Mệnh giá cổ phiếu: Đã đến lúc phải thay đổi

(ĐTCK) Phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá từ lâu đã là chủ đề nóng, tạo nhiều tranh luận giữa các bên tham gia thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá chỉ là một hiện tượng, mà bản chất vấn đề đến từ khái niệm và quy định về mệnh giá đã lỗi thời. 
Nhiều quốc gia nhìn nhận, quy định về mệnh giá hay phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá đã lỗi thời, không chứng tỏ được tác dụng, nên chuyển sang cơ chế phi mệnh giá bắt buộc, hoặc để cho doanh nghiệp lựa chọn giữa các cơ chế. Nhiều quốc gia nhìn nhận, quy định về mệnh giá hay phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá đã lỗi thời, không chứng tỏ được tác dụng, nên chuyển sang cơ chế phi mệnh giá bắt buộc, hoặc để cho doanh nghiệp lựa chọn giữa các cơ chế.

Vai trò của mệnh giá cổ phiếu

Khái niệm mệnh giá được quy định ban đầu hướng tới hai mục tiêu chính: bảo vệ người cho vay, chủ nợ và cổ đông của doanh nghiệp.

Đối với người cho vay, chủ nợ của doanh nghiệp, mệnh giá cổ phiếu sẽ giúp xác định nguồn vốn cơ bản của doanh nghiệp mà Việt Nam gọi là vốn điều lệ. Về mặt lý thuyết, vốn điều lệ là nguồn vốn “cứng”, không được hoàn lại cho cổ đông (trừ khi được sự đồng ý của tòa án), do đó phản ánh trách nhiệm của cổ đông đối với chủ nợ.

Trong trường hợp doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản, nguồn vốn này sẽ được sử dụng trước hết để chi trả cho các khoản vay của doanh nghiệp. Người cho vay nhìn vốn điều lệ như một “tấm đệm” an toàn đối với các khoản đầu tư.

Mệnh giá cũng giúp bảo vệ cổ đông hiện hữu qua việc ngăn cản công ty phát hành cổ phần dưới mệnh giá nhằm pha loãng cổ phiếu. Bất kỳ hành động phát hành thêm cổ phần nào cũng đều khiến cổ phiếu của công ty bị pha loãng.

Ông Nguyễn Việt Tùng,  Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương

Tuy nhiên, phát hành dưới mệnh giá sẽ có “tác động kép”: không những làm tăng số cổ phần phát hành, cổ đông mới sẽ chỉ phải trả số tiền ít hơn để mua cùng một lượng cổ phần so với cổ đông hiện hữu.

Ở một số quốc gia, công ty phải chịu trách nhiệm trước cổ đông nếu để giá cổ phiếu xuống dưới mệnh giá (quy định này khiến doanh nghiệp thường phát hành cổ phần với mệnh giá rất thấp).

Lưu ý, các vai trò nói trên của mệnh giá giờ đây chỉ tồn tại trên lý thuyết, hoặc bị mất tác dụng do sự phát triển của luật doanh nghiệp hiện đại.

Có thể thấy rõ vai trò bảo vệ chủ nợ của mệnh giá đã bị mai một khi luật doanh nghiệp cho phép công ty được giảm vốn điều lệ thông qua mua lại cổ phần.

Các quy định về trách nhiệm của cổ đông trước chủ nợ nếu mua cổ phiếu dưới mệnh giá hay trách nhiệm của công ty với cổ đông đều không tồn tại trong pháp luật Việt Nam.

Điểm Hạn chế của quy định mệnh giá

Không phát huy được vai trò của mình, quy định về mệnh giá ngược lại phát sinh rất nhiều hạn chế, có thể nêu ra hai hạn chế tiêu biểu dưới đây.

Thứ nhất, vốn điều lệ được tính dựa vào mệnh giá chỉ có ý nghĩa tại thời điểm thành lập doanh nghiệp, giúp xác định rõ trách nhiệm góp vốn của cổ đông đối với công ty. Sau thời điểm thành lập, mệnh giá cổ phiếu hiếm khi phản ánh đúng giá trị thật, giá trị thị trường.

Vốn điều lệ được tính dựa trên mệnh giá trở nên vô nghĩa, không phản ánh được giá trị thật nguồn vốn của công ty.

Với việc không phản ánh được giá trị thị trường, sẽ là rất nguy hiểm nếu các nhà đầu tư không chuyên dựa vào vốn điều lệ để thực hiện quyết định cho vay, hoặc coi đó như một tấm đệm an toàn. Điều này đúng với cả cơ quan quản lý nhà nước nếu dựa vào các chỉ số này để ban hành quy định khác.

Thứ hai, quy định mệnh giá hạn chế sự linh động về tài chính của doanh nghiệp. Ở các nước có quy định về mệnh giá, để phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, công ty thông thường phải xin quyết định của tòa án.

Quy định này để bảo vệ cổ đông hiện hữu như đã nói ở trên. Tuy nhiên, khi mệnh giá không phản ánh được giá thị trường của cổ phiếu, ngay cả khi doanh nghiệp phát hành cổ phiếu trên mệnh giá mà dưới giá thị trường cũng sẽ gây thiệt hại cho cổ đông hiện hữu.

Ngược lại, nếu giá trị của cổ phiếu ở dưới mệnh giá, phát hành dưới mệnh giá theo giá thị trường sẽ không gây thiệt hại. Nhìn chung, mệnh giá không nên và không thể được sử dụng làm “mỏ neo” để xác định giá trị của doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, pháp luật hiện tại quy định mệnh giá như nhau đối với mọi cổ phiếu và doanh nghiệp. Như vậy, ngay từ đầu, mệnh giá đã không phản ánh giá trị của cổ phiếu. Mệnh giá chỉ có ý nghĩa để tính vốn điều lệ và bảo vệ chủ nợ.

Tuy nhiên, việc dựa vào vốn điều lệ tính bằng mệnh giá để đánh giá doanh nghiệp là rất rủi ro cho tất cả các bên.

Pháp luật Việt Nam không cho phép công ty phát hành dưới mệnh giá. Trong khi đó, việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá là một nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp, nhất là khi gặp phải khó khăn tài chính.

Nguồn vốn đến từ phát hành lúc đó cực kỳ quan trọng và bền vững hơn nhiều so với phát hành trái phiếu hay vay nợ - hai công cụ này có thể làm phức tạp hơn tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Xu hướng quy định của quốc tế

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã có một số quy định mang tính nguyên tắc cho phép doanh nghiệp được phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá. Quy trình, thủ tục cho việc phát hành sẽ được quy định ở các văn bản dưới luật (nghị định, thông tư).

Đây có thể coi là một bước tiến nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng so với thế giới, Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất xa.

Nhiều quốc gia nhìn nhận, quy định về mệnh giá hay phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá đã lỗi thời, không chứng tỏ được tác dụng, nên chuyển sang cơ chế phi mệnh giá bắt buộc, hoặc để cho doanh nghiệp lựa chọn giữa các cơ chế.

Bỉ và Luxembourg đã làm điều này ngay từ thế kỷ thứ 19; Mỹ và Canada sửa đổi vào đầu thế kỷ thứ 20; Đức, Áo, Úc, New Zealand cũng đã thay đổi quy định về mệnh giá. Ở châu Á, Hồng Kông bãi bỏ cơ chế mệnh giá vào năm 2014, theo sau là Singapore và Malaysia năm 2015.

Những lợi thế của cơ chế phi mệnh giá là rất rõ ràng: tăng sự linh động trong huy động vốn của doanh nghiệp, đơn giản hơn trong kế toán (không còn thặng dư cổ phần), phản ánh đúng và thật hơn nguồn vốn của công ty.

Cơ chế phi mệnh giá cũng loại bỏ những ảo tưởng về việc cổ đông và chủ nợ được bảo vệ bởi mệnh giá và vốn điều lệ, từ đó thúc đẩy họ thận trọng hơn và tìm kiếm những phương án khác để đánh giá doanh nghiệp, góp phần giúp môi trường đầu tư an toàn, lành mạnh hơn.

Tại Việt Nam, sửa đổi quy định về mệnh giá cần có sự thống nhất giữa Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán.

Luật Doanh nghiệp hiện không quy định về mệnh giá cổ phiếu (Luật Chứng khoán quy định về mệnh giá cổ phiếu là 10.000 đồng), nhưng có các quy định liên quan tới việc xác định vốn điều lệ của doanh nghiệp bằng mệnh giá.

Luật Doanh nghiệp có thể phát huy vai trò đi đầu về cải cách bằng việc sửa đổi quy định về vốn điều lệ không gắn với mệnh giá cổ phiếu; đồng thời thực hiện điều chỉnh các quy định có liên quan, tạo tiền đề cho việc thay đổi, đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển của doanh nghiệp, cũng như thị trường chứng khoán.

Nguyễn Việt Tùng
Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (Email: tungnguyen.ciem@gmail.com)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục