Mô hình tập đoàn dưới góc độ quản trị doanh nghiệp

(ĐTCK) Việc hình thành các tập đoàn kinh tế nhà nước mới chỉ khoảng 3 năm trở lại đây và đến nay vẫn chưa có một đánh giá toàn diện về hiệu quả mô hình này. Vừa qua, việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư mạnh ra các lĩnh vực kinh doanh ngoài truyền thống và đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Bài viết này đi sâu đánh giá về cơ chế quản trị doanh nghiệp tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong định hướng kinh doanh đa ngành hiện nay.
Hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế.

Có thể khẳng định rằng, về lý thuyết, việc tập đoàn thực hiện đầu tư, đa dạng hoá ngành nghề kinh doanh có thể giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh, chủ động trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ trong mỗi đơn vị, tạo lập mối liên kết chặt chẽ về công nghệ, thị trường, đã đáp ứng được mục tiêu đa dạng hoá ngành nghề và đa dạng hóa sở hữu vốn tại DN thành viên… Tuy nhiên, việc thành lập quá nhiều công ty con, công ty liên kết, thậm chí các công ty con lại thành lập thêm các công ty "cháu" hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác hẳn với lĩnh vực truyền thống của tập đoàn đã trở thành "mốt thời thượng". Mặc dù, trong quyết định thành lập của các công ty mẹ - tập đoàn không có quy định về ngành nghề kinh doanh chính và phụ; các lĩnh vực nhạy cảm như đầu tư tài chính và kinh doanh vốn, hoạt động tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản được xác định như các ngành nghề kinh doanh khác; trong một khía cạnh nào đó,  có thể hỗ trợ cho ngành nghề sản xuất truyền thống, nhưng đây cũng là lĩnh vực đòi hỏi việc quản trị DN và quản lý rủi ro nghiêm ngặt và theo những quy định riêng. Do đó, nếu không đủ năng lực quản lý trong những lĩnh vực nhạy cảm này thì rất dễ rủi ro.

Nếu xét trên góc độ quản trị thì việc đầu tư vào công ty con, công ty liên kết, sắp xếp chuyển đổi các DN thành viên trong tập đoàn thành CTCP, công ty trách nhiệm hữu hạn là nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN thành viên này. Cơ chế hiện hành cũng đã tạo ra hành lang mới về đầu tư vốn theo hình thức kinh doanh thay thế cho phương thức hành chính trước đây.

Thông qua hoạt động đầu tư vốn vào các DN này đã tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các công ty trong tập đoàn có chung lợi ích kinh tế, có điều kiện để tích tụ vốn và tối đa hoá lợi nhuận, đồng thời phân tán rủi ro. Tuy nhiên, việc này cũng sẽ làm gia tăng tính chất khép kín trong nội bộ tập đoàn, làm hạn chế tính cạnh tranh của nền kinh tế do các tập đoàn chỉ ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ trong nội bộ, các DN ngoài tập đoàn khó có cơ hội tiếp cận hoặc tham gia cung cấp sản phẩm hàng hóa.

Mặt khác, sau khi sắp xếp chuyển đổi sở hữu, hầu như các DN thành viên đều có vốn của các tập đoàn và có thể cùng hoạt động trong những ngành nghề giống nhau, cạnh tranh lẫn nhau trong việc tiêu thụ hàng hoá, thị trường và việc làm... Nguyên nhân của tình trạng này thì có nhiều, trong đó có vấn đề về chi phối chính sách của công ty mẹ đối với hoạt động của các công ty thành viên, hoặc do năng lực quản lý của người đại diện phần vốn của tập đoàn tại các công ty... Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng vốn tại DN, tác động tiêu cực đến việc quy hoạch và thực hiện chiến lược phát triển của từng ngành, cũng như ảnh hưởng đến khả năng phát triển ngành nghề chủ yếu, nên cần được đánh giá toàn diện để ngăn chặn và chấn chỉnh khi chưa trở thành gánh nặng cho Chính phủ, cho xã hội. Do đó, cần nghiên cứu để tái cấu trúc lại các DN trong tập đoàn theo từng nhóm ngành hoạt động, để thống nhất việc kiểm soát các chính sách hoạt động của các DN nhằm gia tăng giá trị DN và lợi ích của các cổ đông.

Hiện nay, đã xuất hiện một số trường hợp đầu tư đan xen trong nội bộ tập đoàn; các công ty con, công ty liên kết ngoài số vốn đầu tư của tập đoàn thì lại có vốn đầu tư của các công ty con, công ty liên kết khác trong tập đoàn, thậm chí một số công ty con lại có vốn đầu tư của công ty “cháu" hoặc công ty mẹ - công ty con đầu tư lẫn nhau. Điều này dẫn đến hiện tượng trong HĐQT của công ty mẹ hoặc của công ty con có đại diện phần vốn của công ty con tại công ty mẹ và ngược lại. Trường hợp xuất hiện các xung đột lợi ích giữa công ty mẹ - công ty con thì ngay bên trong HĐQT của từng công ty đã không đạt được sự đồng thuận do các thành viên HĐQT đều muốn bảo vệ lợi ích cho đơn vị mà mình đại diện, điều sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động toàn tập đoàn. Do đó, cần phải có một cơ chế cấm việc công ty con đầu tư trở lại công ty mẹ cũng như giám sát hoạt động đầu tư của các công ty con của tập đoàn.

Việc các tập đoàn cho công ty con, công ty liên kết vay vốn đến nay vẫn chưa có một đánh giá cụ thể. Hoạt động cho vay nội bộ này chủ yếu mang tính hỗ trợ các DN trong việc huy động vốn, giúp DN gặp khó khăn tạm thời về nguồn vốn khi chưa đủ điều kiện để ngân hàng cho vay giải ngân các dự án vay vốn thì đây là một giải pháp hỗ trợ cho các DN thành viên. Nhưng nếu cho vay theo hình thức tín chấp sẽ dẫn đến những e ngại do không mang lại sự minh bạch trong quản trị điều hành và dễ bỏ qua những thủ tục quản lý thận trọng. Điều này có thể là rủi ro tiềm năng nếu không có các biện pháp kiểm soát cần thiết.

Trong bối cảnh hiện nay, hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, việc đánh giá đúng và điều chỉnh kịp thời các chính sách quản lý hoạt động của tập đoàn sẽ góp phần nâng cao vai trò dẫn dắt và là động lực thúc đẩy nền kinh tế của các tập đoàn kinh tế nhà nước.                        

Phan Hoài Hiệp
Phan Hoài Hiệp

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 4.33 0.34% 230,739 tỷ
HNX 241.54 1.53 0.63% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.37 0.4% 1,197 tỷ