Minh Phú (MPC) sẽ niêm yết trên HOSE vào năm 2019

(ĐTCK) Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT MPC cho biết, sau khi có báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018, MPC sẽ chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE. Việc chuyển sàn không kịp thực hiện trong năm nay.
Minh Phú (MPC) sẽ niêm yết trên HOSE vào năm 2019

Theo thông tin từ CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC), năm 2018, Tập đoàn này có thể đạt sản lượng 70.000 tấn với lợi nhuận kỳ vọng đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

MPC đang thực hiện phát hành riêng lẻ huy động vốn để bổ sung vốn lưu đầu tư và đầu tư tăng công suất. Vào vòng đàm phán thứ 2 hiện có 8 nhà đầu tư, trong đó có những nhà đầu tư muốn mua lượng cổ phần lớn của MPC ở tỷ lệ 35%.

Về kế hoạch chuyển sàn, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT MPC cho biết, sau khi có báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 MPC sẽ chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE. Việc chuyển sàn không kịp thực hiện trong năm nay.

Được biết, Tạp chí Undercurrent News vừa công bố danh sách 100 công ty thủy sản lớn nhất thế giới, trong đó CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) là công ty duy nhất của Việt Nam vào top 50, vượt 12 bậc so với năm ngoái, lên vị trí 41 trong bảng xếp hạng năm nay. 

Undercurrent News ghi nhận doanh thu xuất khẩu của MPC năm 2017 đạt 690 triệu USD, tăng 31% so với doanh thu 533 triệu USD của năm 2016. Năm 2017, MPC đã kinh doanh khoảng 60.000 tấn tôm, trong đó 2/3 là tôm thẻ chân trắng, còn lại là tôm hổ đen.

Theo báo cáo này, trong số các công ty sản xuất nuôi trồng thủy sản, nhìn vào các loài nuôi chính cho thấy sự thống trị của các loài cá hồi. Tôm thẻ chân trắng là loài nuôi phổ biến thứ hai, với 10 trong số các công ty nuôi trồng thủy sản trong top 100 nuôi loại này.

Bên cạnh đó, 3 công ty nuôi thả tôm hổ đen và tôm giant river prawn. Trong khi đó chỉ có 6 công ty nuôi thả các loài cá rô phi trong bảng xếp hạng 100 của Undercurrent News.

Nhật Bản dẫn đầu với 23 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hải sản toàn cầu, như là Mitsubishi (6), Marusui Sapporo Chuo Suisan (66), Sendai Suisan (88). Tiếp theo là đến số lượng các doanh nghiệp của Norway, China, Canada, Ecuador.

Sự biến động trong bảng xếp hạng năm nay so với các năm trước chủ yếu do giá thành thay đổi. Tuy nhiên, đối với loài tôm nước ấm, giá sản phẩm từ khu vực châu Á trong năm 2017 vẫn duy trì ở mức ổn định so với năm 2016 (phục hồi sau sự sụt giảm năm 2015).

Các công ty như Minh Phú và Santa Priscila vẫn ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hai con số (lần lượt là 31% và 14%), trong khi hầu hết các công ty tương tự có mức tăng trưởng khiêm tốn hơn hẳn.

Hương Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục