Mấu chốt là chất lượng hàng hóa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tổng lợi nhuận năm 2024 của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo tăng 13%, sau khi giảm 2% trong năm 2023. Mùa đại hội là dịp để nhà đầu tư lọc hàng hóa.
Ngân hàng và bất động sản chiếm khoảng 70% tổng lợi nhuận và hơn 40% vốn hóa toàn thị trường Ngân hàng và bất động sản chiếm khoảng 70% tổng lợi nhuận và hơn 40% vốn hóa toàn thị trường

Thị trường phụ thuộc vào 2 nhóm ngành truyền thống

Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho biết, năm 2023, tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE và HNX là hơn 490.000 tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2022. Trong đó, lợi nhuận ngành ngân hàng chiếm 53%, với hơn 255.300 tỷ đồng; ngành bất động sản (bao gồm bất động sản công nghiệp) chiếm 18%, với 86.900 tỷ đồng.

Năm 2024, VPBankS dự báo, tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp niêm yết có thể đạt hơn 555.200 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023. Trong đó, lợi nhuận ngành ngân hàng ước tính tăng 15%, chiếm tỷ trọng 53%; lợi nhuận ngành bất động sản ước tính tăng 7%, chiếm tỷ trọng 17%. Mức tăng trưởng lợi nhuận ước tính của nhóm dịch vụ tài chính là 12%, công nghệ thông tin là 15%, bán lẻ là 100%, dầu khí là 5%, tài nguyên cơ bản là 45%…

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, hiện tại, ngân hàng và bất động sản chiếm hơn 40% quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán, khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế cho rằng thị trường có rủi ro do phụ thuộc vào 2 nhóm ngành truyền thống. Để đạt được sự ổn định lâu dài và thu hút đầu tư bền vững, thị trường cần mở rộng sang các lĩnh vực mới như viễn thông và công nghệ, vốn được coi là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển kinh tế và ít rủi ro hơn.

Quan trọng vẫn là hàng hóa chất lượng

Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) là doanh nghiệp tiên phong niêm yết vào năm 2000, đến nay có sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng hoá ngành nghề kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản, toà nhà văn phòng cho thuê, năng lượng…

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị REE cho biết, bên cạnh vốn vay ngân hàng thì huy động vốn cổ phần thông qua thị trường chứng khoán là kênh quan trọng và hữu ích cho doanh nghiệp, phục vụ nhu cầu phát triển trong trung và dài hạn. Thông qua thị trường vốn, REE đã 8 lần phát hành cổ phiếu, huy động được 2.800 tỷ đồng.

Theo bà Mai Thanh, các công ty niêm yết là hàng hóa trên thị trường chứng khoán, hàng hóa đa dạng và chất lượng là mong mỏi của các nhà đầu tư, họ sẵn sàng bỏ thêm vốn cho mục tiêu này.

Thực tế, mua phải hàng hoá không tốt trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư đối diện với rủi ro mất vốn. Chẳng hạn, trong nửa đầu năm 2022, giá cổ phiếu FLC lao dốc do doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, đặc biệt Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC khi đó là ông Trịnh Văn Quyết (và nhiều người liên quan) bị truy tố về tội danh thao túng thị trường chứng khoán, sau đó bị khởi tố bổ sung để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc này khiến cổ phiếu FLC bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, rồi đình chỉ giao dịch và tới ngày 20/2/2023 hủy niêm yết bắt buộc. Đến cuối tháng 6/2023, các cổ phiếu liên quan gồm ROS, ART, AMD, KLF, GAB, HAI đều bị ngừng giao dịch hoặc hủy niêm yết/đăng ký giao dịch.

Gần đây, một số cổ phiếu bị HOSE ra quyết định huỷ niêm yết bắt buộc như cổ phiếu POM của Công ty cổ phần Thép Pomia, do doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp, cổ phiếu QBS của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình, do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2023 (QBS thua lỗ 2 năm gần nhất lần lượt 139 tỷ đồng và 22,1 tỷ đồng). Hai mã chứng khoán này bị hủy niêm yết kể từ ngày 10/5/2024, còn cổ phiếu APC của Công ty cổ phần Chiếu xạ An Phú và cổ phiếu SCD của Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương lần lượt bị hủy niêm yết kể từ ngày 29/4/2024 và 6/5/2024.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục