Với MB, đây là năm cuối của việc triển khai kế hoạch 5 năm, 2011-2015, nên MB quyết tâm mạnh mẽ hoàn thành các sáng kiến chiến lược. Với phương châm “tái cơ cấu, phát triển bền vững”, MB kiên định với mục tiêu TOP 5 ngân hàng thương mại Việt Nam, tạo động lực phát triển mới cho Ngân hàng giai đoạn 5 năm kế tiếp.
MBB: hiệu quả dẫn đầu
Không có quy mô vốn lớn như 3 ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối đang niêm yết là VCB, CTG, BID, nhưng MBB lại nổi trội hơn ở chỉ tiêu hiệu quả sinh lời trên mỗi đồng vốn khi so với 3 ngân hàng này và nhìn rộng ra, so với 8 ngân hàng đang niêm yết trên TTCK. Năm 2013, chỉ tiêu lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) của MBB đứng đầu khối ngân hàng Việt Nam với 15%, cao hơn đáng kể so với vị trí kế tiếp là STB với 13%. Cũng trong năm này, chỉ số lợi nhuận/tổng tài sản (ROA) của MBB đạt 1,28%, đứng thứ hai sau STB là 1,38% và cao hơn nhiều so với BID, EIB, ACB và cả VCB, khi khối ngân hàng này chỉ đạt tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản dưới 1%.
Năm 2014, MBB vượt qua chính mình, giữ vị trí dẫn đầu về chỉ tiệu hiệu quả sinh lời trên vốn trong khối 8 ngân hàng niêm yết - những ngân hàng được đánh giá là minh bạch và hoạt động hiệu quả nhất ngành. Cụ thể, năm 2014, ROE của MBB 15,8%, cao nhất ngành ngân hàng, trong khi vị trí thứ hai không còn là STB mà của BID với 14,871%. Chỉ tiêu ROA, MBB cũng dẫn đầu toàn khối, với 1,3%, trong khi vị trí thứ hai thuộc về STB với 1,162%.
Trong báo cáo phân tích mới đây về cổ phiếu ngân hàng, CTCK VPBS đã vẽ lại biểu đồ nợ xấu của MBB với mức 2,45% của năm 2013; 2,72% của quý I/2014, tăng lên 3,06% vào quý II/2014 và giảm về 2,73% vào quý III cùng năm… Theo VPBS, MBB là một trong 3 ngân hàng đã phân loại nợ xấu theo Điều 7 (phân loại định tính) của Quyết định 493 về phân loại các khoản cho vay từ năm 2007 của Ngân hàng Nhà nước. Phương pháp này được cho là chặt chẽ và khá sát so với tiêu chuẩn Basel II và Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước, là lý do các chuyên gia VPBS nhận định trong báo cáo rằng: “Chúng tôi thấy tin tưởng con số nợ xấu MBB báo cáo so với nhiều ngân hàng khác trong ngành”.
Cũng theo các chuyên gia VPBS, nợ xấu của MBB có thể sẽ tăng nhẹ năm 2015, nhưng sẽ giảm dần từ năm 2016, do chiến lược quản trị hiệu quả mà Ngân hàng đang áp dụng.
Ở một góc nhìn khác, phân tích sâu hiện trạng tài chính của MBB hồi cuối năm 2014, Công ty Chứng khoán Bản Việt dự báo hiệu quả hoạt động của MBB thể hiện qua tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, sẽ đạt đến 16,8% vào năm 2015, rồi giảm nhẹ xuống 15,2% vào năm 2016 để tăng lên 17,5% vào năm 2017… Sở dĩ tỷ suất này có sự dao động tăng giảm đan xen qua từng năm, hoặc từng thời kỳ, phụ thuộc vào diễn biến chung của nền kinh tế và mục tiêu hoạt động của Ngân hàng trong từng giai đoạn, trong mục tiêu chiến lược tổng thể mà Ban lãnh đạo Ngân hàng đặt ra.
Theo đánh giá của CTCK Bản Việt, giá cổ phiếu MBB hiện khá rẻ. Định giá cổ phiếu này theo nhiều phương pháp khác nhau cho thấy, giá trị hợp lý của cổ phiếu MBB trong khoảng 14.800 - 15.300 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, trên một TTCK non trẻ và chưa hoàn thiện như Việt Nam, giá cổ phiếu biến động vì nhiều nguyên nhân và giá trị thực của mỗi DN không phải lúc nào cũng được định giá đúng.
Tăng vốn - cần sự ủng hộ của cổ đông
Năm 2014, mặc dù về tổng thể, MB hoàn thành mục tiêu kinh doanh, hoàn thiện thể chế, tổ chức, kinh doanh an tòan, bảo toàn và phát triển vốn, chia cổ tức cho cổ đông như kế hoạch, nhưng vẫn còn một số nội dung công việc chưa đạt tiến độ đề ra.
Trong tài liệu gửi các cổ đông trước thềm Đại hội, HĐQT Ngân hàng thẳng thắn thừa nhận, một số nội dung công việc đã được Đại hội đồng cổ đông năm 2014 quyết nghị, nhưng chưa đạt được tiến độ đề ra do vướng những vấn đề về pháp lý, như việc triển khai thủ tục tăng vốn điều lệ cho cổ đông chiến lược trong và ngoài nước, việc đưa CTCP Bảo hiểm Quân đội trở thành công ty con của MB.
Bên cạnh đó, việc triển khai đề án kênh liên kết với Viettel và các sáng kiến chiến lược cũng cần đẩy mạnh hơn nữa. Báo cáo cũng khẳng định, HĐQT MB sẽ quyết liệt chỉ đạo các vấn đề trên năm 2015, với mong muốn tiếp tục được sự ủng hộ của cơ quan quản lý nhà nước cùng các cổ đông.
Trong kế hoạch năm 2015, MB tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng 1,5-2 lần tốc độ tăng trưởng bình quân ngành như kết quả đã đạt được trong 3 năm trước đó. Về vốn điều lệ, MB dự kiến sẽ tăng lên mức 16.000 tỷ đồng (từ mức 11.594 tỷ đồng hiện nay). Ngoài sự nỗ lực của toàn Ngân hàng, những mục tiêu lớn của MB, nhất là kế hoạch tăng vốn, sẽ thành hiện thực khi cổ đông ủng hộ và tiếp tục tin tưởng vào con đường dài MB đang bước tới.