Cuối năm 2017, Đức Bình, một người kinh doanh bất động sản ở Hà Nội, quyết định đầu tư gần 3 tỷ đồng để mua 40 "trâu" - tiếng lóng của những người trong nghề chỉ các thiết bị đào tiền ảo.
Thời điểm này, giá Bitcoin phi mã và liên tục lập đỉnh mới, khiến lượng người đổ tiền vào tiền ảo và các loại máy đào không ngừng tăng.
"Tôi nhảy vào mảng này khi thị trường đang siêu nóng, giá Bitcoin tăng gấp đôi từ 6.000 USD lên gần 12.000 USD chỉ trong một tháng.
Kéo theo là giá máy đào cũng tăng chóng mặt, một dàn 6 card RX 570 vốn có giá 45-50 triệu đồng đã vọt lên 75-80 triệu đồng", Bình nhớ lại. "Nhưng vì doanh thu ước tính lúc đấy lên đến nửa triệu đồng mỗi ngày nên không riêng tôi mà bạn bè cũng bị cuốn theo".
Nhà đầu tư này mua 40 "trâu" với giá 70 triệu đồng mỗi máy, hết 2,8 tỷ đồng tiền thiết bị. Anh còn tốn thêm 200 triệu đồng để làm "chuồng" - hệ thống nhà xưởng với giá đỡ, đường điện công suất lớn, quạt và giải pháp làm mát bằng nước... Đó là chưa kể đến các chi phí khác như tiền thuê mặt bằng, nhân công vận hành hay camera giám sát.
"Ở thời kỳ đỉnh cao, những người đào tiền ảo chỉ mất 2-3 tháng là hoàn vốn thiết bị và sau đó chỉ việc thu lãi hoặc có thể bán 'trâu' với giá gấp rưỡi lúc mua dù đây là máy đã qua sử dụng", Trung Nghĩa, một người tham gia đào tiền ảo từ 2017, chia sẻ. "Nhìn vào những con số đó, ai mà chẳng ham vì hiếm có hình thức đầu tư nào sinh lời cao mà lại mất nhiều công sức như vậy", Nghĩa nói.
Giá đồng Ethereum (ETH) từ đỉnh 1.400 USD xuống còn 200 USD.
Thực tế, Bitcoin sau khi lập đỉnh gần 20.000 USD đã liên tục lao dốc và có lúc xuống mốc chưa đầy 6.000 USD, tức là giảm hơn ba lần. Kéo theo là các đồng tiền ảo khác cũng lao đao, tiêu biểu là Ethereum - đồng tiền chỉ đứng sau Bitcoin - từ mốc 1.400 USD xuống dưới 200 USD, tức là giá trị bị chia bảy phần.
Suốt 8 tháng qua, thị trường tiền ảo liên tục nhuốm trong sắc đỏ của giảm giá.
Tiền ảo mất giá, doanh thu từ máy đào cũng vì thế giảm không phanh theo. Một "trâu" vào nửa cuối 2017, đầu 2018 có thể thu về 10-15 triệu đồng mỗi tháng, nhưng giờ chỉ được khoảng hai triệu đồng, trừ tiền điện thì bỏ túi không quá một triệu đồng mỗi tháng.
Thị trường tiền ảo ảm đạm, mọi khoản đầu tư liên quan đều bị chia năm, xẻ bảy so với vốn ban đầu.
Những card đồ họa trước đó dùng để lắp "trâu" nay được tháo rời cất đi.
Một số nhà đầu tư nhỏ lẻ sau thời gian "gồng" đã buộc phải rút điện, ngừng đào do chi phí lớn. "Một máy thu về chưa đầy hai triệu một tháng nhưng nếu dùng điện kinh doanh, bị 'trượt' hệ số thì tiền điện đã tốn 1,5 triệu đồng", Phan Văn Hội, người có ba "trâu" đặt tại nhà riêng, nói. "Máy kêu to, phả hơi nóng hầm hập đã ảnh hưởng sinh hoạt của gia đình nên tôi đành bán đi chịu lỗ", anh kể.
Mỗi "trâu" lúc trước mua giá 70-80 triệu đồng nay thanh lý chỉ còn 15-20 triệu đồng.
Trên các nhóm chuyên trao đổi về máy đào Bitcoin, nhiều người cũng quyết định bán tống bán tháo, chấp nhận mất mất gần 80% số tiền bỏ ra. "Cái mất nữa là thời gian, công sức của mình, rồi người thân không hiểu cho thì trách móc vì ngày xưa từng khuyên không nên đầu tư tiền ảo", anh Hội kể.
Với trường hợp của Đức Bình ở trên, 3 tỷ đầu tư đã lỗ gần hết khi anh chỉ thu về chưa đầy 700 triệu đồng. "Nhìn lại, tôi cũng không hiểu vì sao lúc đó mình lao vào. Có lẽ bởi những con số tính toán trên giấy hấp dẫn quá", anh chia sẻ. "Bài học trị giá hơn 2 tỷ đồng này quá lớn nhưng bán xong tôi cũng đỡ đau đầu, tập trung vào công việc chính của mình".
Không ít người chấp nhận gần như mất trắng số tiền bỏ vào Bitcoin song vẫn có những nhà đầu tư tiếp tục "ôm mộng" với tiền ảo.
Vào giai đoạn khó khăn này, họ tắt máy cất đi và dự tính đào trở lại khi giá tiền ảo phục hồi. "Đã lỗ tới 80% rồi thì mất nốt 20% nữa có sao", Nguyễn Văn Huỳnh, người có 20 máy ở Phú Xuyên (Hà Nội) nói.
Gần hai tháng nay, anh Huỳnh cài đặt để máy đào vào giờ thấp điểm, khi đó giá điện thấp và ngừng đào vào lúc giá điện tính theo khung cao điểm.
Tuy nhiên với tình trạng đồng Ethereum vẫn thấp quanh mốc 200 USD, anh quyết định ngừng hoàn toàn bởi đang nợ hơn 50 triệu đồng tiền điện. "Chỉ là ngừng đào lúc này thôi, Bitcoin đã lên được 20.000 USD thì nó sẽ trở lại", anh nói trong khi thổi bụi cho những dàn máy cáu bẩn trước khi cất đi.
Những máy đào từng có giá 70-80 triệu đồng giờ được thanh lý giá hơn chục triệu đồng.
"Mua máy lúc 70-80 triệu đồng là người chơi đã chịu thêm rủi ro 20-30 triệu đồng so với lúc bình thường", Phạm Văn Thảo, một người bán "trâu" nay đã giải nghệ nói. "Nhưng đó là quy luật của thị trường, khi xưa máy lắp ra không đủ bán, thậm chí khách còn phải đặt trước cả tháng mới có, giờ thì cho không cũng chưa dám lấy vì chắc gì đã đủ tiền điện mà đào".
Theo người kinh doanh này, khi đầu tư vào lĩnh vực tiền ảo, nhiều người đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, cũng có người không tưởng tượng rằng giá Bitcoin lại thê thảm suốt hơn nửa năm nay. "Béo nhất là 'cá mập' - những người có vốn lớn với khả năng thao túng thị trường", anh Thảo chia sẻ. "Những người bán máy như tôi cũng không ảnh hưởng gì nhiều, nhưng hầu hết lại lấy lãi để đầu tư Bitcoin nên đâu hoàn đó thôi".
Bên cạnh những người thua lỗ, anh Thảo nói rằng cũng có những nhà đầu tư kiếm được khoản lớn nhờ Bitcoin hay máy đào. "Đây thường là những người tham gia thị trường từ sớm, biết nắm bắt thời cơ chứ không lao vào theo cơn sốt", anh nói. "Họ tỉnh táo và biết điểm dừng, thậm chí khi giá Bitcoin, máy đào thấp có thể mua vào để tìm cơ hội trong khó khăn. Tuy nhiên, những người thành công như này không nhiều và phải có cả yếu tố may mắn nữa".
Một xưởng tuyên bố rút điện, phủ bạt các máy đào Bitcoin.
"Do không được kiểm soát nên thị trường tiền ảo và những lĩnh vực liên quan đến nó đều biến động khó lường do bị thao túng", Phạm Gia Cường, một chuyên gia trong lĩnh vực tiền mã hóa, nhận xét.
"Nó cũng cho thấy cái gì lên càng nhanh, càng nhiều thì xuống cũng càng gấp, càng sâu. Đây là lý do mà Việt Nam cũng như nhiều nước phải ra quy định hạn chế, quản lý đối với tiền ảo. Còn các nhà đầu tư vẫn bất chấp những cảnh báo đó để lao vào thì hậu quả là khó tránh".