Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện không còn phù hợp

(ĐTCK) Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 11/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đất nước cần kiên trì thay đổi mô hình mới dựa trên nền tảng năng suất và đổi mới sáng tạo, giảm dần sự phụ thuộc tài nguyên, lao động giá rẻ, bởi lẽ những lợi thế của hôm nay sẽ không kéo dài trong tương lai.
Thủ tướng Chính phủ trao đổi tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018. Thủ tướng Chính phủ trao đổi tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ những thông tin liên quan đến kinh tế Việt Nam vừa về đích với những con số khả quan, giúp củng cố lòng tin của nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, tạo ra sinh khí mới cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý không được ngủ quên trên chiến thắng, bộ máy phát triển không được phép dừng lại. Theo đó, đất nước cần kiên trì thay đổi mô hình mới dựa trên nền tảng năng suất và đổi mới sáng tạo, giảm dần sự phụ thuộc tài nguyên, lao động giá rẻ bởi lẽ những lợi thế của hôm nay sẽ không kéo dài trong tương lai.

Thủ tướng thẳng thắn cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức đối với kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn, một trong số những thách thức quan trọng là bài toán kép: phát triển nhanh nhưng phải bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Tăng trưởng và phát triển là cuộc đua maraton đường trường chứ không phải cuộc chạy đua nước rút

- Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc

Nhìn lại, mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay đã có những chuyển biến cơ bản với cách thức vận hành, cấu trúc mới… Động lực của tăng trưởng được tạo bởi các động lực bộ phận cho phép khai thác tốt tiềm năng của các thành phần kinh tế, từng bước chuyển dần theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Mô hình tăng trưởng kinh tế còn tạo được cơ chế phân bổ và phân phối sản lượng tương đối phù hợp với trình độ phát triển, góp phần cải thiện và tạo bước tiến đáng kể về phát triển xã hội trên nhiều khía cạnh như thu nhập và mức sống cho các tầng lớp nhân dân; công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả khá bền vững...

Tuy nhiên, mô hình này những năm qua đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết trong cơ chế vận hành.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng: “Mô hình tăng trưởng hiện không phù hợp với các điều kiện thay đổi của nền kinh tế”.

Quả thực, tăng trưởng kinh tế dựa quá nhiều vào đầu tư, khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ, quá coi trọng vai trò của khu vực kinh tế nhà nước vốn kém hiệu quả, trong khi lại chưa quan tâm đúng mức đến các động lực khác của nền kinh tế, như khoa học - công nghệ, nhu cầu của thị trường trong nước...

Mô hình tăng trưởng kinh tế dựa quá nhiều vào cấu trúc kinh tế thiên lệch về nguồn lực cho công nghiệp, dịch vụ, chưa chú trọng và đầu tư thích đáng cho nông nghiệp, nông thôn.

Ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cũng nhận định: “Để tránh được bẫy thu nhập trung bình và duy trì tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần thiết lập mô hình tăng trưởng kinh tế mới, thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước và tăng sức cạnh tranh”. 

Theo đó, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế là đòi hỏi cấp thiết và một trong những điều quan trọng được các chuyên gia nhận định, cần tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh; kết hợp có hiệu quả hai loại tăng trưởng trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất lao động, phát huy lợi thế so sánh, chủ động hội nhập quốc tế.

Trong khi đó, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, sau thời kỳ suy thoái toàn cầu Việt Nam đã phục hồi đã tăng trưởng ngoạn mục, nhưng xu thế giảm mức tăng năng suất lao động vẫn tồn tại và gây quan ngại.

Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đạt 4% và có xu thế đi xuống trong khi đó tỷ lệ năng suất lao động của Trung Quốc là trên 7%, Hàn Quốc là 5% khi các nước này còn ở cùng trình độ phát triển như hiện nay của Việt Nam.

Bổ sung thêm thông tin, TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực cho dù tăng trưởng kinh tế ở mức cao.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 chỉ bẳng 7% Singapore, 17,6% của Malaysia và 36,5% của Thái Lan. Mỗi lao động của Việt Nam chỉ có năng suất bằng 42,3% của Indonesia, 56,7% của Philippines và đặc biệt, chỉ bằng 87,4% của Lào.

“Điều đáng lo hơn cả là chêch lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước vẫn tiếp tục gia tăng”, ông Thuấn nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tăng trưởng nhanh và bền vững dù mâu thuẫn nhưng không phải là bất khả thi, bởi đã có nhiều nước thành công như Hàn Quốc, Nhật Bản. Và vấn đề đặt ra là Việt Nam cần làm gì để hoá giải mâu thuẫn này?.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia đã khuyến nghị giải pháp bao gồm năng lượng xanh và bền vững, cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hoá và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong thương mại tín dụng đầu tư. 

Theo đó, Thủ tướng cũng đề nghị các ban ngành liên quan cần xem xét, nghiên cứu bởi: “Tăng trưởng và phát triển là cuộc đua maraton đường trường chứ không phải cuộc chạy đua nước rút”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục