Miền Trung sẽ không còn “thương lắm miền Trung“

Diện mạo đô thị miền Trung đang ngày càng được định hình rõ nét hơn, văn minh và hiện đại, tạo nền tảng cho sự phát triển toàn diện của khu vực này.
Miền Trung sẽ không còn “thương lắm miền Trung“

Suốt dọc dài miền Trung, có thể nói, Đà Nẵng đang nổi lên như một mô hình phát triển đô thị kiểu mẫu, với quy hoạch bài bản, tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với các điều kiện phát triển tự nhiên. Các đô thị quanh vùng, như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Bình Định… cũng đang được xây dựng và phát triển với nét chấm phá của một chuỗi đô thị du lịch, nhằm phát huy lợi thế biển, lợi thế về du lịch, cũng như dần từng bước gắn liền với phát triển công nghiệp, thương mại.

Khu vực này thậm chí đang có cơ hội rất lớn để phát triển không gian đô thị, khi mà luồng vốn đầu tư lớn đang được đổ vào đây. Không chỉ là vốn từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ để phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị…, mà còn là một nguồn lực khổng lồ đang đổ vào các dự án phát triển công nghiệp, du lịch… miền Trung.

Một công xưởng lớn đang được hình thành, với các dự án sản xuất thép quy mô lớn, các nhà máy điện…, như JFE (Nhật Bản), Semcorp (Singapore), Doosan Vina (Hàn Quốc).    

Một chuỗi các nhà máy lọc dầu, bắt đầu là Lọc dầu Dung Quất, rồi Lọc dầu Vũng Rô, tới đây có thể là Lọc hóa dầu Nhơn Hội, cũng đã và đang mang lại một diện mạo mới cho công nghiệp của khu vực miền Trung. Chưa kể là vô vàn các dự án du lịch, bất động sản, quy mô hàng tỷ USD, điển hình là các khu du lịch nghỉ dưỡng dọc bờ biển Đà Nẵng, Quảng Nam…, cũng đã và đang được triển khai.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế, như Chu Lai, Dung Quất, Chân Mây - Lăng Cô, Nhơn Hội…, với nhiều dự án quy mô lớn, nhỏ khác nhau, đang tạo cú hích lớn cho kinh tế - xã hội khu vực miền Trung phát triển.

Một khi kinh tế phát triển, miền Trung có cơ hội lớn để phát triển không gian đô thị. Không thể không phát triển và mở rộng không gian đô thị theo hướng ngày càng hiện đại, văn minh hơn, khi tới đây, các dự án quy mô lớn đi vào hoạt động, người lao động khắp cả nước sẽ đổ về. Không thể không mở rộng và phát triển để đáp ứng nhu cầu phát triển của toàn vùng, thậm chí là ở tầm nhìn kết nối với các nước trong khu vực.

Trong Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2020, mà Chính phủ thông qua vào năm trước, việc phát triển không gian đô thị khu vực miền Trung được quy hoạch gắn với phát triển các khu công nghiệp, các trung tâm thương mại, dịch vụ theo hướng đa trung tâm; tạo mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng với các vùng lân cận. Việc phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ cũng được gắn với quy hoạch này.

Chuyện phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng tại các đô thị hạt nhân cấp vùng như TP. Đà Nẵng, TP. Huế (Thừa Thiên  Huế), TP. Nha Trang (Khánh Hòa)…; hay đầu tư nâng cấp phát triển các đô thị vừa (thành phố, thị xã thuộc tỉnh), các đô thị nhỏ (thị trấn) và các đô thị mới trở thành hạt nhân tăng trưởng của vùng cũng đã được nhắc đến.

Một điều đáng mừng là, xét về cả chiến lược và cơ hội phát triển, thì không gian đô thị miền Trung đang được xây dựng và phát triển theo hướng này. Nhưng cũng cần phải nhắc lại rằng, không gian đô thị miền Trung sẽ chỉ thực sự được phát triển xứng tầm và có tầm nhìn dài hạn, nếu dựa trên sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng. Đã đến lúc không thể mạnh ai nấy làm, mà cần có sự liên kết để phát triển bền vững hơn.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục