Minh bạch thông tin, chìa khóa để khẳng định giá trị

(ĐTCK) Hạ viện Mỹ ngày 22/10 vừa qua đã thông qua dự luật có tên gọi Đạo luật minh bạch doanh nghiệp. Tại Việt Nam, các vấn đề liên quan đến minh bạch thông tin doanh nghiệp vẫn đang ở giai đoạn đầu thực hành. Đây là cũng là việc TTCK phải vượt qua để đạt đủ các tiêu chí nâng hạng lên TTCK mới nổi và khối doanh nghiệp niêm yết là chủ thể trung tâm phải thực thi được sự minh bạch này.
Minh bạch thông tin, chìa khóa để khẳng định giá trị

Giá trị của sự minh bạch

Minh bạch thông tin luôn là một tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng của thị trường tài chính. Ngay cả ở các quốc gia phát triển thì các cơ quan lập pháp vẫn luôn cố gắng để tăng mức độ minh bạch nhằm bảo vệ nhà đầu tư thông qua việc đưa ra các văn bản pháp lý để điều chỉnh vấn đề này.

Tại Việt Nam, minh bạch thông tin cũng được coi là yếu tố cốt lõi thể hiện qua việc Bộ Tài chính từng nhấn mạnh, một trong các nhiệm vụ của ngành chứng khoán năm 2020 là “tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật thị trường, tạo dựng lòng tin cho công chúng đầu tư, nghiên cứu các biện pháp phòng ngừa, xử lý rủi ro”.

Xây nền tảng cho sự minh bạch cũng thể hiện rõ trong thể chế chính sách pháp luật về chứng khoán. Luật Chứng khoán được Quốc hội thông qua tháng 11/2019 và  Đề án tái trúc thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 đều đề cập đến vấn đề này.

Qua đó, quan điểm của Chính phủ là công tác quản lý, thanh tra và xử lý vi phạm trên TTCK phải được đẩy mạnh nhằm tăng tính minh bạch cho thị trường.

Từ phía doanh nghiệp, thực tế, đa số doanh nghiệp niêm yết đã tuân thủ và công bố thông tin như quy định là một bước tiến quan trọng trong sự trưởng thành của TTCK.

Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp có nghĩa vụ công bố thông tin liên quan đến giao dịch của cổ đông lớn, của cổ đông nội bộ, công bố thông tin định kỳ hàng quý, các thông tin về báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, báo cáo quản trị, công bố thông tin bất thường…

Các sở giao dịch chứng khoán cũng đã có các đợt bình chọn và đánh giá chấm điểm các doanh nghiệp công bố thông tin minh bạch.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đạt giải vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp lớn và chưa có sự lan tỏa đển đa số doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, vốn chiếm tỷ trọng lớn trên 3 sàn HSX, HNX và UPCoM hiện nay.

Từ phía nhà đầu tư, TTCK giao dịch 250 phiên trong một năm, do vậy nhà đầu tư luôn trong tình trạng cần biết nhiều thông tin cập nhật hơn một cách chính thức từ phía doanh nghiệp, thay vì chỉ nhận thông tin qua kênh báo chí, truyền hình, hay chờ đợt thông tin trong các đại hội đồng cổ đông.

Cũng vì vậy, mùa đại hội đồng cổ đông là cơ hội hiếm hoi trong năm các “ông chủ” được nêu ý kiến với lãnh đạo các doanh nghiệp niêm yết - những người làm thuê - để đưa ra các yêu cầu về tăng cường minh bạch thông tin và giải trình những điểm chưa hiểu rõ.

Minh bạch thông tin mang lại rất nhiều lợi ích, không chỉ cho nhà đầu tư mà là cho chính doanh nghiệp.

Minh bạch sẽ giúp duy trì sự trung thành của cổ đông dài hạn, xây dựng uy tín lâu dài với cộng đồng nhà đầu tư, giảm bớt các tin đồn tiêu cực đến hoạt động công ty, Quảng bá hoạt động kinh doanh và đầu tư, tăng nhận diện thương hiệu và khả năng tiếp cận các nguồn tài chính thuận lợi…

Đặc biệt, minh bạch giúp đảm bảo giá trị ổn định của cổ phiếu doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp cần tăng cường nhận thức được vai trò của minh bạch thông tin và chủ động nâng cao mức độ minh bạch đến nhà đầu tư.

Thực thi sự minh bạch, cách nào?

Để thực thi sự minh bạch, doanh nghiệp cần có một số giải pháp.

Thứ nhất, thành lập bộ phận quan hệ nhà đầu tư (IR) chuyên trách, hoặc thuê các công ty chứng khoán tư vấn về hoạt động IR. Hoạt động của bộ phận quan hệ cổ đông ở TTCK Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức.

Ở các TTCK phát triển, bộ phận IR có vai trò rất quan trọng, là cầu nối giữa doanh nghiệp và các ông chủ của mình là các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ở Việt Nam chỉ có rất ít các doanh nghiệp có bộ phận hoặc có nhân sự IR.

Đa phần chỉ tập trung trong số các doanh nghiệp lớn. Kinh doanh tốt là quan trọng, nhưng duy trì quan hệ tốt với nhà đầu tư cũng quan trọng không kém.

Trên cơ sở đó, bộ phận IR sẽ đảm nhiệm vai trò cầu nối giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp, truyền tải thông tin minh bạch, kịp thời tới các cổ đông, từ đó đảm bảo hình ảnh của doanh nghiệp.

Hiên tại, đa số các doanh nghiệp lớn, các ngân hàng đều có bộ phận IR chuyên nghiệp, tuy nhiên đa số các công ty tầm trung trở xuống lại chưa đầu tư thực sự vào bộ phận IR và thường chỉ có nhân sự kiêm nhiệm trong ban điều hành. Các công ty chưa muốn đầu tư nguồn lực để có nhân sự chuyên trách thì có thể sử dụng các dịch vụ tư vấn IR của các công ty chứng khoán.

Thứ hai, cung cấp thông tin định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý về hoạt động kinh doanh. Trong số các doanh nghiệp lớn đã xuất hiện các công ty ý thức được việc cung cấp thông tin định kỳ hàng tháng về hoạt động kinh doanh là rất quan trọng.

Trên TTCK, một số công ty hiện công bố báo cáo hàng tháng như MWG, PNJ, FPT, TCM, TNG… Khối doanh nghiệp cập nhật hoạt động kinh doanh, đầu tư khá chi tiết cho nhà đầu tư có NLG, AAA, STK…   

 Cụ thể, các công ty hiện công bố hàng tháng như MWG, PNJ, FPT và một số công ty tầm trung cũng đã bắt đầu công bố thông tin đều đặn hàng tháng như TCM, TNG.

Thứ ba, với các doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, cập nhật thì việc xây dựng các tài liệu và công bố thông tin hàng tháng là khả thi. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp chưa đầu tư nhiều vào hoạt động IR, thì công bố thông tin hàng quý cũng là một lựa chọn.

Hiện tại, một số doanh nghiệp tiến hành công bố thông tin định kỳ hàng quý, cập nhật hoạt động kinh doanh, đầu tư khá chi tiết cho nhà đầu tư như NLG, AAA, STK…

Thứ tư, cần tổ chức họp định kỳ với các công ty chứng khoán hàng quý, hoặc nửa năm qua hình thức trực tiếp hoặc họp trực tuyến. Do các thông tin tài chính thường sẽ được cập nhật hàng quý, nên các diễn biến lớn về hoạt động kinh doanh thường được các doanh nghiệp tổng kết lại theo từng quý.

Thông lệ ở các TTCK phát triển, các công ty chủ động tổ chức các buổi họp “analyst meeting” hàng quý, với sự tham gia của lãnh đạo công ty và các chuyên viên phân tích từ các công ty chứng khoán.

Thông qua hoạt động này, các công ty chứng khoán thu nhập được nhiều thông tin hơn, cập nhật hơn từ doanh nghiệp và mang đến cho cộng đồng nhà đầu tư.

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, thì nhiều công ty đã chọn hình thức họp trực tuyến, để tăng mức độ tiếp cận của các nhà đầu tư, đồng thời tiết giảm chi phí.

Bên cạnh các giải pháp nói trên, các công ty cần cung cấp thông tin nhanh chóng và chủ động khi có các sự kiện quan trọng, thông tin, tin đồn có thể ảnh hưởng tới công ty hoặc quyền lợi của cổ đông.

Đồng thời, với sự gia tăng của các nhà đầu tư nước ngoài và triển vọng nâng hạng của TTCK Việt Nam, thì các doanh nghiệp cần công bố thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Như nhận định của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), doanh nghiệp có chất lượng thông tin minh bạch càng cao, thì giá cổ phiếu càng cao.

Mùa đại hội đồng cổ đông 2020, hy vọng sẽ tiếp tục xu hướng minh bạch của các doanh nghiệp, khi các cổ đông và doanh nghiệp cùng ý thức được lợi ích của minh bạch thông tin.

Anh Pha

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục