Trong chuỗi sự kiện của “Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2”, hội thảo Chuyên đề “Năng lượng xanh cho phát triển kinh tế bền vững” và song song với đó, Hội thảo chuyên đề “Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa” cũng được tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, năng lượng luôn là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tất cả các nước trên thế giới.
Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đảng ta đã luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề phát triển năng lượng.
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo.
“Hiện nay, các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt đã và đang đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của đất nước. Tuy nhiên, nguồn năng lượng hóa thạch có hạn, việc sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch có quy cơ gây ô nhiễm môi trường, tăng phát khi gây hiệu ứng nhà kính.
Vì vậy, việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng xanh thay thế, có khả năng tái tạo và khắc phục được các hạn chế nêu trên như: năng lượng gió, mặt trời, địa nhiệt hay năng lượng từ sinh khối, sinh học là một nhu cầu tất yếu”, ông Bình nói.
Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, để hướng tới mục tiêu phục tốt nhất người tiêu dùng, cần có những giải pháp về đa dạng hóa sở hữu và phương thức kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước gắn với bảo vệ môi trường sinh thái hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế các-bon thấp.
Các chuyên gia quốc tế cũng đã chia sẻ về kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng, những nét chính về cơ chế tài chính, tín dụng quốc tế để hỗ trợ Việt Nam phát triển hạ tầng năng lượng, tiếp cận một số thành tựu của ngành năng lượng thế giới. Bên cạnh đó, nhận diện những thách thức tác động xấu đến ngành năng lượng do biến đổi khí hậu và đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam.
Còn ông John Kerry, Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie thẳng thắn đặt vấn đề: “Lựa chọn nào cho Việt Nam, than đá hay năng lượng tái tạo?”.
Các chuyên gia trao đổi tại Hội thảo.
Hội thảo "Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa" nhằm đánh giá về điểm nghẽn tăng trưởng và bản đồ năng suất của Việt Nam trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp cụ thể, giúp Việt Nam có thể tận dụng được lợi thế sản xuất tiềm năng và nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nói: “Thúc đẩy năng suất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và quyết định đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững cho giai đoạn mới và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, việc nâng cao năng suất đang là một thách thức đối với Việt Nam”.
Thông tin tại Hội thảo cho thấy, thực tế, cải thiện năng suất không chỉ có việc nâng cao năng suất của người lao động, mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, năng suất vốn. Quan trọng nhất là phải nâng cao được năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cải thiện năng suất, đó chính là nền tảng của nâng cao năng lực cạnh tranh của mọi quốc gia, bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực, phát huy sức sáng tạo của chính mình, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ và tham vấn của các đối tác phát triển, cộng đồng DN, chuyên gia, nhà khoa học trong và người nước để tìm ra các giải pháp, chính sách phù hợp…