MBS: VN-Index hướng về vùng 1.280 - 1.320 điểm trong những tháng cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng, thị trường sẽ thiết lập vùng cân bằng mới ở khoảng 1.130 - 1.140 điểm trước khi hướng về mức 1.280 - 1.320 điểm trong những tháng cuối năm.
MBS: VN-Index hướng về vùng 1.280 - 1.320 điểm trong những tháng cuối năm

Theo MBS, dòng tiền đang có xu hướng đẩy mạnh vào thị trường trong hai tháng gần đây, giá trị giao dịch trên sàn HOSE trong tháng 7 và đầu tháng 8/2023 liên tục có nhiều phiên vượt ngưỡng 20.000 tỷ đồng. Tâm lý tích cực từ phía cả nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong nước và khối ngoại giúp chỉ số VN-Index vượt mốc tâm lý 1.200 điểm một cách thuyết phục.

Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật đà tăng ngắn hạn của VN-Index chính thức kết thúc vào phiên 18/8/2023 - ngày chỉ số VN-Index giảm mạnh hơn 55 điểm (-4,5%), khối lượng giao dịch đạt gần 1,65 tỷ cổ phiếu, đây là cột mốc đánh dấu số cổ phiếu giao dịch lớn nhất trong một phiên kể từ ngày thành lập sàn HOSE. Giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE đạt 34.858 tỷ đồng (xấp xỉ 1,5 tỷ USD).

Các chuyên gia kỳ vọng thị trường sẽ thiết lập vùng cân bằng mới ở khoảng 1.130 - 1.140 điểm trước khi hướng về mức 1.280 - 1.320 trong những tháng cuối năm.

Các yếu tố hỗ trợ thị trường vẫn còn

Thực tế, các chuyên gia MBS nhận thấy các yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường vẫn còn đó. Ở bối cảnh thế giới, lãi suất toàn cầu có thể đã tạo đỉnh vào quý II vừa qua. Lãi suất ở Mỹ hay khu vực châu Âu đang được kỳ vọng đạt đỉnh và sẽ dần hạ nhiệt bắt đầu từ năm 2024. Động thái cắt giảm lãi suất nhằm nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế đã diễn ra tại một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Chile, Việt Nam. Trong khi đó, các nước như Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines cũng sẽ dự kiến cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2023.

Ở trong nước, chính sách điều hành theo hướng nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước và các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ bao gồm: tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế giá trị gia tăng kích thích tiêu dùng nội địa, nỗ lực tháo gỡ những điểm nghẽn trên thị trường vốn, và giải quyết các vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản đã hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng tích cực trong thời gian qua.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, VN-Index ghi nhận mức tăng xấp xỉ 26%, là một trong số các thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất ở châu Á. MBS kỳ vọng đây vẫn là những yếu tố tiếp tục dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.

Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết giảm 20,6% so với cùng kỳ trong quý II/2023, thấp hơn so với mức giảm 26,3% ghi nhận ở quý I/2023. MBS nhận định sức khỏe của các doanh nghiệp niêm yết sẽ cải thiện hơn trong hai quý cuối năm dựa trên mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, cũng như các yếu tố vĩ mô như: xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục, chi phí lãi vay thấp.

“Trên ước tính cơ sở lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng 10% trong năm 2023 và định giá P/E thị trường trong khoảng 14 - 14,5 lần, chúng tôi dự báo VN-Index hướng về vùng 1.280 - 1.320 điểm trong năm 2023”, nhóm phân tích dự báo.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cần theo dõi sát sao những yếu tố rủi ro tác động đến thị trường chứng khoán bao gồm: chênh lệch lãi suất giữa VND và USD có thể tạo nên áp lực về tỷ giá và dòng vốn khi xu hướng Chính sách tiền tệ của Việt Nam trong giai đoạn này đang khác biệt so với nhiều nước khác.

Ngoài ra, nhiều dự báo nghiêng về xác suất FED sẽ ngừng tăng lãi suất trong những tháng cuối năm, song xu hướng thắt chặt vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt rõ ràng trong bối cảnh chỉ số lạm phát của Mỹ tăng nhẹ trở lại 3,2% trong tháng 7. Vì vậy chính sách điều hành của FED vẫn là một chỉ báo nhà đầu tư cần theo dõi trong những tháng cuối năm.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục