Thực trạng buồn của công bố thông tin
Minh bạch và công bố thông tin không chỉ là nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện theo pháp luật, mà còn là quyền lợi của doanh nghiệp trong việc nâng cao uy tín và hình ảnh trên thị trường, là cách thuyết phục hiệu quả nhất đối với nhà đầu tư, thể hiện tính chuyên nghiệp, tôn trọng cổ đông, là cơ sở để phát triển bền vững và tăng giá trị công ty.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán - đối tượng đang phải tuân thủ các quy định công bố thông tin, vẫn chưa quan tâm và thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với các nhà đầu tư trong việc công bố thông tin, chưa nói tới các doanh nghiệp chưa lên sàn.
Đáng chú ý, trong giai đoạn các thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp kể từ cuối năm 2022 tới nay, dường như các vi phạm liên quan tới công bố thông tin càng gia tăng. Điều này thể hiện qua số lần xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về công bố thông tin đối với các doanh nghiệp niêm yết. Đặc biệt, có những cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc do liên tục vi phạm về công bố thông tin.
Năm 2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra 145 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên thị trường chứng khoán, tăng 6% so với năm 2022, với tổng số tiền phạt hơn 34,4 tỷ đồng. Vi phạm phổ biến nhất là lỗi công bố thông tin và nổi cộm vẫn là các vụ thao túng giá cổ phiếu hay sai phạm liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp.
Từ đầu năm 2024 tới nay, tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng thị trường tiếp tục ghi nhận hàng loạt doanh nghiệp bị xử phạt vì vi phạm công bố thông tin. Chẳng hạn, trong tháng 4/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần Thuận Đức, Công ty cổ phần Thuỷ sản Việt Úc, Công ty cổ phần Signo Land, Công ty cổ phần Hóa chất Minh Đức, Công ty TNHH May thêu giày An Phước… do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Trong khi đó, báo cáo khảo sát về hoạt động công bố thông tin trên thị trường chứng khoán năm 2023 của Vietstock cho kết quả đáng chú ý: Chỉ khoảng 50% doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin.
Cụ thể, danh sách doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán năm qua gồm 364 đơn vị, tương ứng với tỷ lệ khoảng 50%, thấp hơn so với tỷ lệ 52% của kỳ khảo sát liền trước.
Nếu như trong năm 2022, doanh nghiệp thường chưa đáp ứng được quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán liên quan đến đại hội cổ đông thường niên, thì trong năm 2023, các lỗi liên quan đến báo cáo tài chính lại áp đảo. Trong kỳ, có 161 doanh nghiệp bị các cơ quan quản lý nhắc nhở hoặc xử lý vi phạm về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Việc vi phạm các quy định trong công bố thông tin (trễ hạn, không công bố hoặc quá hạn gửi thông tin) đang diễn ra phổ biến, với khoảng 50% số trường hợp vi phạm quy định liên quan đến công bố thông tin.
Những con số trên đây mới nhắc tới một phần việc phải tuân thủ theo quy định về công bố thông tin, trong khi minh bạch còn là một khái niệm phức tạp và trừu tượng hơn. Chẳng hạn, việc công bố thông tin phải đảm bảo thông tin sẵn có để cung cấp cho mọi đối tượng quan tâm và phải được tiếp cận dễ dàng, công bằng với tất cả các đối tượng. Việc trì hoãn hay giới hạn tiếp cận thông tin đều ảnh hưởng xấu đến minh bạch.
Bên cạnh đó, thông tin phải có chất lượng và đáng tin cậy, kịp thời, đầy đủ, được trình bày bằng những thuật ngữ rõ ràng và đơn giản. Những chuẩn mực đối với chất lượng thông tin phải được đảm bảo…
Xuất phát từ quản trị
Việc tuân thủ công bố thông tin, minh bạch thông tin của doanh nghiệp một phần phụ thuộc vào ý thức chủ quan của doanh nghiệp, trong đó nổi bật là vấn đề quản trị doanh nghiệp. Nếu ý thức, tư duy của người quản lý đúng đắn về sự minh bạch thì sẽ góp phần đảm bảo chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp.
Ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) cho biết, trong khuôn khổ chương trình Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ACGS) 10 năm qua, chất lượng quản trị công ty Việt Nam tăng từ thấp lên trung bình trong những năm gần đây, nhưng vẫn đang đứng ở mức thấp và kém xa so với nhiều nước ASEAN khác.
Nâng cao năng lực quản trị công ty là chặng hành trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, bởi các quy định pháp lý ngày càng được hoàn thiện và các thông lệ quản trị tốt cũng không ngừng nâng cấp.
Ở một thước đo khác, nhiều quy định đang được các doanh nghiệp tuân thủ ở mức thấp. Chẳng hạn, chỉ 15% số doanh nghiệp trong Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA) 2023 có tài liệu họp đại hội cổ đông cung cấp đầy đủ thông tin về các ứng viên mới cho hội đồng quản trị và ban kiểm soát (nếu có) tối thiểu 10 ngày trước ngày khai mạc đại hội; chỉ 8% biên bản/tài liệu đại hội cổ đông có nội dung chủ tọa đại hội tóm lược tình hình thực hiện nghị quyết đại hội cổ đông năm trước, báo cáo các nội dung đã được thông qua tại các nghị quyết đại hội cổ đông trước đó mà chưa thực hiện được tại kỳ họp thường niên gần nhất.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dragon Capital, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị VIOD chia sẻ, nâng cao năng lực quản trị công ty là chặng hành trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, bởi các quy định pháp lý ngày càng được hoàn thiện và các thông lệ quản trị tốt cũng không ngừng nâng cấp.
Theo đó, trước tiên, các doanh nghiệp cần nhận thức đúng về minh bạch và công bố thông tin, từ đó có chiến lược hành động trong việc nâng cao công tác công bố thông tin, cải thiện quản trị. Đồng thời, doanh nghiệp cần có cam kết và chiến lược hành động trong việc nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp, gắn với các yêu cầu mới như yếu tố ESG (môi trường, xã hội, quản trị), các thông lệ quốc tế và xu hướng mới.
Nhấn mạnh yếu tố quản trị trong công bố thông tin, cũng như trong việc thực hành các tiêu chuẩn ESG theo yêu cầu mới của thị trường, ông Matthew Smith, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhấn mạnh: “Tôi không tin một doanh nghiệp quản trị yếu kém lại quan tâm tới môi trường và xã hội. Nói một cách thẳng thắn, nếu ‘quản trị’ không ra gì thì đừng kỳ vọng tới yếu tố ‘môi trường’, ‘xã hội’ của doanh nghiệp”. Điều này cũng tương tự với câu chuyện minh bạch và công bố thông tin”.