Thưa Thứ trưởng, chúng ta vừa trải qua một năm thực sự rất khó khăn, với nhiều chỉ số kinh tế - xã hội không như kỳ vọng. Điều này có khiến ông lo lắng?
Năm 2021, có thể nói, kinh tế Việt Nam đã đối mặt với tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có trong lịch sử cả về y tế, kinh tế, xã hội. Đặc biệt, đợt dịch bùng phát lần thứ tư đã tác động lớn đến mọi mặt của nền kinh tế. Đã có những thời điểm, hoạt động trong các khu công nghiệp bị tê liệt, chuỗi sản xuất bị đứt gãy, sức mua trong nước giảm sút, thu nhập và đời sống người lao động bị ảnh hưởng nặng nề…
Đó là một trong những lý do khiến tăng trưởng GDP năm 2021 chỉ đạt 2,58%, thấp hơn cả mục tiêu Quốc hội quyết nghị, lẫn mục tiêu mà Chính phủ đặt ra. Như vậy là chúng ta đã có 2 năm liên tiếp không đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, kéo theo đó là các chỉ tiêu về GDP bình quân đầu người, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP… cũng không đạt kế hoạch.
Điều này tất nhiên khiến chúng ta lo lắng. Tuy vậy, tôi cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch bệnh, việc chúng ta có được mức tăng trưởng như vậy là một sự nỗ lực rất lớn. Nhìn vào số liệu tăng trưởng GDP theo từng quý, có thể thấy rất rõ điều này.
Từ đầu năm đến tháng 5/2021, dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất - kinh doanh diễn ra trong trạng thái bình thường mới, giúp GDP quý I tăng 4,72%, quý II tăng 6,73%. Quý III/2021, dịch bùng phát mạnh, phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, các hoạt động sản xuất - kinh doanh đình trệ, nên GDP quý III giảm 6,02% và ảnh hưởng nặng nề đến lao động, việc làm và các vấn đề xã hội.
Nhưng sang quý IV, cùng với việc chuyển hướng chiến lược chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục tốt, GDP quý IV/2021 bật tăng mạnh, ước đạt 5,22%, cao hơn cả quý IV/2020 (tăng 4,61%). Nhờ vậy, cả năm mới đạt mức tăng trưởng 2,58%, một kết quả tích cực.
Nói về cảm xúc, tôi muốn so sánh với một trận bóng đá. Nếu như đội tuyển của chúng ta thắng bốn trận với cùng tỷ số 1 - 0, chúng ta thấy bình thường. Nhưng với một đối thủ nặng ký, chúng ta thua trước 2 bàn, rồi gỡ hòa và thắng được, thì còn xúc động hơn rất nhiều. Kinh tế năm 2021 diễn ra đúng như vậy và cảm xúc trong tôi cũng như vậy!
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược sẽ góp phần quan trọng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. |
Nói về kinh tế 2021, dư luận vẫn nhắc tới một dấu mốc quan trọng, mà như Thứ trưởng cũng vừa nói, đó là sự chuyển hướng chiến lược chống dịch của Việt Nam. Theo ông, sự chuyển hướng này đã tác động thế nào tới nền kinh tế?
Cá nhân tôi cho rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 vào đầu tháng 10/2021 có ý nghĩa rất quan trọng, làm xoay chuyển cục diện, cả trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết số 128/NQ-CP ra đời đúng thời điểm, rất phù hợp, không thể sớm hơn và cũng không thể muộn hơn, bởi vì việc chuyển hướng chiến lược chống dịch còn phụ thuộc vào mức độ tiêm chủng, mức độ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 trên toàn quốc. Vào thời điểm đó, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng vắc-xin đã đủ để chúng ta có thể “sống chung” an toàn, linh hoạt với dịch bệnh. Thời điểm đó, người dân, doanh nghiệp cũng đã trải qua khoảng thời gian rất dài phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, nên họ thực sự đang rất mong mỏi sự chuyển hướng chính sách điều hành của Chính phủ.
Bởi vậy, khi Nghị quyết được ban hành đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của dư luận xã hội. Chính nghị quyết này đã đóng vai trò then chốt giúp “đảo chiều” kết quả kinh tế - xã hội năm 2021.
Hơn thế nữa, điều này còn cho thấy, sức bật của nền kinh tế Việt Nam là rất khả quan. Khi chúng ta có một mô hình kiểm soát dịch bệnh tốt và hiệu quả, thì tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân đều tức khắc có điều kiện để phục hồi, thậm chí phục hồi một cách mạnh mẽ.
Như vậy, có thể hiểu được rằng, trong bối cảnh hiện nay, cơ hội cho nền kinh tế trong năm 2022 là rất lớn, thưa Thứ trưởng?
Đúng là như vậy. Tôi có niềm tin rất mạnh mẽ, nhưng có cơ sở là năm 2022, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh, phục hồi hiệu quả, mạnh mẽ và nhanh chóng quay lại quỹ đạo phát triển bền vững.
Hai năm 2020 - 2021, chúng ta đã đúc rút được rất nhiều bài học kinh nghiệm trong phòng chống dịch, trong phát triển kinh tế - xã hội. Dù khó khăn, nhưng chúng ta vẫn giữ được sự ổn định của kinh tế vĩ mô, giữ được những nền tảng cơ bản để nếu có điều kiện, nền kinh tế có thể nhanh chóng phục hồi. Và thực tế là, những tháng cuối năm, kinh tế Việt Nam cũng đang bước vào quỹ đạo phục hồi, dần thích ứng linh hoạt với dịch bệnh.
Hầu hết các ngành, lĩnh vực đang trên đà tăng trưởng trở lại; hoạt động sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân, người lao động ổn định và cũng đang phát triển trở lại trong trạng thái bình thường mới. Khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, thì sức cầu của nền kinh tế, các hoạt động dịch vụ, du lịch cũng có thể tạo sức bật mạnh trở lại, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế.
Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa, kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn. Thậm chí, tôi cho rằng, khó khăn, thách thức phía trước còn nhiều. Dịch Covid-19 có thể phức tạp, nguy hiểm hơn. Kinh tế thế giới cũng được dự báo tăng trưởng không đồng đều, chưa vững chắc và thấp hơn năm 2021, rủi ro tiếp tục gia tăng. Ở trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.
Trong khi đó, năm 2022 lại là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và các chủ trương, chính sách lớn đã được thông qua trong năm 2021. Do vậy, nhiệm vụ phía trước là rất nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ trưởng có thể cho biết những giải pháp đó là gì? Chính phủ vừa tổ chức Hội nghị về triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, rất nhiều giải pháp đã được đề cập trong Dự thảo Nghị quyết số 01. Đâu là những điểm nhấn quan trọng, thưa Thứ trưởng?
Trong các thành tựu kinh tế - xã hội, dấu ấn điều hành của Chính phủ là rất quan trọng. Năm 2021, bằng các biện pháp điều hành chủ động, quyết liệt, chính xác, kịp thời và hiệu quả, chúng ta đã đạt được những thành quả quan trọng trong phòng chống dịch, cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội.
Để thực hiện thành công Kế hoạch 2022, Chính phủ đã xác định phương châm điều hành là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, đồng thời dự kiến thực hiện 12 nhóm giải pháp quan trọng. Trong đó, một trong các nguyên tắc hàng đầu là bám sát tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Giải pháp thì có nhiều, nhưng sẽ tập trung thực hiện 3 trọng tâm, là khôi phục, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược. Bên cạnh đó, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế thực chất, hiệu quả… Tất nhiên, điều kiện trước tiên và quan trọng nhất chính là kiểm soát tốt dịch bệnh.
Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp này sẽ tạo điều kiện để nền kinh tế sớm đi vào quỹ đạo phục hồi.
Vậy còn Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023, thưa Thứ trưởng? Quốc hội đang họp phiên bất thường để xem xét, thông qua các chính sách tài khóa, tiền tệ cho Chương trình. Điều này có ý nghĩa như thế nào với nền kinh tế?
Có thể nói, lần đầu tiên, chúng ta đã đề xuất một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có quy mô đủ lớn, trong thời gian đủ dài, tác động cả phía cung và phía cầu như lần này.
Trong đề xuất mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa thay mặt Chính phủ trình Quốc hội, quy mô gói hỗ trợ tài khóa có thể lên tới 291.000 tỷ đồng, được thực hiện trong vòng 2 năm (2022 - 2023). Để có nguồn lực này, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội đồng ý tăng bội chi và dùng nguồn lực để chi cho đầu tư phát triển, trong đó có một phần không nhỏ dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; giảm chi phí cho doanh nghiệp; cho vay ưu đãi hỗ trợ giải quyết việc làm…
Bên cạnh đó, còn có gói giải pháp tiền tệ, mà trong đó, mục tiêu là điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế. Các biện pháp như giảm lãi suất cho vay, tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống… cũng sẽ dự kiến được thực hiện.
Ngoài ra, lần này, chúng tôi cũng đã đề xuất các cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, có quy mô vốn lớn thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Đó mới là gói giải pháp tài khóa và tiền tệ. Trong Chương trình tổng thể, còn nhiều nhóm giải pháp khác cũng sẽ được thực hiện, để hỗ trợ tổng thể cho sự hồi phục và phát triển của nền kinh tế, không chỉ trong ngắn hạn, mà cả trong trung và dài hạn. Khi Chương trình được thông qua và triển khai hiệu quả, tôi tin rằng, nền kinh tế sẽ có thêm cơ hội rất lớn để phục hồi mạnh mẽ và chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội phục hồi cùng kinh tế toàn cầu.
Những giải pháp này là rất quan trọng và cần thiết, tuy nhiên, chỉ là “phần bổ sung quan trọng” để thực hiện các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra tại Kế hoạch 5 năm và hàng năm. Để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, điều kiện tiên quyết là phải nỗ lực, quyết liệt thực hiện các giải pháp điều hành trong hai nghị quyết số 01 và 02 mà Chính phủ sẽ sớm ban hành.