Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tôm
Theo kết quả cuối cùng của DOC công bố ngày 10/9/2018, sau đợt xem xét hành chính thứ 12 (POR 12) đối với niên độ bán hàng năm 2016, vụ kiện chống bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ mà Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) là bị đơn bắt buộc, mức thuế cuối cùng áp dụng là 4,58%, thấp hơn nhiều so với mức sơ bộ 25,76%, cũng như thấp hơn mức áp dụng của đợt POR 11 là 4,78%.
Ngoài FMC, mức thuế này áp dụng cho hơn 30 doanh nghiệp tôm Việt Nam khác, cũng là bị đơn của vụ kiện.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị FMC cho biết, những doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào Mỹ bán theo giá DDP, tức bên bán đóng thuế, trước mắt có lãi nhẹ từ chêch lệch hai mức thuế 4,78% và 4,58%.
Còn những doanh nghiệp bán theo giá CIF, thông tin trên không có tác động, bởi bên mua chịu trách nhiệm lo thuế. Riêng FMC, Công ty bán theo cả hai loại giá, tuỳ khách hàng.
Cùng với cá tra, tôm là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam. Trong cơ cấu kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017, tôm đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 3,85 tỷ USD, chiếm 46,2% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. 6 tháng đầu năm 2018, tôm đạt giá trị xuất khẩu 1,6 tỷ USD, chiếm 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.
Mỹ là một trong những thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam, bên cạnh Nhật Bản và EU.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, với thị phần 7,1%, hiện Việt Nam đứng thứ 5 trong 6 thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Mỹ, bên cạnh Ấn Độ (chiếm thị phần 33,4%), Indonesia (21,7%), Ecuador (12,2%), Thái Lan (7,2%) và Trung Quốc (6,5%).
Trong quý II/2018, xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ có dấu hiệu chững lại bởi lo ngại dư cung và rủi ro về hàng rào thuế quan. Tuy nhiên, thông tin mới nhất từ DOC được xem là động lực để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này trong những tháng cuối năm.
Theo ông Lực, trước đó, với mức thuế sơ bộ quá cao nên việc bán hàng vào Mỹ chựng lại để giảm thiểu rủi ro. Thị phần của FMC ở thị trường này giảm từ gần 30% xuống còn hơn 10% và Công ty chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác.
Tuy nhiên, với mức thuế chính thức từ DOC, hoạt động bán hàng vào Mỹ dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
“Trong kỳ POR 13, FMC tiếp tục là bị đơn bắt buộc, do đó, về cơ bản, mức thuế kỳ POR 12 là một sự thành công bước đầu, các doanh nghiệp tôm Việt Nam sẽ an tâm đẩy mạnh bán hàng vào Mỹ, nhất là khi thời gian tới là giai đoạn tập trung mua hàng từ các nhà nhập khẩu nước này”, lãnh đạo FMC nói và nhận định, nhiều khả năng mức thuế ở kỳ xem xét POR 13 (niên độ bán hàng năm 2017) sẽ tiếp tục được cải thiện.
Mức thuế kỳ POR 12 là một sự thành công bước đầu, các doanh nghiệp tôm Việt Nam sẽ an tâm đẩy mạnh bán hàng vào Mỹ.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo, xuất khẩu tôm sẽ hồi phục trong những tháng tới vì nhu cầu đang tăng, trong khi giá tôm nguyên liệu trong nước đã bình ổn trở lại và có diễn biến tăng, giúp nông dân an tâm đầu tư nuôi tôm.
Hiện giá tôm xuất khẩu đang nhích lên. Xuất khẩu tôm trong tháng 7 ước đạt 348 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu tôm 7 tháng đầu năm 2018 lên gần 2 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cổ phiếu FMC, MPC… tăng giá
Các thông tin trên được nhận định có tác động tích cực đến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm, trong đó có những cái tên đang niêm yết trên thị trường chứng khoán như FMC và Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Phú (MPC và FMC). Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng của 2 doanh nghiệp này.
Trước bối cảnh mùa vụ xuất khẩu tôm rơi vào 2 quý cuối năm, theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, cả MPC và FMC đều tiết lộ khả năng sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra cho năm 2018.
“Năm 2018, FMC dự kiến có quy mô sản xuất, doanh số và lợi nhuận cao nhất trong 22 năm trên thương trường. Theo đó, lợi nhuận sẽ vượt kế hoạch khá tốt, cơ sở dựa trên các đơn hàng và giá tiêu thụ đang có.
Dự phòng rủi ro biến động giá nguyên liệu tăng mạnh nên khó đưa ra con số chính xác, ở mức tương đối có thể vượt khoảng 20% chỉ tiêu đề ra về lợi nhuận”, ông Lực nói.
Theo lãnh đạo FMC, hàng năm, Công ty có kế hoạch nâng cao năng lực chế biến và có kế hoạch chủ động nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, doanh nghiệp khó có thể đạt tốc độ nhanh, bởi nguồn lao động có hạn.
Trong dài hạn, FMC cũng như các doanh nghiệp tôm khác phải tiếp tục nỗ lực nâng cao sản lượng nguyên liệu đã qua kiểm soát tốt. Cùng với đó, FMC sẽ cố gắng tự chủ nguyên liệu từ 15% lên 30% thông qua tìm các nguồn đất để tổ chức nuôi tôm.
Với MPC, trong lần chia sẻ với báo chí gần đây, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc MPC cho biết, với tình hình thực tế, năm 2018, Công ty có thể đạt lợi nhuận sau thuế 1.100 tỷ đồng, vượt khoảng 11% so với kế hoạch đã thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên.
“Nguyên nhân là mức chênh lệch giá tôm nguyên liệu giữa Việt Nam và các thị trường đối thủ đang thu hẹp dần. Nếu như giá bình quân năm 2017 cao hơn 20% so với các thị trường cạnh tranh thì năm nay, giá nguyên liệu của Việt Nam cao hơn Ấn Độ và khu vực bình quân 5 - 10%, do đó lợi nhuận chắc chắn sẽ tốt hơn”, ông Quang cho hay.
Theo ông Quang, việc áp dụng nuôi tôm công nghệ cao để giảm giá thành và tăng tỷ lệ tự động hóa để giải bài toán nhân lực trong ngành tôm hiện nay là yếu tố quan trọng khiến MPC kỳ vọng lợi nhuận sẽ cải thiện đáng kể.
Hiện nay, nhà máy của MPC gần như chạy hết công suất, do đó, Công ty dự kiến triển khai dự án nâng công suất Nhà máy Minh Phú Cà Mau. Dự án có công suất mở rộng 30.000 tấn/năm, không tính công suất hiện tại.
Tổng vốn đầu tư cho dự án là 1.000 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của MPC chiếm 30%, tương đương 300 tỷ đồng, phần còn lại từ nguồn vốn vay.
Ngoài ra, để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư, vừa qua, MPC đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 1.400 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ động hiện hữu và sắp tới đây sẽ chào bán cho nhà đầu tư chiến lược, tăng vốn lên mức 2.000 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu của MPC và FMC phản ứng khá tích cực trước thông tin về ngành tôm. Cụ thể, cổ phiếu FMC đã có 2 phiên tăng giá, đạt 26.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 12/9.
Với mức giá này, cổ phiếu FMC đang giao dịch ở mức P/E trượt 4 quý gần nhất khoảng 7,4 lần, còn P/E dự phóng theo kế hoạch lợi nhuận năm 2018 là 9,3 lần.
Tương tự, cổ phiếu MPC có 2 phiên bật tăng, hiện ở mức 38.600 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, MPC đang được định giá ở mức P/E dự phóng theo kế hoạch lợi nhuận năm 2018 là 7,8 lần (trên vốn điều lệ dự kiến sau khi tăng vốn cho nhà đầu tư chiến lược là 2.000 tỷ đồng).