Thảo luận các chủ đề về xu thế mới của thị trường bất động sản như cách mạng công nghiệp 4.0, quy hoạch đô thị thông minh và cơ hội đầu tư khi hội nhập quốc tế, sự kiện đã mang tới nhiều dấu ấn, đặc biệt là một hình ảnh mới của Việt Nam trong con mắt công chúng đầu tư nước ngoài, hướng tới cơ hội hợp tác và rộng mở hơn.
Hơn 30 năm đổi mới, nhờ sự góp mặt của đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã có bước tiến quan trọng, không chỉ ở tăng trưởng kinh tế ấn tượng, mà còn thể hiện một hình ảnh quốc gia có tốc độ hội nhập nhanh, sâu rộng và là đối tác chiến lược của nhiều nước lớn, có tiếng nói quan trọng trong Liên Hợp quốc, có vị thế trong khu vực và thế giới.
Trong lĩnh vực bất động sản, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, đầu tư nước ngoài cũng góp phần không nhỏ trong việc trong việc thay đổi diện mạo đô thị với nhiều dự án quy mô lớn.
Đồng thời, sự góp mặt của các nhà đầu tư nước ngoài cũng tạo ra động lực về cạnh tranh, giúp hình thành các tập đoàn bất động sản lớn trong nước.
Tính đến cuối năm 2017, thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho cho thấy, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tích lũy đạt xấp xỉ 318,72 tỷ USD, trong đó riêng vốn vào lĩnh vực bất động sản đạt 53,2 tỷ USD.
Tính trong 8 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 24,35 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ 2017.
Trong đó, tổng vốn đầu tư lĩnh vực bất động sản đạt 5,9 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư đăng ký, đứng thứ 2 trong 17 ngành, lĩnh vực, sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, không phủ nhận vẫn có những hạn chế nhất định làm hẹp dòng chảy của vốn ngoại vào thị trường địa ốc Việt Nam, vốn được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất tiềm năng.
Ngoài ra, dòng vốn ngoại vào thị trường địa ốc Việt Nam cũng chưa đồng đều giữa các phân khúc. Các dự án đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng, mà chưa quá nhiều vào lĩnh vực hạ tầng và nhà ở phục vụ đại đa số người dân.
Bên cạnh đó, vì lý do khác nhau cũng khiến nhiều dự án đầu tư nước ngoài đăng ký nhưng không thực hiện triển khai trong nhiều năm.
Điều này chỉ thực sự thay đổi kể từ năm 2015 trở lại đây, khi dòng vốn giải ngân bắt đầu tăng mạnh. Cụ thể, tính đến hết ngày 20/8/2018, vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 183,62 tỷ USD, bằng 55% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Còn tính riêng 8 tháng 2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, ghi nhận thực tế, không chỉ đầu tư vào các phân khúc khách sạn, nghỉ dưỡng như trước đây, nhiều nhà đầu tư ngoại hiện nay đã mạnh dạn đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị và tiện ích nhà ở phục vụ cho nhu cầu của người dân tại Việt Nam.
Ghi nhận cho thấy, giai đoạn 2015 trở lại đây cũng là thời điểm Việt Nam tiến hành thay đổi, cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, đặc biệt là xây dựng lại bộ khung pháp lý cho thị trường bất động sản.
Và giờ là thời điểm phù hợp để các chính sách thẩm thấu, khiến nhà đầu tư ngoại yên tâm hơn!
Trong thông điệp chung được phát đi sau IREC 2018, hầu hết các đoàn đại biểu đến từ nước ngoài đều cho rằng, với những điều kiện hiện nay, bất động sản Việt Nam là một điểm đến đầu tư đầy hấp dẫn.
Tuy nhiên, từ đánh giá tích cực đến việc nhà đầu tư ngoại chính thức rót vốn, cần có những động thái quyết liệt hơn nữa về mặt chính sách, cơ chế quản lý, minh bạch thị trường từ cơ quan quản lý, cũng như từ chính bản thân các doanh nghiệp trong nước.