện gió với tổng công suất 144 MW và một số dự án thủy điện mang lại dòng tiền ổn định.

Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2, mã chứng khoán TV2) cũng được ông Bình đánh giá cao khi doanh nghiệp đang tham gia vào lĩnh vực xây lắp điện, đặc biệt là tổng thầu EPC dự án điện gió và xây lắp đường dây, trạm biến áp.

Với định hướng quy hoạch nguồn điện khí, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Pow, mã chứng khoán POW) có động lực tăng trưởng trong dài hạn, đến từ hai nhà máy nhiệt điện khí Nhơn Trạch 3 và 4. Ông Bình kỳ vọng, PV Power sẽ bắt đầu vận hành hai nhà máy vào năm 2025 và 2026, qua đó nâng tổng công suất thiết kế lên thêm 35%.

Trong ngắn hạn, vị chuyên gia của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, PCC1 và PV Power sẽ được hỗ trợ từ thời tiết khô hạn do El Nino gây ra, điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung từ thuỷ điện có thể giảm, làm tăng nhu cầu đối với cả năng lượng tái tạo và nhiệt điện.

Ngoài ra, Quy hoạch Điện VIII được ban hành sau nhiều lần dự thảo sẽ có tác động tích cực tới các chủ đầu tư có kinh nghiệm phát triển các dự án năng lượng tái tạo như Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã chứng khoán BCG), Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán HDG), Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (mã chứng khoán REE), Công ty cổ phần Điện Gia Lai (mã chứng khoán GEG).

Điện Gia Lai đang có các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp sẵn sàng vận hành trong năm 2023 - 2024 như Điện gió VPL Bến Tre giai đoạn 2 (30 MW), Điện mặt trời Đức Huệ 2 (49 MW).

Tập đoàn Hà Đô đang phát triển mảng năng lượng, bao gồm 314 MW thuỷ điện, 50 MW điện gió và khoảng 82 MW điện mặt trời; trong quý I/2023, doanh thu mảng năng lượng tái tạo chiếm 59% tổng doanh thu.

Bamboo Capital đã đưa vào vận hành 592 MW năng lượng tái tạo, gồm 4 dự án là BCG Long An 1, BCG Long An 2, Phù Mỹ 1 và BCG Vĩnh Long, cùng một số dự án điện mặt trời áp mái. Công ty đang triển khai các dự án điện gió, bao gồm Khai Long Cà Mau và Trà Vinh cùng giai đoạn 1, với tổng công suất 180 MW.

Với Cơ điện lạnh, theo định hướng đến năm 2050 của Chính phủ là chuyển dần sang sử dụng năng lượng sạch Hydro, thay thế cho điện khí LNG, nên Công ty đang xem xét, nghiên cứu mảng Hydrogen. Trước đó, doanh nghiệp đã tiếp cận một số đơn vị đến giới thiệu về loại năng lượng mới này.

Về điện than, Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) vẫn có đánh giá khả quan, do đây vẫn là một phần trọng yếu trong hệ thống điện quốc gia, chiếm tới 1/3 tổng sản lượng điện. Sắp tới, khả năng phát từ nguồn thuỷ điện sẽ giảm nên Agriseco Research kỳ vọng, giá phát điện và sản lượng huy động nhiệt điện than tăng. Theo đó, cổ phiếu QTP của Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (mã chứng khoán QTP) đáng quan tâm đầu tư trong nhóm điện than.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục