Miễn tiền thuê 25 năm, tặng người thuê căn nhà khác mà vẫn không đòi được nhà phố Hàng Điếu

(ĐTCK) Vụ việc hy hữu khi chủ nhà phải miễn tiền cho thuê nhà trong 25 năm, tặng căn nhà khác, hỗ trợ tiền sửa nhà mà khách thuê vẫn nhất quyết không trả nhà.
Gia đình bà N. phải mất rất nhiều năm mới đòi lại nhà của mình. Ảnh Internet

TAND TP Hà Nội vừa giải quyết vụ đòi nhà cho thuê giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị H. (việt kiều) và bà Nguyễn Thị N. với ông Dương Văn M.

Nguyên đơn mất 25 năm mới đòi lại nhà cho thuê.

Theo nội dung đơn khởi kiện, ngôi nhà số 2 phố Hàng Điếu, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội do bà N. và chị gái là bà H. mua chung từ năm 1954. Nhà đất đã được chứng thực.

Chị em bà N. cho ông M. thuê lại tầng 1. Cuối năm 1954, bà H. di cư vào miền Nam nên bà N. là người thu tiền thuê. Năm 1992, bà N. thông báo đòi lại nhà.

Bị đơn là ông M. trình bày, việc thuê nhà không lập thành văn bản. Trước đây bà N. đã có ý định bán nhà này cho ông nên ông không đồng ý trả lại nhà. Ông M. cũng không chấp nhận chuyển đổi  lấy diện tích nhà đất khác theo yêu cầu của bà N. Hơn nữa, bà N. chỉ có quyền sở hữu một nửa nhà số 2 Hàng Điếu, nửa còn lại thuộc quyền sở hữu của bà H.. Hiện nay bà H. đang định cư ở nước ngoài nên bà N. không được đòi nhà.

Ông M. còn cho rằng gia đình ông thuê nhà của chủ cũ từ năm 1945, đến năm 1954 thì thuê của bà H. Khi nào bà H. về đòi thì ông sẽ trả. Do đó, ông M. không đồng ý trả nhà.

Vụ việc được đưa ra xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm nhiều năm. Gia đình bà H. rất thiện chí như không lấy tiền thuê nhà của ông M. còn thiếu từ năm 1990 đến nay. Thậm chí chủ nhà còn tặng ông M. nhà ở phường Phúc Tân. Đồng thời thanh toán tiền 4 triệu đồng tiền sửa nhà.

Bản án sơ thẩm năm 1993 đã chấp nhận yêu cầu đòi nhà cho thuê của bà N. Ông M. phải chuyển đến căn nhà ở Phúc Tân, trả lại nhà cho bà N. Còn phần hai gác xép, bên trong nhà chính nếu hai bên không thỏa thuận được, gia đình ông M. được tháo dỡ đem đi.

Do có kháng cáo, kháng nghị, bản án giám đốc thẩm năm 1994 đã hủy án sơ thẩm.

Bà N. tiếp tục hành trình khiếu nại gửi các cơ quan nhà đất. Ngày 9/10/2003, Bộ Xây dựng có Quyết định 1327 xác định toàn bộ nhà số 2 Hàng Điếu thuộc sở hữu chung của bà N. và bà H. Việc bà N. xin được công nhận quyền sở hữu phải chờ nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) mới có cơ sở giải quyết.

3 năm sau, ngày 27/7/2006, UBTVQH ra Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 về  “Giao dịch dân sự về nhà được xác lập trước ngày 1/7/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia”.

Ngày 18/4/2011, bà N. và bà H. gửi đơn khởi kiện đến TAND TP Hà Nội đòi lại nhà cho thuê và được chấp nhận. Tuy nhiên, bị đơn tiếp tục kháng cáo, không trả nhà.

Tại phiên tòa mới đây, HĐXX nhận định có căn cứ xác định căn nhà số 2 Hàng Điếu là nhà sở hữu tư nhân hợp pháp. Bà H. có giấy xác nhận ý chí của mình cho bà N. quyền sở hữu căn nhà. Năm 1998, ông M. chết, các con ông vẫn tiếp tục sống ở đây là xâm phạm quyền sở hữu nhà của nguyên đơn. Do đó, tòa án chấp nhận yêu cầu đòi nhà của bà N.

HĐXX cũng xác nhận việc nguyên đơn tạo điều kiện cho gia đình bị đơn có chỗ ở ổn định bằng cách sẵn sàng cho thuê lại căn hộ ở khu tập thể Kim Liên. Đồng thời hỗ trợ chi phí gia đình bị đơn đầu tư sửa nhà, gác xép đến nay trị giá 20 triệu đồng.

Điều 5 - Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11

Bên cho thuê nhà ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, bên thuê nhà ở thường trú tại Việt Nam

1. Trường hợp thời hạn thuê nhà ở theo hợp đồng đã hết trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thì bên cho thuê và bên thuê nhà ở có thể thoả thuận việc tiếp tục thuê nhà ở; nếu thoả thuận được thì các bên phải ký kết hợp đồng thuê nhà ở theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005; nếu không thoả thuận được thì được giải quyết như sau:

a) Trường hợp bên thuê đã có chỗ ở khác thông qua các hình thức mua nhà ở, xây dựng nhà ở, thuê nhà ở khác hoặc được thừa kế nhà ở, được tặng cho nhà ở, được Nhà nước giao đất để xây dựng nhà ở hoặc bên cho thuê đã tự nguyện tạo điều kiện cho bên thuê có chỗ ở khác thì bên cho thuê được lấy lại nhà ở nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất sáu tháng;

b) Trường hợp bên thuê không có chỗ ở thì bên cho thuê vẫn được lấy lại nhà ở nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất mười hai tháng.

2. Trường hợp đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực mà thời hạn thuê nhà ở theo hợp đồng vẫn còn, nếu các bên không có thoả thuận khác thì bên cho thuê được lấy lại nhà ở kể từ ngày hết thời hạn thuê nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất sáu tháng.

3. Trường hợp thời hạn thuê nhà ở không được xác định trong hợp đồng và các bên không có thoả thuận khác thì bên cho thuê được lấy lại nhà ở nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất hai mươi bốn tháng.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục