Mía đường thăng hoa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cả giá và thanh khoản của nhóm cổ phiếu mía đường đều bùng nổ trong bối cảnh các doanh nghiệp ngành này ghi nhận lợi nhuận tăng đột biến.
Nhiều doanh nghiệp mía đường ghi nhận lợi nhuận đột biến trong quý II/2023. Nhiều doanh nghiệp mía đường ghi nhận lợi nhuận đột biến trong quý II/2023.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung

Giá đường thế giới tăng vọt trong nửa đầu năm 2023 trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt do điều kiện thời tiết bất lợi, các cuộc xung đột địa chính trị kéo dài và xu hướng các nước tăng cường sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol từ mía vì giá dầu tăng cao.

Sau khi đạt đỉnh 12 năm hồi tháng 4/2023 ở mức 27,3 US Cent/pound, giá đường thô thế giới dần hạ nhiệt. Đến cuối tháng 6/2023, giá đường giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng là 22 US Cent/pound. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc Brazil bước vào vụ thu hoạch, trong khi nhu cầu nhập khẩu toàn cầu, bao gồm Trung Quốc chậm lại. Sản lượng mía của Brazil năm nay được dự báo tăng 500.000 tấn, lên 38,2 triệu tấn.

Diễn biến giá đường thế giới từ đầu năm 2023 đến nay (Đơn vị: US Cent/pound). Nguồn: Thitruonghanghoa.

Diễn biến giá đường thế giới từ đầu năm 2023 đến nay (Đơn vị: US Cent/pound). Nguồn: Thitruonghanghoa.

Giá đường nhanh chóng chấm dứt nhịp điều chỉnh khi thời tiết khô hạn xảy ra tại Thái Lan, quốc gia sản xuất đường lớn thứ ba thế giới. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, lượng mưa tại nước này giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái do chịu ảnh hưởng bởi El Nino. Giới chuyên gia dự báo, 2023 sẽ là năm đầu tiên trong vòng 3 năm qua, sản lượng đường của Thái Lan giảm và sản lượng ở mức thấp thứ hai kể từ sau niên vụ 2009/2010. Hiện tại, giá đường dao động trên mức 24 US Cent/pound.

Theo chuyên gia chứng khoán Nguyễn Trọng Đình Tâm, giá đường trong nước cũng ghi nhận xu hướng tăng nhờ sự vận động của giá đường thế giới và chính sách chống bán phá giá, chống trợ cấp áp dụng đối với đường Thái Lan nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất đường nội địa.

SSI Research dự báo, giá đường trong nước nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao và cùng pha với giá đường thế giới trong năm 2023, do đường nhập khẩu chiếm 2/3 nguồn cung đường của Việt Nam. Bộ Công thương được kỳ vọng sẽ nâng lượng đường nhập khẩu tối đa theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 để bổ sung nguồn cung đường trong nước, mang lại lợi ích cho các nhà máy đường tinh luyện trong nước nhập khẩu đường thô.

Lợi nhuận tăng vọt

Trong quý II/2023, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán QNS) ghi nhận doanh thu 3.152 tỷ đồng, tăng hơn 43%; lợi nhuận gộp 997 tỷ đồng, tăng 52%; lãi ròng gần 712 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, QNS đạt doanh thu 5.282 tỷ đồng, lãi ròng 1.028 tỷ đồng, tăng lần lượt gần 32% và 90% so với cùng kỳ. Theo đó, Công ty đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm 2023.

Tương tự, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (mã chứng khoán SLS) đạt doanh thu 550 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 225 tỷ đồng trong quý IV niên độ 2022 - 2023 (từ ngày 1/4 đến 30/6/2023), lần lượt tăng 152% và gấp gần 4 lần so với cùng kỳ. Luỹ kế cả niên độ, Mía đường Sơn La ghi nhận doanh thu 1.676 tỷ đồng, tăng 93% và lợi nhuận sau thuế 523 tỷ đồng, tăng 178% so với niên độ trước. Mức lợi nhuận này cao nhất từ trước tới nay và vượt 597% kế hoạch đề ra.

Nhóm cổ phiếu mía đường bước vào pha tăng sớm hơn thị trường chung và có mức tăng mạnh nên thời gian tới có thể sẽ đi ngang.

Tại Công ty cổ phần Đường Kon Tum (mã chứng khoán KTS), doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong quý IV niên độ 2022 - 2023 là 288,8 tỷ đồng và 23,7 tỷ đồng, gấp 6 - 7 lần so với cùng kỳ. Lũy kế cả niên độ 2022 - 2023, Công ty đạt doanh thu 547,7 tỷ đồng, tăng 210% và lợi nhuận sau thuế 38,2 tỷ đồng, tăng 375% so với niên độ trước.

Nhận xét về kết quả kinh doanh tăng đột biến của các doanh nghiệp ngành mía đường, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm cho biết, Đường Quảng Ngãi hay Mía đường Sơn La đều là các doanh nghiệp sản xuất trong chuỗi giá trị ngành đường nên tính chất hưởng lợi từ giá đường tăng phản ánh rất rõ vào kết quả kinh doanh.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp có tỷ trọng hoạt động thương mại cao như Mía đường Lam Sơn (mã chứng khoán LSS), Thành Thành Công - Biên Hòa (mã chứng khoán SBT) thì sẽ chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế chống bán phá giá.

“Trong nửa cuối năm 2023, tôi cho rằng, xu thế tích cực sẽ được duy trì với nhóm mía đường nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất. Giá đường thế giới trong giai đoạn cuối năm nay có thể đi ngang sau nhịp tăng giá mạnh trước đó , nhưng tác động từ giá đường tăng trong giai đoạn đầu năm vẫn sẽ mang lại kết quả khả quan cho lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành (do có độ trễ). Đây là một điểm sáng trong bối cảnh nền kinh tế và nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đang nỗ lực thoát đáy chu kỳ”, ông Tâm nhận định.

Cổ phiếu thăng hoa

Diễn biến cùng chiều với kết quả kinh doanh, nhóm cổ phiếu ngành mía đường bùng nổ cả về thị giá lẫn thanh khoản trong thời gian gần đây. Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm cho hay, nhóm cổ phiếu mía đường bước vào pha tăng sớm hơn thị trường chung. Các cổ phiếu trong nhóm này quay lại với xu hướng tăng từ đầu tháng 4, trong khi thị trường chứng khoán quay lại với xu hướng tăng kể từ cuối tháng 5.

Trong nhịp tăng vừa qua, cổ phiếu QNS và SLS đã tạo đỉnh lịch sử mới. Các mã khác như KTS, LSS cũng tăng giá mạnh, từ 20 - 40%. Sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu mía đường là do vận động tích cực của giá đường.

“Giá cổ phiếu thường có xu hướng phản ứng trước khi số liệu lợi nhuận được công bố, đặc biệt khi lợi nhuận của nhóm mía đường không khó để dự báo sau khi giá đường tăng mạnh trong giai đoạn tháng 4 - 5/2023. Tôi cho rằng, xu thế giá trong những tháng tới của nhóm cổ phiếu mía đường chủ yếu là đi ngang, sau khi những câu chuyện hay nhất đã được phản ánh phần lớn vào giá”, ông Tâm nói.

Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục