Ngày 5/11/2024 theo giờ Việt Nam, bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra giữa 2 ứng viên: Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris và ứng cử viên đảng Cộng hòa Cựu Tổng thống Donald Trump. Kết quả chung cuộc sẽ định hình xu hướng mới đối với không chỉ nước Mỹ, mà còn tác động nhiều mặt tới các nền kinh tế khác, bao gồm Việt Nam.
Phản ứng của chứng khoán Mỹ
Theo Mirae Asset, có nhiều điểm khác biệt về chính sách giữa 2 ứng cử viên, nhưng đều tập trung liên quan chính đến các vấn đề: Thuế, lạm phát, thương mại Mỹ - Trung, người nhập cư, luật về nạn phá thai, xung đột tại Ukraine, môi trường...
Nhìn chung, bà Kamala Harris - đại diện Đảng Dân chủ theo đuổi thương mại tự do nhưng chú trọng hợp tác quốc tế, duy trì nhiều chính sách dưới thời ông Biden. Về phía Donald Trump - đại diện Đảng Cộng hoà, ông ủng hộ thương mại song phương, tập trung bảo vệ ngành công nghiệp trong nước.
Có nhiều điểm khác biệt về chính sách giữa 2 ứng cử viên tổng thống Mỹ |
Dựa trên số liệu thống kê lịch sử 20 cuộc bầu cử tổng thống gần nhất từ 1944 đến 2020, diễn biến thị trường phân hóa giữa 2 đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa sau ngày kết thúc bầu cử thị trường chứng khoán Mỹ .
Cụ thể, nếu Đảng Dân chủ đắc cử: Trung bình thị trường chứng khoán diễn biến tăng 3,8% sau 3 tháng, tăng 8% sau 6 tháng và tăng 17% sau 1 năm. Nếu Đảng Cộng hòa đắc cử: Trung bình thị trường chứng khoán diễn biến tăng 0,37% sau T+10, tăng 1,52% sau 1 tháng, tăng 2,17% sau 3 tháng. Nhưng chỉ tăng 1,59% sau nửa năm và tăng 0,83% sau 1 năm.
Ngoài ra, thống kê cho thấy, có 14/20 lần S&P 500 tăng điểm sau 3 và 6 tháng, có 13/20 lần S&P 500 tăng điểm sau 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt bầu cử, nhưng có 11/20 lần giảm trong T+5 và 10/20 lần giảm trong T+10.
“Thị trường chứng khoán có xu hướng cần thời gian thẩm thấu các chính sách dưới thời tổng thống mới đương nhiệm. Vì vậy, thị trường sẽ phản ánh rõ nét hơn các chính sách vào năm thứ 2 và năm thứ 3 sau khi kết thúc bầu cử. Điều này dẫn đến việc hiệu suất của thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh hơn trước khi diễn ra bầu cử, cũng như mạnh hơn năm đầu tiên khi kết thúc bầu cử”, Mirae Asset đánh giá.
Về diễn biến thị trường chứng khoán, hiện tại, S&P 500 đã tăng hơn 23% trong năm 2024. Trước đó, chỉ số đã tăng trong 6 tuần liên tiếp và lập kỷ lục mới kể từ khi niêm yết với sự đóng góp đáng kể từ nhóm cổ phiếu công nghệ. Trong quý II/2024, các công ty thuộc S&P 500 đã đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 11,2% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng trưởng cao nhất từ quý IV/2021. Hiện S&P 500 đang được giao dịch quanh mức P/E 21,9 lần, cao hơn mức trung bình 5 năm là 19,5 lần.
Như vậy, sau khi kết thúc bầu cử, thị trường chứng khoán Mỹ có thể điều chỉnh hoặc đà tăng chậm lại và đi ngang trong ngắn hạn, trước khi các chính sách mới có thể cho thấy hiệu quả của nó thông qua số liệu tăng trưởng kinh tế.
Tác động đến Việt Nam
Đối với nền kinh tế Việt Nam, việc đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ Mỹ đắc cử đều có ít nhiều tác động lên nền kinh tế ở cả chiều hướng tích cực và tiêu cực.
Đối với đảng Cộng hòa, việc ông Donald Trump lên nắm quyền sẽ tạo ra nhiều tác động và thay đổi mạnh mẽ chính sách. Việt Nam có thể hưởng lợi dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, do Mỹ đánh thuế cao các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ gặp rủi ro từ các chính sách bảo hộ hàng hóa trong nước và thỏa thuận thương mại khắt khe của Mỹ. Cụ thể tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác 10 - 20%.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, theo thống kê, 9 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 88,16 tỷ (tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước), trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, hàng dệt may là các sản phẩm chủ đạo.
Ngoài ra, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, ghi nhận đạt 104,81 tỷ USD (tăng 32,4% so với đầu năm), có thể ảnh hưởng bất lợi nếu Mỹ đánh thuế lên sản phẩm nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc được sản xuất tại nước thứ 3.
Đối với đảng Dân chủ, nếu bà Kamala Harris cầm quyền, chính sách không có quá nhiều thay đổi, tiếp tục kế thừa những chính sách dưới thời ông Biden. Bà Harris chủ trương hoạt động hợp tác đa phương, thúc đẩy việc tham gia vào các tổ chức thương mại quốc tế. Nếu bà Harris tái gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam sẽ có lợi thế vì thuộc thành viên trong khối này, từ đó thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu.
Yếu tố đáng lưu ý khi xét đến nợ công tại Mỹ, đã tăng vọt từ dưới 20 nghìn tỷ trước đại dịch lên gần 35 nghìn tỷ, theo CBO (Congressional Budget Office) dự đoán, nợ công có thể tăng từ 99% GDP vào cuối năm 2024 lên 116% GDP vào 2034.
"Chúng tôi nhận thấy, cả hai chính sách của 2 ứng viên tổng thống đều có khả năng làm tăng nợ công của Mỹ, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, rủi ro lạm phát hiện hữu tác động đến chính sách cắt giảm lãi suất của FED, kéo theo đồng đô la mạnh lên và sự mất giá các đồng tiền khác.
Xem xét một vài nhóm ngành cụ thể để thấy những tác động khác nhau giữa 2 chính sách có phần trái ngược nhau của ông Trump và bà Harris. Chính sách của bà Harris không gây ảnh hưởng quá nhiều lên nền kinh tế Việt Nam, nhưng ở chiều ngược lại, chính sách ông Trump có thể tạo nên tác động kép cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Tuy nhiên, thực tế việc thực thi chính sách và những tác động cụ thể sẽ ít nhiều thay đổi”, Mirae Asset cho biết.
Tác động giữa 2 chính sách có phần trái ngược nhau của ông Trump và bà Harris lên các nhóm ngành tại Việt Nam |
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ nói chung không tạo ra nhiều tác động. Tuy nhiên, với những thống kê trước đây, thị trường chứng khoán Việt Nam luôn cho tương quan dương so với chứng khoán Mỹ. Độ tương quan giữa S&P 500 và VN-Index trong tháng gần nhất là 27%, trong quý gần nhất là 76%, nên diễn biến chứng khoán Mỹ dự báo tác động đáng kể đến diễn biến VN-Index trong ngắn hạn.
Như phân tích ở trên, diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ sau bầu cử có xác suất điều chỉnh trong ngắn hạn cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc chứng khoán Việt Nam có thể sẽ chịu ảnh hưởng nhẹ trong ngắn hạn.