“Thiếu điện đã đau đầu với Tập đoàn, thừa điện còn mệt mỏi hơn. Các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời thường xuyên nhắn tin cho tôi để phàn nàn. Cứ vận hành như thế thì làm sao họ có đủ tiền để trả ngân hàng?”. Đó là chia sẻ của ông Dương Quang Thành, Chủ tịch EVN về thực trạng phát triển điện mặt trời hiện nay.
Nhà máy to “đo ván” vì áp mái
Chia sẻ của ông Dương Quang Thành không chỉ cho thấy nỗi bất an của các nhà đầu tư vào điện mặt trời, mà còn là sự nan giải trong vận hành, điều độ để đảm bảo an toàn, ổn định trong cấp điện khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng mạnh trong cơ cấu nguồn.
Theo công bố của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), công suất các nguồn điện hiện có trong hệ thống đã lên tới 69.000 MW. Trong đó, riêng công suất của điện mặt trời các loại là 16.500 MW, chiếm xấp xỉ 24%. Theo tính toán của EVN, với công suất 16.500 MW, khi bức xạ tốt có thể phát được tới 12.000 MW.
Ở một khía cạnh khác, sự bùng nổ của các dự án điện mặt trời áp mái nhà trong năm 2020, đặc biệt là trong tuần cuối cùng của năm, đã khiến tình trạng không huy động các nhà máy điện mặt trời lớn càng trở nên trầm trọng.
Số liệu của EVN cho thấy, trong 9.300 MW điện mặt trời áp mái được bổ sung vào hệ thống năm 2020, thì có tới 76% hệ thống có mức công suất quanh 1 MW - tức là không phải nhằm tới mục tiêu tự dùng cho các hoạt động của mình, mà là để bán điện lên lưới.
Việc phát ngược lên lưới của điện mặt trời áp mái nhà do không bị ràng buộc bởi điều độ, mà “có bao nhiêu, lên lưới bấy nhiêu” cũng dẫn tới tình trạng nhu cầu tiêu thụ điện nói chung giảm xuống, dẫn tới tiếp tục phải cắt giảm công suất của nhiều nhà máy điện trong hệ thống, nhất là các nhà máy điện mặt trời.
Đơn cử, ngày Chủ nhật vừa qua, hệ thống đã phải cắt giảm 3.200 MW điện mặt trời do nhu cầu tiêu thụ điện thấp.
Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho hay, trong năm 2020, cơ quan điều tiết phải giảm 365 triệu kWh điện mặt trời do quá tải lưới nội vùng, chủ yếu ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền Trung.
“Nửa cuối tháng 11/2020, do tăng trưởng nóng trang trại điện mặt trời và điện mặt trời áp mái, ngành điện phải thực hiện khoảng 20 lần cắt giảm số giờ do thừa nguồn, với tổng sản lượng cắt giảm là 35 triệu kWh. Ngày 27/12 là ngày có công suất cắt giảm lớn nhất”, ông Ninh cho hay.
Với thực tế công suất các nguồn năng lượng tái tạo có lúc tương đương với nhu cầu tiêu thụ điện vào trưa các ngày cuối tuần, nên để đảm bảo hệ thống điện toàn quốc được vận hành an toàn, ổn định, việc giảm huy động điện mặt trời và điện gió đã phải thực hiện.
An toàn hệ thống là trên hết
Trước thực tế nhu cầu tiêu thụ điện nói chung chưa có dấu hiệu tăng trưởng mạnh trở lại như năm 2019 trở về trước, vận hành hệ thống điện năm 2021 được cho là phải đối mặt với nhiều thách thức.
Câu khẩu quyết “vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định” đang trở thành mục tiêu số 1 để sắp xếp huy động các nguồn điện. Ông Nguyễn Đức Ninh cho hay, trong năm 2021 sẽ phải cắt giảm 1,3 tỷ kWh điện ở khối năng lượng tái tạo, trong đó có 500 triệu kWh là do thừa nguồn, thấp điểm trưa và quá tải vận hành đường dây 500 kV.
Mặc dù con số 1,3 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo bị cắt này nếu so trong tổng sản lượng điện thương phẩm 228,156 tỷ kWh của năm 2021 là rất nhỏ, nhưng cũng khiến nhiều nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió phải tiếp tục đau đầu.
Theo ông Ninh, vào dịp Tết Nguyên đán 2021 sắp tới, dự báo nhu cầu tiêu thụ điện lúc thấp nhất trong ngày chỉ còn 16.000 - 17.000 MW, tương đương với công suất của năng lượng tái tạo hiện có trong hệ thống.
Tuy nhiên, con số trên chưa kể tới 2.900 MW thủy điện nhỏ cũng đang phát và được thế giới coi là năng lượng tái tạo.
Cũng với thực tế công suất của điện mặt trời áp mái sẽ được phát rất lớn, nên hệ thống sẽ phải cắt giảm 65-100% công suất các nhà máy nối vào lưới điện 110 kV trở lên. Nghĩa là, không chỉ các nhà máy điện mặt trời, điện gió mệt mỏi vì không được phát điện, mà nhiều nhà máy điện khác có giá bán điện cao cũng dự kiến không được huy động nhiều, như Nhiệt điện khí Nhơn Trạch 1 (450 MW).
Chia sẻ thực tế “thiếu điện đã đau đầu, thừa điện còn mệt mỏi hơn”, ông Dương Quang Thành cho hay, trước đây, vận hành hệ thống điện an toàn trong điều kiện thiếu thì theo kiểu khác, giờ vận hành an toàn trong điều kiện thừa cung lại đòi hỏi khác.
Nói về việc một số nhà đầu tư lớn tham gia năng lượng tái tạo đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương “ưu tiên điều độ khai thác toàn bộ công suất điện mặt trời để thoát khỏi khó khăn về tài chính trong việc chi trả tiền gốc, lãi vay cho ngân hàng theo phương án tài chính đã được phê duyệt”, một lãnh đạo Bộ Công thương đã cho phóng viên Báo Đầu tư hay: “Việc điều hành hệ thống là thẩm quyền của A0, không ai can thiệp được. Nhà máy nào cũng phải chấp hành theo quy trình điều độ. Kêu ca cũng phải chấp hành, vì đó là quy định”.
Dẫu vậy, Giám đốc A0 cũng kiến nghị điều chỉnh giờ phát của các thủy điện nhỏ, đặc biệt là ở khu vực miền Trung, sang khung giờ khác, tránh thời gian từ 11h00 đến 13h00, vốn là thời gian bức xạ mặt trời tốt nhất trong ngày. Đồng thời, phân bổ lại công suất phát của điện mặt trời áp mái khi tỷ trọng của điện mặt trời áp mái so với nhà máy điện mặt trời lớn đã xấp xỉ 90%.
Là người giúp Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo ngành điện, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần xây dựng tiêu chí phát triển điện mặt trời áp mái. “Thời gian qua, có tình trạng lúng túng dẫn đến phát triển điện mặt trời áp mái theo phong trào, nên cần xem xét, hạn chế, để phát triển theo tiêu chí rõ ràng, không để tình trạng trục lợi chính sách”, ông Dũng nói.
Tại một số tỉnh, công suất điện mặt trời mái nhà đã vượt quá công suất tiêu thụ điện trên địa bàn. Chẳng hạn, tại Bình Phước, công suất tiêu thụ là 419 MW, nhưng có tới 519 MW điện mặt trời áp mái nhà. Tại Ninh Thuận, các con số tương ứng là 111 MW và 360 MW, chưa kể hơn 2.000 MW điện mặt trời quy mô lớn. Tại Đắk Lắk, các con số này là 398 MW và 653 MW. Tại Gia Lai là 296 MW và 608 MW; tại Đắc Nông là 137 MW và 392 MW...