Metfone - Chiếc cầu nối phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam và Campuchia

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Metfone là một trong những thị trường hiệu quả nhất mà Viettel đầu tư với 354 triệu USD lợi nhuận đem về sau 12 năm. Đây cũng là doanh nghiệp đóng góp 45-50 triệu USD mỗi năm vào ngân sách Campuchia và tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động.
Metfone - Chiếc cầu nối phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam và Campuchia

56 năm trước, vào ngày 24/6/1965, quan hệ ngoại giao giữa Vương quốc Campuchia và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức được thiết lập. Sau hơn nửa thế kỷ, Việt Nam hiện là nhà đầu tư lớn thứ 5 vào Campuchia với tổng số vốn 3,2 tỷ USD. Trong đó, dự án của Viettel tại Campuchia - hãng viễn thông Metfone - là một trong những dự án đáng chú ý nhất.

Ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel khẳng định: "Metfone là minh chứng cho việc các công ty Việt Nam có đủ tiềm lực và kinh nghiệm đầu tư ra nước ngoài, hỗ trợ các nước khác trên thế giới cùng phát triển, cùng việc đem lại hiệu quả kinh tế và vị thế ngoại giao cho Việt Nam".

Campuchia chính là thị trường nước ngoài đầu tiên của Viettel và là một trong những thị trường hiệu quả nhất mà Viettel đầu tư.

Chính thức kinh doanh từ tháng 2/2009, sau 12 năm, Metfone trở thành thương hiệu số 1 trong lĩnh vực viễn thông với hơn 10 triệu khách hàng, chiếm 41,7% thị phần viễn thông và doanh thu lũy kế đạt 2,856 tỷ USD tương ứng với 1% GDP của Campuchia. Tổng lợi nhuận từ thị trường này trong 12 năm đạt hơn 354 triệu USD.

Vì là thị trường nước ngoài đầu tiên, cũng là thị trường lâu năm, Campuchia đã chứng kiến sự trưởng thành đột phá của Metfone trong hơn 1 thập kỷ.

Không dừng lại ở vai trò một nhà mạng, Metfone đã và đang là một nhà cung cấp dịch vụ số, xây dựng hệ sinh thái số, triển khai các dịch vụ mới như thanh toán điện tử, ngân hàng điện tử, Smart Home, IOT, các dịch vụ trên hạ tầng mạng Cloud, quảng cáo online, giải pháp Smart City, giải pháp số cho Chính phủ, chính quyền, hệ sinh thái số…

Từ cuối năm 2019, Metfone đã khởi động 3 ứng dụng My Metfone – nơi gắn kết thuê bao với chính nhà mạng Metfone, kết hợp với Metfone Plus (giống như My Viettel và Viettel++). Ví điện tử eMoney (giống như ViettelPay) cũng đã khởi động. Mục tiêu của họ là 1 triệu khách hàng sử dụng cho mỗi ứng dụng,

Để trở thành doanh nghiệp chủ đạo kiến tạo xã hội số tại Campuchia, Metfone tiếp tục đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông với công nghệ hiện đại nhất như 4.5G, 5G, Narrowband IoT, Big data, AI,…. và vùng phủ sóng rộng nhất. Đây là yếu tố quan trọng nhất để Metfone tiếp tục mở rộng, đẩy mạnh phát triển kinh doanh.

Là một trong những thị trường kinh doanh hiệu quả của Viettel, Metfone đồng thời là doanh nghiệp đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của kinh tế, xã hội vương quốc chùa Tháp. Trung bình hàng năm, Metfone đóng góp khoảng 45-50 triệu USD cho ngân sách Campuchia, tạo công ăn việc làm cho 3.000 lao động trực tiếp và khoảng 30.000 gia đình có công ăn, việc làm, thu nhập ổn định.

Hiện nay, Metfone là nhà cung cấp viễn thông và công nghệ thông tin duy nhất ở Campuchia có đủ điều kiện để đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng cho IoT và chuyển đổi số với hạ tầng kết nối truyền dẫn quốc tế lớn nhất thông qua các hệ thống cáp quang biển APG, IA, AAE-1, kết nối đất liền.

Nhờ sớm chuyển đổi số, Metfone dẫn đầu thị trường, đồng hành cùng chính phủ, doanh nghiệp và người dân Campuchia thực thi chiến lược chuyển đổi số quốc gia trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Năm 2019, Campuchia là thị trường đầu tiên của Viettel tại nước ngoài thực hiện thành công cuộc gọi 5G đầu tiên, đưa Campuchia trở thành những nước triển khai 5G sớm nhất trên thế giới.

Động thái này khẳng định, Việt Nam - Campuchia có thể đi cùng với thế giới trong việc làm chủ và ứng dụng công nghệ mới nhất để tạo ra các giải pháp thúc đẩy nền kinh tế số và kiến tạo xã hội số.

Theo ông Phùng Văn Cường, TGĐ Metfone, doanh nghiệp này sẽ xây dựng cộng đồng CID (Cambodia ID) tức là mỗi người dân Campuchia sẽ có một ID, khi các ứng dụng đều lớn sẽ hội tụ thành super-app. Sau này không nhất thiết thuê bao Metfone mới dùng super-app đó mà thuê bao mạng khác cũng có thể đăng ký vì khi không dựa theo số điện thoại. Sau này họ làm các thủ tục hành chính công như giấy khai sinh, giấy phé lái xe,… đều dựa trên CID.

Về nền tảng, vùng phủ sóng và hạ tầng lớn nhất, sâu rộng nhất của Metfone tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tại Campuchia cùng phát triển kinh doanh, đầu tư cho các chương trình chuyển đổi số, thông minh hóa các hoạt động kinh doanh.

Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng nổ, Chính phủ Campuchia phải đóng cửa tất cả các trường học để ngăn chặn bệnh dịch lây lan. Metfone ngay lập tức cung cấp miễn phí data cho toàn bộ học sinh, sinh viên khi truy cập vào các cổng thông tin học online, giảm giá 50% phí lắp đặt Internet cho học sinh sinh viên và giáo viên và hỗ trợ miễn phí hạ tầng viễn thông và nền tảng học trực tuyến với quy mô lên tới 500.000 người sử dụng.

Trong lĩnh vực y tế, Metfone hỗ trợ miễn phí Bộ Y tế Campuchia nhắn tin cập nhật tình hình bệnh dịch cho người dân và cung cấp gói cước đặc biệt miễn phí cho đội ngũ y, bác sỹ - những người trên tuyến đầu chống dịch bệnh.

Người dân Campuchia cũng được cung cấp một loạt dịch vụ mới sử dụng tại nhà và ưu đãi khi nạp tiền qua ứng dụng eMoney, giao dịch qua ví điện tử để hạn chế đi lại và giao dịch bằng tiền mặt.

Những hành động tích cực của Metfone trong đại dịch được Chính phủ và nhân dân Campuchia đánh giá rất cao. Metfone cũng được đánh giá là công ty có chính sách xã hội tốt nhất Campuchia đặc biệt trong mùa dịch và được ca ngợi trên The Khmer Times. Như vậy, với sự phát triển của Metfone, chiếc cầu nối phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam và Campuchia ngày càng vững chắc.

Thu Hà

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục