Minh bạch để đảm bảo hiệu quả gói phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Khẩn trương và minh bạch trong thực thi là các vấn đề cần được Chính phủ ưu tiên, để đảm bảo khả năng hấp thụ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, khẩn trương và minh bạch trong thực thi là các vấn đề cần được Chính phủ ưu tiên, để đảm bảo khả năng hấp thụ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thưa ông, đến thời điểm này, sự cần thiết của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đã rõ ràng, cơ bản các đại biểu có sự đồng thuận cao. Về nội dung của chính sách tài chính, tiền tệ và Chương trình, ông có đánh giá thế nào?

Đây là chương trình tổng thể, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau những tác động rất lớn, tiêu cực của đại dịch và tạo dư địa cho phát triển dài hạn. Tôi thống nhất với quy mô, nội dung cơ bản của chính sách tài chính, tiền tệ và Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội như Chính phủ đã trình Quốc hội.

Tôi muốn làm rõ là, chương trình này bổ sung, không thay thế các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cũng như các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của Covid-19 khác mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành, đang được triển khai. Hơn nữa, có những nhiệm vụ dù không có trong Chương trình, thì Chính phủ và cơ quan, địa phương có liên quan vẫn phải tiếp tục chủ động giải quyết.

Mục tiêu chính của Chương trình là tiếp tục chia sẻ khó khăn với người dân, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, ổn định sản xuất - kinh doanh với trọng tâm, trọng điểm, có thời hạn, tạo thêm dư địa cho phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn.

Các gói chính sách tài khóa, tiền tệ mà Quốc hội đang thảo luận để thông qua tại kỳ họp bất thường này cũng nhằm kịp thời hỗ trợ Chính phủ xây dựng, triển khai hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội trong khoảng 2 năm (2022 và 2023).

Hiện tại, nội dung của Chương trình, cụ thể như dự án nào, doanh nghiệp nào là đối tượng nhận hỗ trợ đang là mối quan tâm rất lớn... Thảo luận tại Quốc hội, nhiều ý kiến đề xuất bổ sung các dự án cụ thể vào Chương trình. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

Hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục tiêu không chỉ là mối quan tâm, mà là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả của Chương trình. Do đó, xây dựng tiêu chí, điều kiện cụ thể, rõ ràng, công bằng, hợp lý để xác định đủ, đúng đối tượng đối với từng loại hỗ trợ là rất quan trọng, đặc biệt là đối với nội dung hỗ trợ có phạm vi rộng hoặc nhu cầu được hỗ trợ nhiều, như: gói hỗ trợ 2%/năm lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, hay khoản hỗ trợ cơ sở hạ tầng hơn 103.000 tỷ đồng dành cho hạ tầng giao thông, thì việc lựa chọn dự án nào đủ điều kiện tiếp cận cũng sẽ rất thách thức. Điều này cũng có nghĩa là, trách nhiệm của Chính phủ rất lớn trong tổ chức thực hiện.

Tôi rất mong, sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về gói chính sách tài khóa, tiền tệ, Chính phủ sẽ khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch hành động ngay. Chậm ngày nào, là doanh nghiệp, người dân, nền kinh tế khó khăn thêm ngày đó và có thể giảm hiệu quả của Chương trình.

Ngoài ra, công tác thông tin kịp thời, đầy đủ và toàn diện về nội dung Chương trình cho đối tượng có liên quan là rất quan trọng. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho đối tượng thuộc Chương trình để đảm bảo việc tiếp cận dễ dàng, công bằng.

Đặc biệt, các kế hoạch của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội cần được thực hiện gắn kết chặt chẽ với chương trình tổng thể phòng, chống dịch Covid-19. Phòng, chống dịch và phát triển kinh tế phải được thực hiện hài hòa, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, không nên loại trừ nhau.

Ông có cho rằng, nên công khai, minh bạch các danh mục dự án, doanh nghiệp thuộc diện nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ?

Tôi hoàn toàn đồng ý. Việc công khai, minh bạch sẽ có ý nghĩa ở nhiều góc độ trong đóng góp vào nâng cao hiệu quả của Chương trình, từ lúc bắt đầu xây dựng, đến triển khai (xác định đối tượng, dự án) và giai đoạn giám sát thực hiện. Đây cũng là cách hạn chế tối đa những lo ngại về tiêu cực trong thực hiện Chương trình.

Với cách thức tổ chức thực hiện minh bạch và công khai tối đa, hiệu quả của Chương trình cũng sẽ được nâng cao hơn ở cả góc độ thời gian, chất lượng. Bởi vì, các bên thực hiện cũng phải chịu áp lực rất lớn trong đảm bảo thực thi đúng mục tiêu, tiêu chí của Chương trình.

Ngoài ra, xây dựng cơ chế hiệu quả trong tổ chức thực thi Chương trình cũng rất cần thiết. Có lẽ, Chính phủ cần nghiên cứu để có một ban (cơ quan) chỉ đạo điều phối thực hiện, giám sát Chương trình.

Phải nhắc lại là, Chương trình này phải gắn kết chặt chẽ với chương trình phòng, chống Covid-19 và các chương trình cải cách thể chế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khác, nên đòi hỏi sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương. Tôi cũng đề xuất, Ban Chỉ đạo phải đảm bảo cả năng lực chuyên môn, có thẩm quyền quyết định nhất định để kịp xử lý các vấn đề phát sinh trong thực hiện; tham mưu có hiệu quả cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, trong giai đoạn thực thi Chương trình, tính chủ động của Chính phủ trong cải cách thủ tục, quy trình trong phạm vi thẩm quyền cũng rất quan trọng. Ví dụ, quy định nói rằng thủ tục này thực hiện tối đa 30 ngày, nhưng Chính phủ có thể yêu cầu cắt giảm 50% hay nhiều hơn nữa...

Có thể nói là sẽ cần những cách làm mới, thưa ông?

Không chỉ là cách làm mới, mà cần cả tinh thần quyết liệt, tư duy hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tinh thần không ngại đổi mới, tìm kiếm cách làm mới trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh cần được tiếp tục trong giai đoạn phục hồi và trong quá trình tổ chức thực thi chương trình này.

Xa hơn nữa, tôi mong rằng, tinh thần khẩn trương, quyết liệt, hành động sẽ chi phối hoạt động của Chính phủ và cả Quốc hội từ nay trở đi, chứ không phải hết dịch là mọi việc quay lại như cũ.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục