Minh bạch để bịt kẽ hở tham nhũng từ đất đai

0:00 / 0:00
0:00
Những bất cập trong chính sách đất đai đang tạo kẻ hở để không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng, tham nhũng, trục lợi. Sửa đổi Luật Đất đai lần này là phải bịt được kẽ hở đó, với yêu cầu quan trọng nhất là minh bạch trong từng chính sách.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được xếp thứ nhất trong 9 vấn đề trọng tâm xin ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ảnh: Đ.T Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được xếp thứ nhất trong 9 vấn đề trọng tâm xin ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ảnh: Đ.T

Dân chủ, công khai, minh bạch phải là số 1

Dưới nhiều hình thức khác nhau, việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) đang được tiến hành ở nhiều địa phương trên cả nước. Một trong những băn khoăn được đặt ra ở nhiều cuộc góp ý là, Dự thảo còn quá nhiều điều giao Chính phủ quy định chi tiết, nhiều quy định chưa đủ rõ ràng, minh bạch để có thể bịt được kẽ hở tham nhũng từ đất đai, vấn đề đã và đang gây rất nhiều bức xúc trong xã hội.

Trong 9 trọng tâm xin ý kiến nhân dân, thì quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được xếp thứ nhất, đây cũng là vấn đề khiến cả người dân và nhiều chuyên gia, nhà khoa học đặc biệt quan tâm. Bởi, nhiều người đều có chung nhận xét, một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều khiếu kiện đất đai là do công tác quy hoạch thiếu tầm nhìn, quy hoạch cảm tính, quy hoạch rồi sau đó tìm cách điều chỉnh nhằm phục vụ mục đích cá nhân, lợi ích nhóm…

Điều 60 của Dự thảo quy định 8 nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và “dân chủ, công khai, minh bạch”, là nguyên tắc thứ 8.

“Vì tầm quan trọng của việc bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong lập quy hoạch sử dụng đất, tôi đề nghị đưa nguyên tắc này lên vị trí số 1”, GS-TS. Phạm Hữu Nghị (Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) góp ý.

Đáng chú ý, chuyên gia Phạm Hữu Nghị và nhiều vị khác đều có chung nỗi lo lớn về căn cứ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và việc lấy ý kiến nhân dân về nội dung này.

“Quy hoạch là nơi các nhóm lợi ích tấn công ghê gớm nhất, do đó, nếu để cấp nào lập quy hoạch cấp đó được điều chỉnh như Dự thảo, thì rất dễ dẫn đến tiêu cực. Vì thế, Dự thảo phải có nguyên tắc, trình tự điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”, ông Nghị nhấn mạnh.

GS-TS. Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) nhận xét, các quy định về căn cứ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thiếu cụ thể, nên rất dễ bị lợi dụng để điều chỉnh. Như, khoản 2, Điều 71 về căn cứ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất có quy định: “do biến đổi bất thường của tình hình kinh tế - xã hội làm hạn chế nguồn lực thực hiện”, hay “do sự phát triển của khoa học - công nghệ làm thay đổi cơ bản việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất”…

Ngoài ra, ông Đường còn cho rằng, Dự thảo quy định cấp nào có thẩm quyền quy hoạch thì cấp đó quyết định thay đổi, điều chỉnh quy hoạch là quá rộng, khiến việc điều chỉnh trở nên dễ dàng, dễ tùy tiện. Thực tiễn chỉ ra rằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất những năm qua thường xuyên điều chỉnh, thay đổi, thiếu ổn định, trong đó không ít trường hợp là vì lợi ích nhóm. Vì thế, lần sửa đổi này, các quy định về lập, đặc biệt là điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần phải rất chặt chẽ.

Theo chuyên gia Phạm Hữu Nghị, lấy ý kiến nhân dân về việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là cơ chế ngăn ngừa nhóm lợi ích tác động vào việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vì lợi ích riêng, trục lợi của mình.

Tuy nhiên, với nội dung này, tại Dự thảo, vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra, như: ai là người được lấy ý kiến, người dân nói chung hay người đại diện cho dân? Ai là người đại diện cho dân? Có lấy ý kiến bằng cách bỏ phiếu không? Bao nhiêu phần trăm người được hỏi tán thành thì cần đưa vào nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất? Trong trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến không giải trình, thì có phải chịu trách nhiệm gì không?...

“Không nên giao Chính phủ quy định chi tiết việc lấy ý kiến nhân dân, mà nên quy định cụ thể, chi tiết hơn trong Dự thảo”, ông Nghị góp ý.

Hạn chế tập trung quyền lực

Khắc phục tình trạng lợi dụng các quyền định đoạt của Nhà nước với vai trò là chủ sở hữu để tham nhũng, trục lợi, tiêu cực từ đất đai cũng là vấn đề rất được quan tâm tại các cuộc lấy ý kiến nhân dân với Dự thảo.

Bàn về điều này, GS-TS. Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường đại học Lâm nghiệp và TS. Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và phát triển nông thôn (Trường đại học Lâm nghiệp) cho rằng, quan hệ giữa chủ sở hữu/“toàn dân” với Nhà nước/đại diện chủ sở hữu; và chủ sở hữu/“toàn dân” với người sử dụng đất, người thuê đất... chưa được giải quyết đầy đủ tại Dự thảo.

Hai vị chuyên gia phân tích, thực chất, Nhà nước có hai vai trò. Thứ nhất, với vai trò quản lý xã hội, Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi hình thức giao đất, cho thuê đất với nhau (từ cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, sang thu tiền một lần; từ giao đất không thu tiền sử dụng đất, sang giao đất có thu tiền sử dụng đất...); quyết định hạn mức, thời hạn, quyết định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo luật do Quốc hội thông qua.

Thứ hai, với vai trò đại diện chủ sở hữu về đất đai, Nhà nước có quyền thu địa tô chênh lệch (phần thặng dư thu được do điều kiện tự nhiên/lợi thế của thửa đất tạo ra và thuộc về chủ đất/chủ sở hữu), thu tiền sử dụng đất khi giao đất, khi chuyển mục đích sử dụng đất và khi công nhận quyền sử dụng đất, tiền thuê đất, quyết định giá đất cụ thể phục vụ bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.

Tuy nhiên, Dự thảo quy định quyền quyết định giá đất cụ thể lại giao UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện; thành phần hội đồng thẩm định giá đất cụ thể cũng không có đại diện của HĐND (cấp tỉnh, cấp huyện). Như vậy, Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu, nhưng lại giao cơ quan hành chính nhà nước quyết định chứ không phải do Quốc hội, HĐND (cơ quan đại diện cho dân) quyết định hoặc được tham gia thành phần hội đồng thẩm định giá đất.

Góp ý từ hai chuyên gia này là, nên tách riêng quyền đại diện chủ sở hữu và quyền năng quản lý nhà nước (quản lý xã hội), sau đó thiết kế phân quyền (chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền) cho hai cơ quan tương ứng. Quyền đại diện chủ sở hữu thì giao Quốc hội, HĐND; quyền quản lý hành chính nhà nước thì giao Chính phủ, UBND các cấp. Như vậy, mới đảm bảo tính độc lập, khách quan và hạn chế quyền lực tập trung vào cơ quan quản lý hành chính như hiện nay.

Về cơ quan thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu, theo hai vị chuyên gia, nên quy định rõ là giao cho cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tức là Quốc hội và HĐND các cấp khi quyết định/phê duyệt bảng giá đất, giá đất bồi thường, giá đất tính tiền sử dụng đất khi giao đất, giá khởi điểm khi đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất tùy theo giá trị. Ví dụ, các khu đất đấu giá (có giá đất theo bảng giá) giá trị từ 50 triệu USD trở lên, thì phải do Quốc hội phê duyệt; từ 10 triệu USD đến dưới 50 triệu USD, thì do HĐND tỉnh quyết định; dưới 10 triệu USD, thì do HĐND cấp huyện quyết định.

Ngoài ra, cũng có thể quy định chính quyền nông thôn quyết định giá đất đối với trường hợp giá trị thửa đất (theo bảng giá) có giá trị bằng 50% định mức trên.

Việc lấy ý kiến nhân dân với Dự thảo sẽ tiếp tục được tổ chức đến hết ngày 15/3/2023, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với Dự thảo sau tiếp thu ý kiến nhân dân tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Luật hóa các phương pháp xác định giá đất một cách cơ bản

Theo TS. Nguyễn Hữu Dũng (Trường đại học Kinh tế quốc dân), Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã bỏ khung giá đất, nhưng phương pháp xác định giá đất chỉ quy định một điều rất đơn giản là “giao cho Chính phủ”, là chưa đủ. Trong luật nên quy định có tính chất định hướng, tính nguyên tắc về các phương pháp xác định giá đất một cách cơ bản. Trên cơ sở đó, Chính phủ tiếp tục cụ thể hóa các phương pháp định giá đất một cách linh hoạt và chính xác.

“Giá đất được quyết định bởi các yếu tố như địa điểm, có thể sử dụng vào mục đích gì… đòi hỏi những hiểu biết sâu về khu vực đó để có thể định giá chính xác. Để đưa bảng giá đất sát với giá thị trường, cần cho phép thành lập cơ quan định giá đất độc lập để hỗ trợ xây dựng bảng giá đất, thẩm định lại kết quả xác định giá đất, điều chỉnh khi có biến động. Như vậy, giá đất mới đảm bảo được tính độc lập về chuyên môn, tính trung thực khách quan, đảm bảo giá đất phù hợp với thị trường và không chịu áp lực, chi phối từ các nhóm lợi ích…”, ông Dũng góp ý.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục