Mất tiền tỷ vì sập bẫy lừa đảo “giao dịch T+0”

(ĐTCK) Lợi dụng tâm lý nhiều nhà đầu tư muốn gỡ lỗ trên thị trường chứng khoán cơ sở, một số đối tượng lừa đảo đã dựng lên sàn giao dịch ảo, dụ dỗ họ “giao dịch T+0” với cam kết lãi suất hấp dẫn để chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
Pháp luật chứng khoán hiện hành quy định giao dịch T+3.

Tin vào lãi suất ảo, mất tiền thật

Báo Đầu tư Chứng khoán vừa nhận được đơn phản ánh của nhóm 11 nhà đầu tư về việc bị một số người dụ dỗ nạp tiền để “giao dịch T+0 trên ứng dụng Stock X”, sau đó lừa đảo chiếm đoạt.

Anh Văn Hùng (27 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trong khoảng thời gian từ tháng 4/2022 đến ngày 22/6/2022, anh và 10 nhà đầu tư đứng đơn đã nhận được tin nhắn và cuộc gọi từ số điện thoại 0866 210067 và một vài số khác. Những người này giới thiệu là nhân viên của Công ty Chứng khoán M, mời họ tham gia các buổi chia sẻ kiến thức đầu tư chứng khoán online vào 20h hàng ngày của một người mà họ gọi là “thầy Danny Nguyễn”.

“Ban đầu, chúng tôi không tham gia thì những người đó liên tục gọi điện chèo kéo. Sau đó, chúng tôi được nick Zalo “Thùy Linh Chăm sóc KH” và một số nick Zalo khác (cũng giới thiệu là nhân viên Công ty Chứng khoán M) add vào nhóm Zalo có tên “Room 31 – Cao cấp Danny” và nhóm Telegram có tên “Nhóm tiên phong”. Chúng tôi được nick Zalo “Giang Kiều Nguyễn”, “Diễm Phương” và “Triệu Hồng Vân” - giới thiệu là trợ lý của “thầy Danny Nguyễn” - hàng ngày hỏi han, chào mời đầu tư vào Quỹ đầu tư Fortune Haven Capital, có trụ sở chính tại Hàn Quốc và đăng ký tại phường 2, quận 3, TP.HCM, với cam kết lợi nhuận 600%”, anh Hùng thông tin.

Ngoài cam kết lợi nhuận 600%/năm, nhóm người trên còn đưa ra hàng loạt ưu đãi cho nhà đầu tư như được giao dịch T+0 (trong khi sàn chứng khoán cơ sở phải giao dịch T+3), được mua cổ phiếu thưởng giá rẻ, được mua cổ phiếu phát hành lần đầu khi quỹ đầu tư của họ chuẩn bị niêm yết.

“Họ yêu cầu chúng tôi cài đặt phần mềm Stock X, rồi cấp cho mỗi người một tài khoản và mật mã để tiến hành các giao dịch trên app đó. Nhà đầu tư được chọn đặt lệnh mua bán T+0, T+1, mua cổ phiếu thưởng ưu đãi, tỷ lệ margin được vay gấp 3, gấp 5, thậm chí gấp 10 lần vốn tự có. Điều khiến chúng tôi tin tưởng là, giao diện bảng điện tử của Stock X giống hệt các sàn chứng khoán niêm yết như HOSE, HNX và UPCoM với đầy đủ các mã chứng khoán niêm yết”, anh Hùng nói về lý do bị nhóm người này thuyết phục.

Tất cả 11 nhà đầu tư này đã lần lượt nộp tiền vào tài khoản ngân hàng cá nhân của 15 người mà họ không hề quen biết, chưa gặp ở ngoài đời thực, với tổng số tiền 14 tỷ đồng, trong đó riêng anh Hùng nộp 7 tỷ đồng. Chỉ trong một thời gian ngắn, tài khoản của những nhà đầu tư này đều báo lãi gấp đôi. Khi họ yêu cầu được rút tiền gốc và lãi thì nhóm người kia yêu cầu chuyển khoản tiếp 30% lợi nhuận để trả thù lao cho quỹ thì mới được rút. Đến lúc này, họ mới hiểu là mình bị lừa.

Chị Thuỳ Linh (30 tuổi, quận Hoàng Mai), một thành viên khác trong nhóm cho biết, chị đã tham gia thị trường chứng khoán cơ sở vài năm nay nên ban đầu cũng khá cảnh giác.

Chỉ trong một thời gian ngắn, tài khoản của những nhà đầu tư này đều báo lãi gấp đôi. Khi họ yêu cầu được rút tiền gốc và lãi thì nhóm người kia yêu cầu chuyển khoản tiếp 30% lợi nhuận để trả thù lao cho quỹ thì mới được rút. Đến lúc này, họ mới hiểu là mình bị lừa.

“Nhưng họ thuyết phục đầu tư thử 10 triệu đồng. Tôi nạp 10 triệu đồng để mua thử một mã xong bán luôn trong ngày, thấy lãi ngay gấp đôi. Lúc đó, nghĩ đến khoản lỗ 50% ở thị trường cơ sở, tôi ham gỡ lỗ nên đã quên mất sự cảnh giác ban đầu của mình và chuyển cho họ 2 tỷ đồng”, chị Linh kể.

Trong khi cung cấp thông tin cho người viết, cả anh Hùng, chị Linh đều khẩn khoản yêu cầu được giấu danh tính thật khi đưa lên báo. “Thua ở thị trường cơ sở, chúng tôi đã tuyệt vọng lắm rồi, giờ mà gia đình biết bị lừa tiền tiếp thế này chắc chỉ có tan cửa nát nhà”, họ nói.

Theo các nhà đầu tư này, sau khi lừa đảo trót lọt 14 tỷ đồng của họ, nhóm người kia đã xoá sạch dấu vết và hiện đang giới thiệu app khác để tiếp tục lừa đảo thêm nhiều người.

“Qua trao đổi với một số nhà đầu tư Stock X tại TP.HCM và một số nơi khác, tôi được biết đến giờ nhóm người kia đã lừa đảo được hàng trăm tỷ đồng. Tôi đã trình báo vụ việc này đến cơ quan cảnh sát điều tra”, anh Hùng nói.

Không nền tảng hợp pháp nào cho phép giao dịch T0!

Đem câu chuyện này tới ông Trần Nam Sơn, Giám đốc Khối Pháp chế, Công ty Chứng khoán An Bình, ông chia sẻ “cảm thấy khó hiểu”.

“Làm sao người ta lại có thể dễ dàng chuyển khoản số tiền lớn cho người lạ chỉ sau vài cú điện thoại, vài lời ngon ngọt trên mạng?”, ông Sơn đặt câu hỏi.

“Pháp luật sinh ra để bảo vệ sự ổn định của xã hội, nhưng mỗi nhà đầu tư trước tiên phải có trách nhiệm đối với tài sản của mình. Nhà đầu tư phải mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại những công ty chứng khoán được cấp phép hoạt động. Với những thông tin nghi ngờ, cần có sự xác minh làm rõ, kiểm tra chéo để nhận diện rủi ro”, ông Sơn nêu quan điểm.

Dưới góc độ pháp luật về chứng khoán, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, Luật Chứng khoán hiện hành quy định giao dịch chứng khoán cơ sở T+3, tức là ngày bên mua, bên bán nhận được cổ phiếu hoặc tiền là 3 ngày sau khi giao dịch được thực hiện. Do đó, không thể có nền tảng ứng dụng hợp pháp nào lại cho phép giao dịch T+0. Ngoài ra, việc các mã chứng khoán được mua giá thấp hơn giá niêm yết trên sàn cơ sở, cộng với việc chuyển tiền vào tài khoản cá nhân không thông qua ngân hàng trung gian… đều là những dấu hiệu của hành vi lừa đảo.

Theo luật sư Đức, nếu là các sàn giao dịch Forex, tiền điện tử được lập ở Việt Nam nhưng lừa nhà đầu tư là sàn giao dịch nước ngoài thì việc bị lừa còn dễ hiểu vì không có hoạt động chính thống để so sánh. Nhưng lĩnh vực chứng khoán có thị trường chính thống, nhà đầu tư vẫn bị lừa thì chỉ có thể hiểu là xuất phát từ việc thiếu kiến thức, cộng với lòng tham.

“Những ứng dụng, sàn giao dịch kiểu này do những cá nhân đó lập ra, họ muốn mã nào lên mã nào xuống cũng được. Việc giao diện của nó giống sàn HOSE hay HNX thì rất có thể do nó sao chép rồi chỉnh sửa”, ông Đức nói.

Giao dịch T+0 chưa được áp dụng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, theo quy định, nhà đầu tư muốn thực hiện giao dịch chứng khoán thì phải thông qua công ty chứng khoán, nơi nhà đầu tư mở tài khoản. Công ty chứng khoán đó phải là thành viên của sở giao dịch chứng khoán.

Đối với ứng dụng StockX, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa bao giờ cấp phép hoạt động cung cấp dịch vụ mua bán chứng khoán cho nhà đầu tư.

Hiện nay, giao dịch T+0 chưa được áp dụng, việc mời chào nhà đầu tư giao dịch T+0 hoặc đầu tư vào một số mã cổ phiếu sẽ đem lại tỷ lệ sinh lời rất cao như ứng dụng StockX là không có cơ sở.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng khi tham gia hội nhóm trên không gian mạng, tránh bị lôi kéo, dẫn dắt dẫn tới thiệt hại không đáng có. Trước khi giao dịch, nhà đầu tư nên tìm hiểu, kiểm chứng thật kỹ lưỡng thông tin dựa trên các kênh chính thống của các cơ quan chức năng, từ các đơn vị có chức năng tư vấn, môi giới chứng khoán được cơ quan quản lý cấp phép.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục