Miền Trung thúc tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy nước

0:00 / 0:00
0:00
Trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các đô thị lớn và hạn hán ngày càng khốc liệt, các địa phương ở miền Trung đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy nước và hồ chứa nước.
Miền Trung thúc tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy nước

Thiếu nước đến sớm

Từ giữa tháng 3 đến nay, tại một số quận nội thị Đà Nẵng liên tục xảy ra tình trạng thiếu nước, nước chảy yếu, đặc biệt là những khu vực cuối nguồn đường ống dẫn nước. Bà Trần Thu Hà (tổ 49, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) cho biết: “Cứ đến tầm 16 giờ hàng ngày, nước bắt đầu chảy yếu. Lúc cao điểm (18 - 20 giờ), nước chảy rất yếu, nên mọi sinh hoạt của người dân trở nên khó khăn. Không những vậy, có ngày, nước đổi màu như màu đất, chúng tôi không dám dùng để nấu ăn”.

Trên trang Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp (kênh tiếp nhận thông tin chính thống từ người dân của ngành chức năng TP. Đà Nẵng) cũng có nhiều ý kiến phản ánh về tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Một người dân cư trú trên tuyến đường Nguyễn Hồng Ánh cho biết, dù gần Nhà máy Nước Cầu Đỏ, nhưng khu vực này thường xuyên bị mất nước hoặc nước yếu không thể chảy lên bồn chứa. “Đề nghị Công ty kiểm tra, khắc phục để người dân có nước sinh hoạt”, người này kiến nghị.

Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan lập ngay Tổ Công tác hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo Dự án được thực hiện đúng thời gian đề ra.

Ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, thời gian qua, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra thường xuyên trên địa bàn các quận: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Thanh Khê…, cụ thể là ở các tuyến đường: Chúc Động, Trần Văn Dư, Trần Đình Nam, Trần Hoành, Trần Xuân Lê, Trương Định, Trần Cao Vân, Hồ Quý Ly, Dũng Sỹ Thanh Khê…

Không riêng khu vực đô thị Đà Nẵng thiếu nước, những ngày đầu tháng 5, tình trạng khô hạn đã diễn ra gay gắt tại xã Diên Thọ (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà). Những giếng đào, giếng khoan, bể chứa nước… bắt đầu có dấu hiệu cạn kiệt.

Gia đình ông Nguyễn Đức Tiến (xóm Phú Thọ) đã bỏ ra 40 triệu đồng để khoan giếng, nhưng nguồn nước ở đây bị nhiễm vôi, nên chỉ để tưới cây. Cùng xóm với ông Tiến, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Anh do không có tiền mua bể chứa nước mưa, mà nguồn nước ngầm lại bị nhiễm vôi, nên 10 năm qua, cứ khoảng 2 ngày, bà lại phải chạy xe 4 km xuống chân đèo Đá Lửa để mua nước sạch về sử dụng với giá 5.000 đồng/30 lít và mua nước đóng bình để uống, nấu ăn.

Ông Nguyễn Chí Tiến, Chủ tịch UBND xã Diên Thọ cho biết: “Hai nhà máy nước Phước Lạc Thọ và Diên Đồng có công suất nhỏ, không đáp ứng đủ nước sinh hoạt nên vào giờ cao điểm, người dân thường không có nước sạch để sử dụng”.

Tình trạng thiếu nước và khô hạn trên diện rộng cũng xảy ra trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Hàng trăm ngàn hộ dân, hàng ngàn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp cứ “đến hẹn lại lên” rơi vào tình trạng “khát nước”.

“Chạy đua” tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy nước

Để giải quyết căn cơ bài toán thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn, TP. Đà Nẵng đã đốc thúc chủ đầu tư và các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ Dự án Nhà máy nước Hòa Liên. Tuy nhiên, công trình này có nguy cơ chậm tiến độ từ 4 đến 6 tháng so với kế hoạch được duyệt.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng, tiến độ thi công Nhà máy Nước Hòa Liên bị chậm là do ảnh hưởng của các đợt dịch Covid-19; mưa bão, lũ, đặc biệt là còn vướng giải tỏa mặt bằng, người dân cản trở trong quá trình thi công.

Ông Lương Thạch Vỹ, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng thông tin, các đơn vị đang tập trung tăng ca thi công tất cả các hạng mục, nhất là hạng mục xây dựng đập dâng trên sông Cu Đê tại thôn Nam Mỹ. Nhà thầu cũng đã phát động phong trào thi đua 100 ngày tập trung thi công để về đích một số hạng mục.

Dự kiến, Nhà máy sẽ được vận hành chạy thử vào ngày 30/10/2021; hoàn thành xây lắp, lắp đặt thiết bị cho đập dâng Nam Mỹ vào ngày 30/10/2021, bắt đầu tích nước từ cuối tháng 10/2021; hoàn thiện, vận hành vào ngày 15/12/2021.

Cùng “chạy đua” tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy nước với Đà Nẵng, đầu tháng 5/2021, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Nước Sơn Thạnh (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh) với tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng. Mục tiêu của Dự án là xây dựng hệ thống cấp nước sạch tiên tiến, vận hành hiệu quả, đáp ứng đủ lưu lượng và chất lượng cho nhu cầu sinh hoạt, hành chính, dịch vụ thương mại, sản xuất công nghiệp của TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh, huyện Khánh Vĩnh và các khu vực phụ cận, bao gồm cả Cụm công nghiệp Sông Cầu.

Tại Phú Yên, địa phương cũng đang cùng với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ Dự án Hồ chứa nước Mỹ Lâm, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất đảm bảo an toàn để chặn dòng, tích nước hồ chứa vào cuối quý II/2021. Hồ chứa nước Mỹ Lâm là công trình lớn có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 477 ha tại huyện Tây Hòa, gồm một hồ chứa 34,8 triệu m3, đập đất chặn dòng, tràn xả lũ, hệ thống kênh tưới dài 55 km. Công trình sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo nước tưới cho 2.500 ha, bổ sung 800 ha mặt nước nuôi thủy sản, giảm lũ, hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn khu vực.

Ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, để đảm bảo hoàn thành Dự án Hồ chứa nước Mỹ Lâm trong năm 2021, điều kiện tiên quyết là phải thực hiện được việc chặn dòng sớm nhất có thể. Vì vậy, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan lập ngay Tổ Công tác hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo Dự án được thực hiện đúng thời gian đề ra.

Hà Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục