Ở tuổi 20, mục tiêu xuyên suốt của MB là giữ vị trí vững chắc trong nhóm 5 ngân hàng hàng đầu Việt Nam, với tầm nhìn là trở thành một ngân hàng thuận tiện, trên cơ sở mô hình hoạt động là một tập đoàn tài chính đa năng, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và dần vươn ra thị trường quốc tế.
Năm 2014, bức tranh kinh tế thế giới có phần tươi sáng hơn, nhưng những biến cố chính trị xảy ra tại nhiều nước dường như trở nên thách thức và khó lường hơn. Tại Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ngành đang dành nhiều nỗ lực chèo lái con tàu kinh tế về đích kế hoạch 2014. Dự cảm của ông về nền kinh tế năm 2015 và 5 năm tới là như thế nào?
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ Việt Nam đã chủ động xây dựng các giải pháp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, giữ ổn định chính trị. Việt Nam đã không ngừng cải cách chính sách để phát triển kinh tế, trong đó chú trọng cải cách thể chế, chính sách để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài. Việt Nam đang tiếp tục cải cách để tạo niềm tin cho các NĐT và thị trường, qua đó kích hoạt tăng trưởng đầu tư.
Thực tế, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng tăng trưởng kinh tế Việt Nam cho thấy nhiều dấu hiệu hồi phục: tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 cao hơn năm 2013; năm 2013 cao hơn năm 2012. Sang năm 2015, năm cuối cùng trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2011-2015, kinh tế Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng sẽ khởi sắc, khi Chính phủ đặt kế hoạch tăng trưởng GDP dự kiến 6 - 6,2%, tạo thêm nhiều việc làm và các cán cân kinh tế lớn được giữ ở mức ổn định, an toàn. Khi nền kinh tế Việt Nam 2014 về đích như kế hoạch, bứt phá hơn trong năm 2015, sẽ là cơ sở để tạo đà phát triển bền vững hơn cho giai đoạn 5 năm tới. Trong 1 - 2 năm tới, ở một số lĩnh vực sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng có những lĩnh vực sẽ phát triển tốt hơn. Về dài hạn, với sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu, các chính sách điều hành kinh tế đúng đắn sẽ tạo điều kiện để kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Phó tổng giám đốc MB, ông Lê Hải (ngồi giữa) cùng lãnh đạo các DN lớn đối thoại với nhà đầu tư trong nước và quốc tế tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam,
tháng 6/2014
Trong bức tranh chung đó, ỏ tuổi 20, MB hướng đến mục tiêu phát triển cụ thể nào, thưa ông?
Năm 2014, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đi theo hướng bám sát với các diễn biến kinh tế vĩ mô, chủ động sử dụng các công cụ một cách linh hoạt nhằm mục tiêu ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra và hỗ trợ phát triển kinh tế theo các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm, HĐQT MB đã đặt ra mục tiêu cụ thể năm cho 2014 và xây dựng định hướng phát triển của Ngân hàng giai đoạn 2014-2019. Theo đó, năm 2014, MB đặt mục tiêu tổng quát là tiếp tục phát triển bền vững, nằm trong nhóm 5 ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam, nâng cao chất lượng hoạt động, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng đến khách hàng. Qua ba quý đầu năm nay, mặc dù cạnh tranh trên thị trường tài chính - ngân hàng hết sức phức tạp, tuy nhiên, MB đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu đề ra theo đúng phương châm “Tái cơ cấu, phát triển bền vững”. Trong đó, chú trọng chất lượng tín dụng, giữ nợ xấu dưới 3,5%, hướng đến hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 3.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2014-2019, chương trình tái cấu trúc ngành ngân hàng sẽ tiếp tục được triển khai theo hướng lành mạnh tình hình tài chính, nâng cao năng lực, giải quyết nợ xấu và minh bạch hóa hoạt động của các ngân hàng. Áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng tăng và việc đưa vào triển khai Hiệp ước Basel II tại Việt Nam sẽ là thách thức, nhưng cũng tạo điều kiện để các ngân hàng nâng cao trình độ quản trị, đáp ứng các thông lệ quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đối với MB, bước sang tuổi 20, giai đoạn 5 năm tới là hết sức quan trọng để MB khẳng định vị thế vững chắc của Ngân hàng trên thương trường. Mục tiêu xuyên suốt của MB là đứng vững chắc trong nhóm 5 ngân hàng hàng đầu Việt Nam, với định vị là một ngân hàng thuận tiện, trên cơ sở mô hình hoạt động là một tập đoàn tài chính đa năng, với trung tâm là hoạt động ngân hàng thương mại. MB phấn đấu vào cuối năm 2018 nâng tổng tài sản riêng Ngân hàng lên 320.000 tỷ đồng, hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 24.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt tối thiểu 5.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu hàng năm duy trì dưới mức 3%. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến cao hơn lãi suất huy động tiền gửi bình quân của MB khoảng 30%.
Như ông từng chia sẻ, tăng trưởng kinh doanh là một áp lực với lãnh đạo DN, nhưng làm thế nào để xây dựng sự bền vững gắn với quản lý toàn diện còn là áp lực lớn hơn. Trong 20 năm qua, MB đã trở thành một ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam, vậy trên con đường tương lai sắp tới, MB sẽ tập trung vào việc cốt lõi nào?
Nếu trả lời ngắn gọn thì tôi khẳng định, việc cốt lõi nhất là đào tạo con người, đào tạo đội ngũ MB có khát vọng, có phẩm chất đạo đức tốt, chuyên môn tốt, kỷ luật tốt để vững vàng đưa MB phát triển lên các nấc thang cao hơn. Nếu trả lời rộng hơn, giải pháp của MB nằm ở 5 điểm được đúc kết lại thành mục tiêu 5C: Chiến lược - Con người - Chất lượng - Công nghệ - Chính trị.
Trong đó, về chiến lược, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh triển khai các sáng kiến được nêu trong Chiến lược 2011-2015 nhằm hoàn thiện ba trụ cột, hai nền tảng, nâng cao hai năng lực cốt lõi. Với công tác tổ chức - quản trị, chú trọng đào tạo nhân sự, nâng cao chất lượng bộ máy quản trị, điều hành, tăng cường vai trò của HĐQT và Ban Kiểm soát. Về chất lượng, không ngừng hoàn thiện nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng độ hài lòng của khách hàng, tăng năng lực quản trị rủi ro, áp dụng triển khai Basel II theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Về công nghệ, nâng cao năng lực hạ tầng công nghệ thông tin, đáp ứng ở trình độ cao về quản lý và kinh doanh, hướng tới là ngân hàng hàng đầu về năng lực công nghệ thông tin. Về chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng và đội ngũ Đảng viên, xây dựng phong trào quần chúng vững mạnh, đơn vị vững mạnh, toàn diện, xây dựng văn hóa thực thi nhanh, hướng mạnh tới khách hàng, giữ gìn, phát triển thương hiệu Ngân hàng Quân đội.
Như tôi đã chia sẻ, mang thương hiệu Quân đội, người MB được rèn giũa để làm người có phẩm chất tốt, ý thức tốt, kỷ luật tốt, sau đó là cán bộ tốt. Trên nền tảng xây dựng văn hóa MB từ gốc con người như vậy, MB đã phát triển nhanh và bền vững trong 20 năm qua và tôi tin tưởng, MB sẽ tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
Trong định hướng trở thành một ngân hàng đầu tư tầm cỡ khu vực, ngoài việc đặt mục tiêu và chọn con đường cho MB, ông định hình mục tiêu sự phát triển của các công ty thành viên MB là như thế nào?
Hiện MB có 5 công ty thành viên là MBS, MB Capital, MBAMC, MB Land và MIC với hoạt động ngày càng tiến bộ. Các công ty này, ngoài thực thi tốt nhiệm vụ kinh doanh hàng năm theo hướng vừa độc lập, vừa bổ trợ cho ngân hàng mẹ để tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ tài chính hiện đại, khép kín, mang lại sự thuận lợi tối đa cho khách hàng, còn phải hướng đến mục tiêu cao hơn là nằm trong nhóm đầu của từng lĩnh vực hoạt động. Với sự sáng tạo trong kinh doanh, sự nỗ lực của đội ngũ nhân sự, sự hợp sức của Ngân hàng, tôi tin rằng, trong giai đoạn 5 năm tới, sự phát triển của các công ty thành viên MB sẽ hoàn thành các định hướng chiến lược theo mô hình tập đoàn đã phân công đến từng đơn vị thành viên, để đóng góp nhiều hơn vào kết quả chung của MB và đặc biệt, Tập đoàn MB đủ sức cạnh tranh trong khu vực và trên trường quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Bình,
Trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, Ngân hàng TMCP Quân đội đã phát triển trở thành một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam, khẳng định được vị thế và thương hiệu Ngân hàng trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tôi nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những thành tích và nỗ lực của Ngân hàng TMCP Quân đội đã đạt được trong thời gian qua. Tôi tin tưởng rằng, tập thể cán bộ nhân viên Ngân hàng TMCP Quân đội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, đổi mới, nỗ lực hơn nữa để xây dựng Ngân hàng ngày càng lớn mạnh, hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần xây dựng hệ thống ngân hàng Việt Nam vững mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. (Trích thư chúc mừng MB của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) |
TS. Marc Faber,
Tôi nhìn thấy vấn đề của phương Tây hiện nay là nợ quá mức, lãi suất thấp một cách giả tạo, thiếu tiết kiệm, nghĩa vụ nợ chưa có nguồn thanh toán, yếu tố nhân khẩu học kém, tiền lương thực tế giảm và mức sống giảm, thực phẩm biến đổi gen, nền dân chủ trục trặc và “quá nhiều can thiệp của chính phủ”.
Vấn đề của các nền kinh tế mới nổi là nợ tăng quá mức trong mấy năm gần đây, kinh tế phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng chậm lại, đói nghèo và vấn đề giáo dục, thiếu nước sinh hoạt, sự can thiệp của quyền lực bên ngoài, chủ nghĩa dân tộc gia tăng. Vấn đề toàn cầu là căng thẳng địa chính trị và đấu tranh xã hội gia tăng, bất công bằng về của cải và thu nhập tăng, các vấn đề tiềm ẩn về chăm sóc sức khoẻ (đại dịch, “siêu vi”) và thiếu lương thực, các thị trường tài sản bị thổi phồng và kinh tế bong bóng. Tại Việt Nam, tôi thấy các yếu tố cơ bản của nền kinh tế và giá trị cổ phiếu Việt Nam đang rất tốt. Giá cổ phiếu đang ở mức thấp và triển vọng kinh tế Việt Nam về tổng thể rất tốt. Tại TTCK Việt Nam, tôi rất thích hai DN là Ngân hàng TMCP Quân đội và CTCP Sữa Việt Nam, vì sự phát triển ổn định và khả năng tăng trưởng vững vàng, ngay cả trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tôi tin rằng, triển vọng kinh tế Việt Nam trong 10 năm tới là rất tốt, những DN lành mạnh sẽ tiếp tục phát triển và xứng đáng là điểm đến cho các dòng vốn đầu tư. (Trích chia sẻ của TS. Marc Faber nhân sự kiện Diễn đàn Đầu tư Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ, Báo Đầu tư và HVS tổ chức tháng 6/2014) |