Cần gia tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc phát triển các sản phẩm mới sẽ góp phần hoàn thiện cấu trúc hàng hóa trên thị trường, từ đó thúc đẩy thanh khoản cũng như thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, nâng cao vai trò và vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cần gia tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường chứng khoán

Xu hướng tất yếu

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua hơn 23 năm hình thành và phát triển, với nhiều thành tựu đạt được cả về quy mô, chất lượng, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Các cơ quan quản lý nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia và thị trường chứng khoán hoạt động suôn sẻ. Các sản phẩm trên thị trường không ngừng được đa dạng hóa, nhằm thu hút nhà đầu tư, gia tăng tính thanh khoản. Qua đó, số lượng công ty niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ ngày càng tăng, số lượng nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng liên tục tăng.

Cho tới nay, số lượng doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch đạt hơn 1.700 doanh nghiệp trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM. Dù thanh khoản thị trường có những giai đoạn trồi sụt, nhưng các phiên giao dịch tỷ đô không còn quá xa lạ với nhà đầu tư. Dòng tiền đổ vào mạnh mẽ đã đưa quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu lên gần 6 triệu tỷ đồng.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco)

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco)

Thị trường chứng khoán phát triển là xu hướng tất yếu gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế. Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đang được triển khai quyết liệt. Trong đó, mục tiêu chung của đề án là cơ cấu lại toàn diện thị trường chứng khoán để trở thành một kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Đồng thời, xây dựng cơ cấu hợp lý và cân bằng giữa các thị trường, bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường cổ phiếu và trái phiếu, trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng số lượng sản phẩm, dịch vụ gắn liền với nâng cao chất lượng trên thị trường chứng khoán. Các sản phẩm mà đề án hướng tới bao gồm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, hợp đồng tương lai trên các chỉ số mới ngoài VN30, từng bước triển khai các sản phẩm quyền chọn, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu, bán khống cổ phiếu, giao dịch T+0.

Để gia tăng số lượng và chất lượng hàng hóa, yếu tố quan trọng là xây dựng hạ tầng về pháp lý và công nghệ, nhằm từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường như tỷ lệ sở hữu nước ngoài; tiếp cận thông tin, đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư; bù trừ và thanh toán.

Luật Chứng khoán 2019 đã góp phần thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát sinh và thông lệ quốc tế, chuẩn bị hành lang pháp lý cần thiết cho giai đoạn phát triển tới năm 2030.

Hệ thống KRX chuẩn bị được đưa vào vận hành sẽ giúp đáp ứng về mặt hạ tầng và công nghệ cho nhiều sản phẩm mới như bán khống cổ phiếu, giao dịch T+0, đồng thời xử lý được khối lượng giao dịch ngày càng lớn của thị trường.

Yếu tố quan trọng khác là nâng cao chất lượng và tính minh bạch của thông tin. Các doanh nghiệp cần cung cấp thông tin chi tiết, chính xác và minh bạch về hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính và triển vọng tương lai; áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về báo cáo tài chính và quản lý rủi ro để tăng tính so sánh và mức độ tin cậy cho thông tin công bố.

Nhiều lợi ích

Hệ thống KRX khi được đưa vào vận hành sẽ giúp đáp ứng về mặt hạ tầng và công nghệ cho nhiều sản phẩm mới.

Đa dạng hóa sản phẩm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả nhà đầu tư và thị trường chứng khoán. Với số lượng và chất lượng sản phẩm gia tăng, thanh khoản của thị trường sẽ ngày càng cải thiện, giúp nâng cao vị thế là kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế. Nhà đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn đầu tư, phù hợp với mức độ sinh lời kỳ vọng và khẩu vị rủi ro, đồng thời đa dạng hóa danh mục, phân tán rủi ro.

Việc có nhiều sản phẩm tài chính hấp dẫn sẽ thu hút đối tượng đầu tư rộng lớn hơn, bao gồm cả những người quan tâm đến đầu tư dài hạn, giao dịch ngắn hạn, hay các chiến lược đầu tư đặc biệt khác. Việc xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm trên thị trường chứng khoán sẽ khuyến khích sự đổi mới và cải thiện chất lượng các dịch vụ tài chính, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh và tích cực, qua đó toàn nền kinh tế và các nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi từ một thị trường chứng khoán phát triển. Cơ quan quản lý có thể tính đến việc quy hoạch lại các bộ chỉ số để xây dựng hệ thống chỉ báo nhất quán cho toàn thị trường.

Đối với thị trường chứng khoán phái sinh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các sở giao dịch chứng khoán nên đẩy mạnh triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số ngoài VN30, hay các sản phẩm phái sinh khác như hợp đồng quyền chọn, sản phẩm phái sinh trên cổ phiếu đơn lẻ, giúp nhà đầu tư có thêm công cụ phòng vệ rủi ro.

Giai đoạn vừa qua, thị trường chứng khoán đối mặt với không ít khó khăn đến từ các yếu tố cả trong và ngoài nước. Bên ngoài là áp lực lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ thắt chặt của các nước lớn và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu. Bên trong là các vụ việc về FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát..., cũng như áp lực dòng tiền từ trái phiếu doanh nghiệp khiến thị trường có diễn biến không thuận lợi. Điều này cũng phần nào khiến niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán suy giảm. Việc gia tăng hàng hóa chất lượng càng trở nên cần thiết để củng cố niềm tin cũng như đáp ứng xu thế phát triển của thị trường.

Đa dạng hóa sản phẩm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả nhà đầu tư và thị trường chứng khoán

Đa dạng hóa sản phẩm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả nhà đầu tư và thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán có nhiều dư địa phát triển

Kinh tế Việt Nam phát triển bền vững nên các doanh nghiệp trong nước ngày càng lớn mạnh. Việt Nam hiện nay là một nền kinh tế đang phát triển năng động, với tốc độ tăng trưởng hàng năm luôn trong nhóm dẫn đầu khu vực. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam nhờ các lợi thế cạnh tranh về chính sách, chi phí lao động.

Về dòng vốn đầu tư gián tiếp, trong nhiều thập kỷ qua, dòng vốn đầu tư toàn cầu có sự dịch chuyển từ kênh tiền gửi tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác như cổ phiếu, trái phiếu. Xu hướng này thể hiện rất rõ tại các quốc gia châu Á như Trung Quốc và Hàn Quốc khi tỷ lệ tiền mặt, tiền gửi trên tổng tài sản của người dân giảm từ mức 50% năm 2008 xuống dưới 40% hiện nay.

Tại các thị trường phát triển như Mỹ, tỷ lệ tiền mặt và tiền gửi chỉ chiếm 13% và hầu hết tài sản tập trung vào các tài sản tài chính. Ở Việt Nam, số tài khoản chứng khoán đang tăng nhanh, nhưng hiện mới đạt khoảng hơn 7% dân số, đây là tỷ lệ rất thấp so với các thị trường trong khu vực và trên thế giới. Tỷ lệ này ở Đài Loan (Trung Quốc) là 95%, Hàn Quốc là 76%, Mỹ là 56%, Trung Quốc là 13%. Điều này cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều dư địa thu hút nhà đầu tư và tăng trưởng trong dài hạn.

Trong khi đó, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi, qua đó giúp thu hút một lượng vốn đáng kể từ các quỹ đầu tư ngoại. Quá trình nâng hạng sẽ giúp cải thiện nhiều điều kiện về môi trường đầu tư, đưa thị trường chứng khoán phát triển cả về chất và lượng, tiến gần hơn tới các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, về lâu dài có lợi cho tất cả các nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp niêm yết. Việc nâng hạng cũng giúp tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy dòng vốn cả gián tiếp và trực tiếp đổ vào Việt Nam, khơi thông nguồn lực để phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả kinh doanh các doanh nghiệp.

Nguyễn Anh Khoa

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục