“Méo mặt” vì kinh doanh nhà cho thuê

(ĐTCK) Lượng khách trả phòng nhiều, trong khi chủ nhà không giảm giá tiền thuê khiến không ít nhà đầu tư kinh doanh nhà cho thuê phải “méo mặt”.
“Méo mặt” vì kinh doanh nhà cho thuê

Từ Hải Dương vào TP.HCM lập nghiệp với nghề môi giới bất động sản, sau hơn 2 năm rong ruổi khắp các dự án trên địa bàn thành phố, chị Thảo cũng đã tiết kiệm được khoảng hơn 100 triệu đồng. Từ số vốn đó, chị bắt đầu tìm hiểu về mô hình thuê nhà rồi cho thuê lại.

Ban đầu, chị tìm kiếm những nhà nguyên căn với giá từ 20 - 25 triệu đồng/căn tại các quận vùng ven như Gò Vấp, Phú Nhuận, Thủ Đức… để thuê. Sau đó, thỏa thuận với chủ nhà để cơi nới, sửa sang lại, phân thành từng phòng nhỏ, mua sắm trang bị đầy đủ rồi cho thuê lại.

Khách hàng của chị chủ yếu là các cặp vợ chồng trẻ, hoặc sinh viên mới ra trường, hoặc những người đang đi làm ở gần đó, với mức giá thuê từ 5 - 8 triệu đồng/phòng/tháng tùy vào vị trí và diện tích của từng phòng.

“Một căn nhà thường sẽ được chia làm 5 - 6 phòng, nếu nhà cao tầng thì sẽ chia được nhiều hơn. Sau khi trả tiền chủ nhà và các khoản chi phí khác, mỗi tháng tôi cũng để ra được hơn 10 triệu đồng”, chị Thảo nói.

Việc kinh doanh cứ thế đi lên như diều gặp gió, rồi chị bắt đầu mở rộng hệ thống phòng cho thuê của mình vào các quận trung tâm như quận 3, quận 2, quận 10… Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi kể từ đầu năm 2020.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, công việc bị đình trệ, nguồn thu chính cũng bị sụt giảm vì không bán được hàng, khách thuê cũng liên tục trả phòng. Cao điểm là vừa qua, một chủ nhà bên quận 10 đã khóa cửa nhà, không cho thuê nữa vì chị đã vi phạm hợp đồng, đóng trễ tiền nhà quá 7 ngày. Không những thế, chủ nhà này cũng tuyên bố sẽ không trả lại số tiền 50 triệu đồng mà chị đã đặt cọc trước đó.

“Tôi ký hợp đồng thuê nhà với chủ nhà có thời hạn là 2 năm, tiền thuê mỗi tháng là 22 triệu đồng, tiền đặt cọc là 50 triệu đồng. Theo đúng hợp đồng, khi hết hạn hợp đồng, trả nhà thì tôi sẽ nhận lại số tiền cọc. Tuy nhiên, chỉ vì chậm thanh toán mấy ngày mà chủ nhà lấy lại nhà và không trả lại tiền cọc”, chị Thảo nói.

Cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ông Toàn, một nhà đầu tư có phòng cho thuê tại quận 3 cho biết, khách thuê phòng của ông chủ yếu là nhân viên văn phòng và sinh viên, nhưng nay phần lớn đều đã về quê vì chưa phải đi học và không phải đi làm. Một số xin nợ tiền nhà hoặc giảm để cân đối cuộc sống. Theo đó, doanh thu từ những phòng trọ này mỗi tháng cũng bị sụt giảm đáng kể. Trong khi, mỗi tháng ông vẫn phải trả khoản nợ vay ngân hàng kéo dài đến năm 2030 mới hết.

“Trước đây, tiền khách thuê trọ hàng tháng đủ để trả lãi ngân hàng nhưng từ tháng 2 trở lại đây tôi phải chạy vạy xoay tiền trả nợ”, ông Toàn nói và cho biết thêm, trong thời điểm hiện tại, mình vẫn có việc làm, vẫn có nguồn thu là tốt rồi.

Phải thừa nhận rằng, dịch Covid-19 đã tác động rất mạnh đến hoạt động kinh doanh của nhiều ngành nghề và mảng đầu tư kinh doanh bất động sản cho thuê cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Từ đầu năm 2020 cho đến nay, doanh số cho thuê hàng tháng bị sụt giảm khoảng 50%, nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, thì người kinh doanh mảng này có thể thất thu đến 70 - 80%.

Anh Quang, một nhà đầu tư cho thuê căn hộ tại quận 2 lại dở khóc dở cười với vị “thượng đế” ngoại quốc của mình. Nguyên do bởi, sau khi ở được một thời gian, khách hàng này không đóng tiền nhà, tiền điện nước, mà lại phá hoại nhiều tài sản khác.

Theo anh Quang, cuối tháng 10/2018, anh ký hợp đồng cho thuê căn hộ với một vị khách nước ngoài, thời gian là 2 năm, giá thuê mỗi tháng là 15 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Âm lịch thì không thấy vị khách này quay lại nữa, tiền nhà mấy tháng cũng không thấy chuyển khoản qua thẻ, gọi điện cũng không liên lạc được.

Lúc này anh mới gọi thợ vào mở khóa thì thấy mọi thứ trong phòng đều bị hư hỏng và nằm tứ tung như máy lạnh bị tháo tung tóe, đồ đạc vứt ngổn ngang trong nhà, đường ống thoát nước thì bị tắc… khiến anh không khỏi ngỡ ngàng.

“Mặc dù tiền cọc mình vẫn cầm, nhưng với những hỏng hóc như thế thì việc sửa lại cũng chưa chắc đã đủ. Thậm chí, còn rất mất công và mất thời gian. Bởi đặc thù của chung cư không giống như nhà phố hay nhà dưới đất. Phải sửa chữa vào giờ mọi người đi làm, tránh ngày cuối tuần…”, anh Quang nói và cho biết thêm, tưởng rằng kênh đầu tư này là chắc chắn và an toàn, nhưng khi bắt tay vào việc thì mới thấy không hề dễ dàng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dũng ​
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục