“Mô hình đầu tư Private Equity vẫn được ưu tiên ở Việt Nam”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với kinh nghiệm tư vấn thành công cho nhiều thương vụ mua bán doanh nghiệp (M&A), phát hành cổ phiếu, trái phiếu huy động vốn cho cả bên mua lẫn bên bán, ông Phạm Ngọc Bích, Giám đốc điều hành Khối Tư vấn Tài chính Doanh nghiệp, Công ty cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) chia sẻ về thị trường M&A.
Ông Phạm Ngọc Bích, Giám đốc điều hành Khối Tư vấn Tài chính Doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) Ông Phạm Ngọc Bích, Giám đốc điều hành Khối Tư vấn Tài chính Doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC)

Với tình hình kinh tế trầm lắng như hiện nay, ông nhận định ra sao về triển vọng của thị trường M&A, ngành nào sẽ tiếp tục thu hút nhà đầu tư?

Trong năm 2023, kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng xấu từ đà tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để kiềm chế mức lạm phát còn khá cao cộng với các rủi ro liên quan đến chiến tranh tại Ukraine và Trung Đông, làm chậm lại hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khắp nơi, đặc biệt trong các ngành bất động sản và sản xuất công nghiệp, khiến sức mua của người tiêu dùng trên toàn cầu, bao gồm Việt Nam bị giảm một cách đáng kể.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vị thế của một quốc gia đang phát triển mạnh nhờ lợi thế về giá nhân công rẻ, giá đất công nghiệp và giá năng lượng giữ ở mức cạnh tranh, cộng với xu hướng các doanh nghiệp sản xuất quốc tế tiếp tục tìm cách đa dạng hóa các hoạt động sản xuất sang các nước ASEAN và giảm bớt các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc.

Vì vẫn là một nước mới nổi với tầng lớp trung lưu tiếp tục tăng, quá trình đô thị hóa và đầu tư công vào cơ sở hạ tầng vẫn tiếp tục, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam vẫn cao hơn tốc độ tăng trưởng của các quốc gia đã phát triển khác tại châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan. Vì vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút các kênh đầu tư FDI từ các quốc gia lân cận tại châu Á.

Từ các yếu tố trên, có thể thấy Việt Nam vẫn là thị trường M&A tiềm năng. Như trong các năm trước đây, các ngành sản xuất, chế biến và phân phối hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ ăn uống (F&B) và các dịch vụ phục vụ cho người tiêu dùng như các ngành y tế, sức khỏe, giáo dục, mỹ phẩm và các dịch vụ cá nhân tiếp tục hoạt động ổn định và thu hút các nhà đầu tư nhiều hơn các ngành có tính chu kỳ như bất động sản nhà ở, vật liệu xây dựng, khoáng sản và dịch vụ ngân hàng - tài chính.

HSC tư vấn thành công nhiều thương vụ M&A

HSC tư vấn thành công nhiều thương vụ M&A

Vì sao hoạt động M&A chủ yếu là thương vụ trong các doanh nghiệp chưa niêm yết, với bên mua là các quỹ đầu tư tư (Private Equity)? Ông có góc nhìn ra sao về xu hướng M&A tại các doanh nghiệp đã niêm yết?

Thị trường chứng khoán tại Việt Nam chưa lấy lại đà tăng bởi nhiều lý do bao gồm thị trường bất động sản đóng băng, nợ xấu các ngân hàng thương mại gia tăng đột biến, sức mua của người tiêu dùng yếu hẳn cộng với các sự kiện tiêu cực liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, làm rủi ro đầu tư cổ phiếu niêm yết tại Việt Nam đối với các nhà đầu tư gián tiếp tổ chức quốc tế (international indirect institutional investors) tăng đáng kể.

Đặc biệt, doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đa số quy mô còn bé, quản trị chưa đạt theo các chuẩn mực quốc tế và có tiềm ẩn rủi ro, nên các nhà đầu tư quốc tế tiếp cận thị trường Việt Nam bao gồm các doanh nghiệp đa quốc gia lớn (MNC) và các quỹ hưu trí lớn rất cần tiếp cận và thông qua các chuyên viên đầu tư chuyên nghiệp quốc tế có nhiều kinh nghiệm và biết cách quản lý các rủi ro đầu tư ngày càng phức tạp, theo mô hình Private Equity.

Các quỹ Private Equity ưu tiên đầu tư thông qua các kênh đầu tư trực tiếp để nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp nhiều hơn là đơn thuần quy trình mua/bán chứng khoán niêm yết, nhằm mục đích nâng cao chất lượng và giá trị của doanh nghiệp, tăng quy mô và lợi nhuận đến mức cao đủ chuẩn và đủ trưởng thành để được chào bán cho các doanh nghiệp đa quốc gia (MNC) hoặc được đưa lên các nền tảng đầu tư lớn đa quốc gia có chất lượng và có lợi nhuận ổn định đủ thu hút các quỹ hưu trí lớn trên thế giới.

Kênh đầu tư Private Equity thông thường có các tiêu chí đầu tư khắt khe nhất định, bao gồm đầu tư với giá hợp lý tại mức thấp, với tỷ lệ đầu tư đáng kể (từ 10% đến 49%) vào vốn cổ phần của doanh nghiệp hoặc thậm chí mua đến trên 50% vốn cổ phần của công ty chưa niêm yết, kèm theo nhu cầu tham gia điều hành doanh nghiệp thông qua việc nắm giữ ghế thành viên hội đồng quản trị và ghế ban kiểm soát của công ty và một số điều kiện ràng buộc khác. Đây là kênh đầu tư theo dạng M&A, đang có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam trong các năm sau dịch Covid-19.

Thương vụ M&A đối với các công ty niêm yết có phần thêm khó khăn là phải tuân thủ các thủ tục phê duyệt của các cơ quan quản lý liên quan và độ nhạy của biến động giá thị trường. Tuy nhiên, bản chất của quy trình đầu tư của các quỹ Private Equity là mua vào cổ phần của doanh nghiệp chưa niêm yết, giúp doanh nghiệp tăng trưởng và thoái vốn tại thời điểm doanh nghiệp thực hiện IPO và đăng ký niêm yết. Đây là lý do tại sao đa số các thương vụ M&A được thực hiện đối với các công ty chưa niêm yết.

Theo ông, đâu là những khó khăn, rào cản chính hiện nay khiến các thương vụ mua bán không thành công? Là nhà tư vấn giàu kinh nghiệm cho cả bên mua và bên bán, ông có lời khuyên gì để các thương vụ thành công?

Chúng tôi ghi nhận đa dạng các lý do như doanh nghiệp được chào bán không đủ hấp dẫn (về mặt quy mô, lợi nhuận, lợi thế thương mại...) để thu hút bên mua, theo các tiêu chí đầu tư khắt khe của bên mua. Bên mua hoặc bên bán đổi ý, quyết định không mua hoặc bán nữa. Bên mua và bên bán không phù hợp với nhau, không đồng quan điểm, làm việc thỏa thuận khó thực hiện được. Giá và các điều kiện chào mua thấp so với giá và các điều kiện bên bán và các bên không có cách xử lý được các khoảng cách. Bên mua và bên bán tự tìm kiếm nhau, tự gặp nhau và tự kiếm cách đàm phán, thỏa thuận nhưng không sử dụng hoặc không thông qua tư vấn M&A chuyên nghiệp. Cơ quan chức năng không phê duyệt thương vụ M&A (Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương...)

Các bên cần mua hoặc cần bán muốn thành công thương vụ M&A nên có tư vấn chuyên nghiệp hướng dẫn và thực hiện thương vụ theo chính sách và quy trình nhất định rõ rệt và có mục tiêu giá cả phù hợp với thị trường và thời gian phải hoàn tất và thành công nhất định.

Có hay không tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam muốn tìm nhà đầu tư để M&A nhưng định giá hiện nay thấp hơn nhiều so với giai đoạn cách đây khoảng 2 - 3 năm?

Hiện nay, mức định giá các doanh nghiệp thấp hơn các năm trước vì lý do mức lãi suất vẫn cao trên toàn cầu, sức mua của bên mua giảm, thị trường/đầu ra giảm, nợ nần vẫn cao… Chúng ta phải chấp nhận thực tế này.

Ông nhận định ra sao về dư tiền “dry powder” của nhà đầu tư hiện nay? Điều đó ảnh hưởng ra sao tới các quyết định của họ?

Đa số các quỹ đầu tư Private Equity có thành tích tốt, đều tiếp tục huy động được tiền mới từ các quỹ hưu trí lớn trên thế giới. Số tiền các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp đa quốc gia muốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam tiếp tục tăng và dư tiền (dry powder) có sẵn để đầu tư. Tuy nhiên, các cơ hội đầu tư có đủ quy mô và đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư theo các tiêu chí của nhà đầu tư là rất khó kiếm.

Phần lớn các nhà đầu tư tại thị trường M&A Việt Nam đều tới từ châu Á. Theo ông, cần những bước đi cụ thể nào để thu hút dòng tiền tiềm năng lớn từ châu Âu và Mỹ hơn nữa?

Do văn hóa, tập quán xã hội và cách sản xuất, buôn bán và thương mại của người Việt gần gũi với nền văn hóa và tập quán của các quốc gia châu Á.

Tuy nhiên, mới đây, các nhà đầu tư từ Mỹ và châu Âu có xu hướng phân bổ đầu tư vào châu Á nhiều hơn và đều có văn phòng tại châu Á như tại Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore và thậm chí có cả chuyên viên người gốc Việt làm việc tại châu Á, giúp các quỹ đầu tư Mỹ và châu Âu tham gia tích cực và thành công hơn vào các thương vụ M&A tại Việt Nam. Nên kỳ vọng, với sự lớn mạnh hơn nữa của doanh nghiệp Việt, chúng ta sẽ chứng kiến các thương vụ M&A, huy động vốn của nhà đầu tư châu Âu và Mỹ nhiều hơn nữa.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2023

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 15 - năm 2023 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào chiều nay (28/11/2023).

Với chủ đề “Chung tay cùng thịnh vượng”, Diễn đàn dự kiến thu hút hơn 500 khách mời tham dự và cùng nhau thảo luận về các cơ hội M&A tại Việt Nam cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu.

Ngoài Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế, để đánh dấu cột mốc 15 năm ra đời, Diễn đàn năm nay sẽ vinh danh các doanh nghiệp, nhà tư vấn M&A tiêu biểu và công bố báo cáo chuyên sâu về thị trường M&A tại Việt Nam giai đoạn 2009 - 2023.

Một điểm nhấn khác là khách tham dự Diễn đàn năm nay sẽ có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp đến từ Singapore thông qua chương trình VBEX Connect Business Matching.

Để đăng ký tham dự Diễn đàn, vui lòng liên hệ: Ms. Hoàng Anh - 0373 507455

Lưu Hương - Thu Hương thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục