“Mở đường lớn” cho M&A

0:00 / 0:00
0:00
Cụ thể hóa, hoàn thiện, đồng bộ pháp luật về đầu tư - kinh doanh và áp dụng các quy định pháp luật một cách nhất quán sẽ góp phần tháo gỡ một số vướng mắc đối với hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A), từ đó “mở đường” đón dòng vốn M&A đổ vào Việt Nam mạnh mẽ hơn...

M&A phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch

Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, Việt Nam tiếp tục là thị trường thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Riêng trong lĩnh vực M&A, thị trường Việt Nam đang phục hồi theo xu hướng chung của thế giới và đã có sự khởi đầu mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2022. Dựa trên nguồn thông tin đã được công bố, tổng giá trị thương vụ M&A trong 6 tháng đầu năm 2022 tại Việt Nam đạt khoảng 4,97 tỷ USD, gần bằng tổng giá trị các thương vụ của cả năm 2021.

Tuy nhiên, theo dự báo, hoạt động M&A trong nửa cuối năm 2022 có thể sụt giảm, tương ứng, dòng vốn M&A tại Việt Nam sẽ giảm dần từ nửa cuối năm 2022 do một số yếu tố thay đổi.

Các nhà đầu tư đang hết sức thận trọng trước những yếu tố bất ổn của nền kinh tế vĩ mô thế giới ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế Việt Nam. Những thách thức mà nhà đầu tư tiếp tục phải đối mặt bao gồm thiếu hụt nguồn cung lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng và tình hình lạm phát.

Do vậy, đây là thời điểm để cơ quan lập pháp xem xét cải thiện những vấn đề tồn đọng liên quan đến khung pháp lý về đầu tư - kinh doanh, đặc biệt là các luật cơ bản điều chỉnh hoạt động M&A như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, Luật Cạnh tranh. Làm được điều này sẽ giúp Việt Nam giảm thiểu tác động tiêu cực của các vấn đề nêu trên lên xu hướng phát triển kinh tế của đất nước trong những năm tiếp theo.

Đồng bộ pháp luật đầu tư và áp dụng nhất quán

Các định nghĩa về “nhà đầu tư nước ngoài” và “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” được quy định tương đối cụ thể trong Luật Đầu tư, nhưng chưa có sự thống nhất với các luật chuyên ngành khác. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc thực thi pháp luật, dù là từ phía cơ quan nhà nước hay các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Vì vậy, các nhà làm luật nên cân nhắc quy định thống nhất định nghĩa về “nhà đầu tư nước ngoài” và “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” trong các văn bản quy phạm pháp luật chủ chốt liên quan đến nền kinh tế, điển hình như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản...

Một trong những điểm đáng chú ý nhất của Luật Đầu tư (năm 2020) là cách tiếp cận “chọn bỏ”. Nói một cách đơn giản, theo cách tiếp cận này, nhà đầu tư nước ngoài được quyền tiếp cận thị trường và được đối xử như nhà đầu tư trong nước trong mọi lĩnh vực, trừ các ngành nghề bị cấm đầu tư và danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Danh mục đã được quy định cụ thể trong Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư.

Về nguyên tắc, điều này giúp tạo ra sự ổn định và minh bạch cho hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ quan có thẩm quyền khác nhau có thể giải thích và áp dụng các quy định theo các cách thức khác nhau. Do đó, pháp luật cần có hướng dẫn thống nhất hơn để đảm bảo rằng, các quy định này sẽ được áp dụng nhất quán.

Ví dụ, Việt Nam đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng tái tạo kể từ năm 2017 trên cơ sở Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Xu hướng phát triển trong lĩnh vực này vẫn tiếp tục tăng lên, bất chấp đại dịch Covid-19.

Năng lượng tái tạo đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam theo cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đó là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong bối cảnh đó, các dự án năng lượng mặt trời mái nhà (cùng các dự án năng lượng tái tạo khác) đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án năng lượng mặt trời mái nhà đều bị từ chối cấp phép vì lý do còn thiếu hướng dẫn chi tiết của các cơ quan nhà nước cấp cao về cách đánh giá và phê duyệt các dự án trong lĩnh vực này. Điều đó đã cản trở sự phát triển của các dự án điện mái nhà ở những thành phố lớn cũng như các trung tâm công nghiệp.

Hoàn thiện cơ chế về đối tác công - tư

Đối với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), về lý thuyết, luật này sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ xây dựng, giảm chi phí và nâng cao chất lượng các dự án hạ tầng. Nhưng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này nhận thấy, khung pháp luật hiện tại của Việt Nam vẫn chưa giải quyết được hết những mối lo ngại cơ bản của nhà đầu tư muốn tham gia dự án hạ tầng.

Đơn cử như các vấn đề về hợp đồng PPP. Về nguyên tắc, hợp đồng PPP cần được soạn thảo để Nhà nước và nhà đầu tư cùng chia sẻ rủi ro, lợi nhuận cũng như nghĩa vụ thực hiện dự án. Do vậy, các quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP phải công nhận các bên trong hợp đồng PPP là bình đẳng và phân chia rủi ro, lợi nhuận một cách hợp lý. Song, Luật Đầu tư theo phương thức PPP không phải lúc nào cũng quy định rõ ràng về quyền và sự bảo vệ cho các nhà đầu tư trong mối quan hệ tương quan với Nhà nước. Điều này dẫn đến, một số nhà đầu tư không thể chấp nhận phần rủi ro quá lớn khi tham gia dự án PPP, do vậy, chưa hấp dẫn được nguồn vốn đầu tư theo phương thức PPP.

Thực tế này đòi hỏi, pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP cần được chỉnh sửa để cải thiện cơ chế hoạt động của dự án PPP nhằm huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư một cách hiệu quả hơn.

Tối ưu hóa chính sách kiểm soát tập trung kinh tế

Việc tối ưu hóa các chính sách về kiểm soát tập trung kinh tế cũng sẽ giúp các nhà đầu tư có khả năng hoạch định phương án M&A tốt hơn, góp phần thúc đẩy thêm nhiều thương vụ M&A.

Cùng với Luật Cạnh tranh được ban hành năm 2018, việc ban hành Nghị định số 35/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/5/2020) đã thay đổi đáng kể cơ chế kiểm soát giao dịch tập trung kinh tế tại Việt Nam. Các quy định cạnh tranh mới này được ban hành với phương thức tiếp cận dựa trên tác động hạn chế cạnh tranh để xác định, liệu giao dịch M&A có cần thiết phải thông báo tập trung kinh tế hay không.

So với cách tiếp cận của Luật Cạnh tranh cũ chỉ đơn thuần dựa vào thị phần kết hợp của các bên, cách tiếp cận dựa trên tác động hạn chế cạnh tranh này tương đồng với những tiêu chuẩn kiểm soát tập trung kinh tế tại các quốc gia phát triển.

Dù vậy, do ngưỡng thông báo hiện tại vẫn ở mức trung bình thấp, trong khi quy mô thị trường Việt Nam đang tăng trưởng khá nhanh, khi không có bất kỳ ngoại lệ được quy định trong Luật Cạnh tranh, hầu hết hoạt động M&A lớn tại Việt Nam đều phải được cơ quan quản lý cạnh tranh chấp thuận trước khi hoàn tất giao dịch. Trên thực tế, quá trình thông báo tập trung kinh tế có thể khiến việc hoàn tất giao dịch kéo dài thêm vài tháng.

Hiện nay, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia chưa được thành lập, nên Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (VCCA) thuộc Bộ Công thương, với tư cách là cơ quan quản lý tạm thời, đã có những nỗ lực đáng kể để xử lý 125 hồ sơ được nộp trong giai đoạn 2019 - 2021. Thời gian chờ ủy ban này thành lập, một số vấn đề trong quy định hiện hành và thực tiễn về giao dịch tập trung kinh tế nên được đánh giá lại và làm rõ thêm.

Cụ thể, cơ quan lập pháp có thể xem xét quy định thêm các trường hợp miễn thực hiện thủ tục tập trung kinh tế, xây dựng thêm thủ tục thông báo giản lược cho các giao dịch không có hoặc ít có tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể. Các nội dung mới này sẽ giúp kiểm soát các hoạt động M&A hiệu quả hơn về góc độ cạnh tranh, để tập trung nguồn lực vào việc xem xét và đánh giá các thương vụ thực sự gây ảnh hưởng tiêu cực đến mức độ cạnh tranh của thị trường.

Ngoài ra, việc tối ưu hóa các chính sách về kiểm soát tập trung kinh tế cũng sẽ giúp các nhà đầu tư có khả năng hoạch định phương án M&A tốt hơn, góp phần thúc đẩy thêm nhiều thương vụ M&A.

Không thể phủ nhận rằng, nền kinh tế đang trên đà phát triển và khuôn khổ pháp lý không ngừng được cải thiện của Việt Nam đã mang lại nhiều kết quả kinh doanh tích cực cho các nhà đầu tư. Dù vậy, khung pháp luật về đầu tư - kinh doanh của Việt Nam vẫn có thể hoàn thiện hơn nữa để tiếp tục thu hút và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Có nhiều lý do dẫn đến sự phục hồi các hoạt động M&A tại Việt Nam.

Sở hữu vị trí chiến lược, lợi thế giao thông, lực lượng lao động cạnh tranh và chi phí sản xuất rẻ, Việt Nam luôn là điểm đến đầu tư hàng đầu. Đồng thời, với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, Việt Nam đang nổi lên là một trong những nước thu nhập trung bình có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuế và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cơ hội giao thương với các quốc gia trên toàn thế giới. Tính đến nay, Việt Nam đã là thành viên của 15 FTA, theo đó, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường có FTA không phải chịu mức thuế quá cao.

Luật sư Nguyễn Lan Phương, Luật sư Seck Yee Chung
Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam/baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục