Mỹ là một trong những đối tác nước ngoài lớn đã và đang hỗ trợ Việt Nam về nhiều mặt, trong đó đặc biệt chú trọng tới lĩnh vực y tế. Đầu năm 2014, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cũng đã công bố Chiến lược Hợp tác phát triển quốc gia (CDCS), trong đó đề ra những định hướng cho các chương trình hỗ trợ của USAID tại Việt Nam trong giai đoạn 2014-2018.
Chiến lược Hợp tác phát triển quốc gia của USAID sẽ tạo nền tảng cho công tác lập kế hoạch, phân bổ ngân sách và triển khai các khoản hỗ trợ của USAID cho Việt Nam trong 5 năm tới. Với chiến lược này, USAID sẽ góp phần tăng cường Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ cũng như hỗ trợ Việt Nam giải quyết những vấn đề liên quan đến y tế, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng... Được biết, trong các chương trình hợp tác của Chiến lược này, chương trình hợp tác về y tế và phúc lợi được coi là trọng tâm hàng đầu. Theo đó, ngân sách dành cho các chương trình y tế và phúc lợi chiếm tới 239 triệu USD trong tổng ngân sách 344 triệu USD (chiếm hơn 71%).
Ông Joakim Parker, Giám đốc USAID tại Việt Nam cho biết, các chương trình của USAID sẽ tập trung vào những lĩnh vực mà Việt Nam đã đạt được một số thành công hoặc đã xác định là những cơ hội quan trọng, trong đó có lĩnh vực y tế. Cụ thể, USAID sẽ giúp cải thiện các hệ thống quốc gia nhằm đối phó với các nguy cơ đại dịch mới xuất hiện, đồng thời giúp cải thiện và hỗ trợ thực hiện các chính sách có liên quan đến biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Các hoạt động hợp tác song phương cấp cao trong lĩnh vực y tế giữa Việt Nam và Mỹ được đánh giá sẽ có tác dụng thúc đẩy việc hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Cách đây ít lâu, 160 doanh nghiệp Mỹ đã có cuộc họp tại New York (Mỹ) nhằm bàn về cơ hội đầu tư ra nước ngoài, trong đó có thị trường Đông Nam Á.
Bà Judy Rising Reinke, Phó tổng giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại (Bộ Thương mại Mỹ) nhận xét, y tế và nông nghiệp là hai lĩnh vực của Việt Nam được nhiều doanh nghiệp Mỹ quan tâm, tìm hiểu. “Doanh nghiệp Mỹ có thể trực tiếp tìm đối tác để cung cấp các trang thiết bị chuyên ngành thông qua các đại lý, các nhà phân phối, nhưng về lâu dài, họ muốn trực tiếp đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam”, bà Judy Rising Reinke nói.
Trong chương trình hợp tác mới đây của USAID với Việt Nam, ngoài các hoạt động hỗ trợ trực tiếp trong các chương trình y tế, còn có các nội dung tăng cường môi trường thể chế, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư. Theo đó, USAID đã ký với Bộ Tư pháp Việt Nam một bản ghi nhớ để chính thức triển khai Dự án Quản trị nhà nước.
Có tổng trị giá 42 triệu USD, kéo dài 5 năm bắt đầu từ năm 2014, Dự án Quản trị nhà nước do một nhóm tổ chức quốc tế triển khai, đứng đầu là Chemonics International - công ty tư vấn của Mỹ được lựa chọn thông qua đấu thầu cạnh tranh.
Dự án sẽ tập trung vào việc cải thiện các quá trình xây dựng chính sách tại Việt Nam nhằm hỗ trợ cải thiện môi trường thể chế và quản lý công, đồng thời tăng cường việc giám sát, quản lý. Toàn bộ các hoạt động trong dự án này cũng sẽ được thiết kế để tăng cơ hội tham gia về kinh tế và xã hội cho mọi thành phần kinh tế.