Mở đường tăng nguồn cung nhà ở

0:00 / 0:00
0:00
Dù chưa chính thức công bố, song thông tin về việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì xây dựng Đề án Thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp vào tháng 5/2024 hiện thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Mở đường tăng nguồn cung nhà ở

Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường diễn ra vào đầu năm nay chỉ cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở để làm dự án nhà ở thương mại.

Điểm tích cực của quy định trên là sẽ chấm dứt tình trạng một số doanh nghiệp tư nhân mua gom, thâu tóm đất đai để trục lợi. Song trong thời gian ngắn, Nhà nước không thể đáp ứng được hết nhu cầu về đất của doanh nghiệp thông qua hình thức giao, cho thuê đất. Hệ quả, theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, thị trường sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung quỹ đất, dẫn đến khan hiếm nguồn cung nhà ở thương mại.

Một hệ quả khác là quy định trên có thể tập trung lợi ích vào tay những nhà đầu tư đã sở hữu sẵn quỹ đất cho dự án nhà ở thương mại, đẩy giá nhà tiếp tục tăng cao. Đó cũng là lý do Quốc hội cho phép trong trường hợp xét thấy cần thiết, thì Chính phủ sẽ nghiên cứu, xây dựng trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác quy định của Luật Đất đai.

Cần phải nói thêm, việc bắt buộc phải có đất ở được xem là vướng mắc mang tính căn bản của phần lớn dự án nhà ở thương mại đang tắc nghẽn trên thị trường, từng được rất nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nhắc đến trong thời gian qua.

Chỉ riêng TP.HCM, hiện có 41 dự án không đáp ứng điều kiện có quyền sử dụng đất ở để được chấp thuận chủ trương đầu tư làm nhà ở thương mại. Trong khi đó, một thống kê từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho thấy, trong 3 năm qua, trên địa bàn Thành phố chỉ có 11 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư. Với nhà ở xã hội cũng như condotel, officetel, thì thời gian qua không có dự án mới nào được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Trên thực tế, ngay từ năm 2014, Luật Nhà ở đã quy định phải có 100% đất ở mới được làm dự án, khiến gần như 100% dự án bất động sản bị ách tắc. Đến năm 2022, Quốc hội ban hành Luật số 03/2022 sửa 9 luật, theo đó cho phép doanh nghiệp được nhận chuyển nhượng đất ở hoặc đất ở và đất khác không phải là đất ở phù hợp quy hoạch được thực hiện dự án đầu tư.

Song, phần lớn dự án bất động sản phát triển mới, đặc biệt là các dự án quy mô lớn, đều được triển khai trên quỹ đất ban đầu không phải là đất ở. Thống kê từ HoREA về tỷ lệ dự án nhà ở thương mại phát triển trên các loại đất đưa ra những con số đáng chú ý. Cụ thể, tỷ lệ dự án thực hiện trên 100% đất ở chỉ chiếm 1%. Các dự án phát triển trên đất hỗn hợp gồm đất ở và các loại đất khác chiếm tỷ lệ lớn nhất (khoảng 94%).

Điều này cho thấy, quy định về việc có đất ở thì mới được chấp thuận chủ trương làm nhà ở thương mại đang tạo ra tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở cục bộ. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu đẩy giá nhà ra rất xa tầm với của những người có nhu cầu thực về nhà ở như hiện nay.

Do đó, nếu Đề án trên được thông qua, thì đó có thể là bước tiến lớn về quy định đất làm dự án nhà ở thương mại trong hơn 10 năm qua. Từ “đất ở” quy định đất làm dự án nhà ở thương mại (tại Luật Nhà ở 2014), đã chuyển thành “đất ở hoặc đất ở và đất khác đáp ứng điều kiện chuyển mục đích sử dụng” (Luật số 03/2022 sửa 9 luật và Luật Đất đai 2024) và sang “thí điểm các loại đất khác”.

Việc này sẽ tạo điều kiện cho hàng chục, hàng trăm dự án nhà ở thương mại, kể cả dự án không có yếu tố đất ở được ra đời, đóng góp quan trọng vào nguồn cung sản phẩm cho thị trường nhà ở. Qua đó, góp phần giải quyết cơn khát nguồn cung đeo đẳng thị trường nhiều năm qua, giúp giảm giá nhà, tạo điều kiện để giấc mơ an cư đến gần hơn với những lao động có thu nhập thấp.

Tất nhiên, để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng để đầu cơ, trục lợi, Nhà nước cần có giải pháp kiểm soát hoạt động chuyển nhượng này thông qua các công cụ như quy hoạch, tính tiền sử dụng đất. Về lâu dài, cần sớm hiện thực hóa quy định mới về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất, thực hiện bởi tổ chức phát triển quỹ đất. Khi đó, các chủ đầu tư sẽ được tiếp cận quỹ đất một cách công khai, minh bạch thông qua đấu giá, đấu thầu, giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn.

Trọng Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục