Khoảnh khắc tàu ngầm Nga phóng liên tiếp 4 quả Bulava. Video: Bộ Quốc phòng Nga.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 24/5 công bố video vụ phóng thử loạt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RSM-56 Bulava của tàu ngầm hạt nhân chiến lược Yuri Dolgoruky thuộc Đề án 955 "Borei". Đây là lần đầu tiên một tàu ngầm lớp Borei thực hiện phóng liên tiếp 4 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Quân đội Nga cho biết cuộc thử nghiệm được tiến hành trên Biển Trắng và cả 4 quả đạn đều đánh trúng mục tiêu ở bãi thử Kura trên bán đảo Kamchatka. Đây không chỉ là thành công về mặt chiến thuật của quân đội Nga, mà còn là bước ngoặt mới trong ngành công nghiệp quốc phòng nước này, theo Sputnik.
Tướng Vladimir Dvorkin, cựu giám đốc Viện nghiên cứu trung ương số 4 của quân đội Nga, khẳng định vụ phóng liên tiếp 4 quả Bulava là cột mốc quan trọng với dự án tên lửa đạn đạo này.
"Bản thân việc bắn 4 quả SLBM liên tiếp không phải mới, tàu ngầm Liên Xô từng phóng tới 16 tên lửa đạn đạo cùng lúc. Nhưng vụ phóng hôm 24/5 rất đáng chú ý với dòng Bulava, vốn gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn phát triển, cho thấy dự án này đã vượt qua các vấn đề trong quá khứ", tướng Dvorkin khẳng định.
Khởi đầu gian nan
Quá trình phát triển tên lửa Bulava được Viện Kỹ thuật Nhiệt Moskva khởi động vào năm 1998, giai đoạn ngành công nghiệp quốc phòng Nga trong tình trạng tồi tệ nhất kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Mục tiêu của Nga là chế tạo mẫu tên lửa đạn đạo dùng nhiên liệu rắn, có thể triển khai từ các bệ phóng trên mặt đất lẫn tàu ngầm, nhằm tiết kiệm chi phí nghiên cứu và vận hành.
Sau vụ phóng đầu tiên trên mặt đất vào tháng 9/2005, tên lửa Bulava được phóng thử từ dưới nước sau đó ba tháng, với hai lần phóng thử đều thành công. Tuy nhiên, những đợt thử nghiệm trong giai đoạn 2006-2009 liên tiếp gặp thất bại do lỗi phần mềm điều khiển, tên lửa bay chệch hướng và tự hủy, cũng như sự kém ổn định ở tầng đẩy thứ ba.
Nhà phân tích Nikolai Protopopov cho rằng vấn đề của những lần thất bại này không nằm ở thiết kế của quả đạn Bulava, mà thuộc về sự yếu kém của các công ty sản xuất linh kiện cho nó. Tổng công trình sư của dự án Bulava Yuri Solomonov cũng đồng quan điểm, tiết lộ các công ty Nga khi đó không thể sản xuất tới 50 linh kiện trên quả đạn, buộc các nhà thiết kế phải tìm giải pháp chắp vá và dẫn tới hàng loạt thất bại.
Điều này buộc quân đội Nga lùi thời điểm trang bị Bulava tới năm 2013, cùng lúc tàu ngầm Yury Dolgoruky, chiếc đầu tiên thuộc Đề án 955 "Borei" được biên chế. Điều này chậm hơn hẳn so với kế hoạch ban đầu, khi hải quân Nga muốn đóng ít nhất 8 chiếc Borei trước năm 2015.
Dấu hiệu khởi sắc
Sau đợt tái cơ cấu của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, những cuộc phóng thử trong giai đoạn 2010-2012 đều thành công và Bulava được đưa vào biên chế ngay trong năm 2013.
Việc đưa vào sử dụng loại tên lửa này nằm trong chiến dịch hiện đại hóa quy mô lớn của quân đội Nga, cùng lúc với việc cựu bộ trưởng quốc phòng Anatoly Serdyukov bị sa thải vì sử dụng ngân quỹ sai mục đích và được thay thế bởi tướng Sergei Shoigu.
Sau khi lên nắm quyền, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu hủy bỏ nhiều dự án tái cơ cấu của Serdyukov, thắt chặt quản lý ngân sách và quản lý chất lượng, cũng như xây dựng quan hệ tốt với lãnh đạo các tập đoàn quốc phòng. Điều này giúp cải thiện đáng kể chất lượng các vũ khí do Nga chế tạo, trong đó bao gồm cả tên lửa Bulava.
Tàu ngầm Vladimir Monomakh trong một chuyến tuần tra năm 2017. Ảnh: Sputnik.
Trong những năm sau đó, Nga tiếp tục biên chế hai tàu ngầm lớp Borei là Aleksandr Nevsky và Vladimir Monomakh. Moskva dự kiến đóng thêm 11 chiếc thuộc đề án 955A nâng cấp để trang bị cho Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội Phương Bắc, trước khi chuyển sang dự án tàu ngầm thế hệ 5 mang tên Husky. Tất cả đều sẽ được trang bị tên lửa Bulava khi đưa vào vận hành.
Bulava đã trở thành vũ khí chủ lực của lực lượng hạt nhân trên biển, một trong ba trụ cột răn đe chiến lược của Nga, giúp nước này duy trì sức cân bằng chiến lược với Mỹ trong ít nhất 30-40 năm tới.
Một tàu ngầm lớp Borei có thể mang tới 16 tên lửa Bulava có tầm bắn trên 8.000 km, mỗi quả đạn mang được 6-10 đầu đạn có khả năng cơ động cao với tổng sức nổ tương đương 1,5 triệu tấn thuốc nổ TNT, cho phép Nga duy trì sức răn đe mạnh mẽ trên toàn thế giới.