NHNN vừa muốn giữ ổn định tỷ giá, vừa muốn lãi suất thấp, lại muốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong khi lý thuyết chỉ ra rằng, điều này là rất khó. Vậy, mục tiêu nào sẽ được ưu tiên, thưa ông?
Việc vừa ổn định tỷ giá, vừa duy trì mặt bằng lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đúng là một nhiệm vụ rất khó đạt được về cả lý thuyết và thực tiễn, nhất là trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới biến động phức tạp như hiện nay.
Theo lý thuyết ngang giá lãi suất, thị trường tiền tệ cân bằng khi lãi suất nội tệ bằng với lãi suất ngoại tệ cộng với kỳ vọng biến động tỷ giá. Nghĩa là, khi kỳ vọng biến động tỷ giá gia tăng sẽ tạo áp lực lên lãi suất VND.
Bên cạnh đó, việc NHTW bán can thiệp ngoại tệ và theo đó sẽ hút nội tệ về, khiến thanh khoản thị trường liên ngân hàng bị thắt chặt. Nếu NHTW không xử lý kịp thời, áp lực thị trường liên ngân hàng sẽ tác động lan truyền kéo lãi suất thị trường 1 tăng. Thực tế, thị trường tài chính tiền tệ quốc tế sau ngày 11/8 vừa qua cho thấy nhiều đồng tiền trong khu vực bị mất giá mạnh, thậm chí một số nước phải chấp nhận thả nổi tỷ giá, đi liền đó mặt bằng lãi suất nội tệ tăng cao, tạo tác động tiêu cực kép với nền kinh tế.
Ở Việt Nam, với 2 lần điều chỉnh trong tháng 8/2015, NHNN đã chủ động tăng 1% tỷ giá VND/USD bình quân liên ngân hàng và nới biên độ tỷ giá từ +1% lên +3% để kịp thời ứng phó với diễn biến phức tạp của quốc tế. Do được chủ động điều chỉnh nên VND không bị mất giá nhiều như các đồng tiền khác trong khu vực, đặc biệt là Ringgit Malaysia, Rupiah Indonesia hay Won Hàn Quốc...
Bên cạnh đó, nhờ điều tiết thanh khoản VND hợp lý, nên dù đã can thiệp bán ngoại tệ nhưng thanh khoản thị trường vẫn ổn định, mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng không bị biến động.
Cụ thể, từ đầu tháng 8 đến nay, mặt bằng lãi suất ổn định, vẫn tiếp tục xu thế đan xen tăng - giảm như các tháng trước. Theo đó, VIB, VietCapitalBank… tăng lãi suất lên mức phổ biến của thị trường, trong khi BIDV, SHB… giảm lãi suất. Tính chung toàn hệ thống, lãi suất huy động tiếp tục duy trì ở mức 4,5 -5,4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng và 5,4 - 7,2%/năm với kỳ hạn trên 6 tháng; lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 6 - 9%/năm, trung và dài hạn 9 - 11%/năm.
Như vậy, với việc điều hành chủ động, kịp thời các biện pháp về tỷ giá, kết hợp nhịp nhàng với bán ngoại tệ can thiệp, sử dụng công cụ thị trường mở để điều tiết thanh khoản thị trường, NHNN đã thực hiện tốt cả hai mục tiêu ổn định tỷ giá và duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường 1. Nhờ đó, tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 8/2015 đã đạt 9,31%, tương đương mức tăng trưởng tín dụng của 11 tháng đầu năm 2014, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Ông Bùi Quốc Dũng
Có một vấn đề là, giá dầu giảm khiến nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu dầu sẽ giảm theo liệu có tác động tới cân đối ngoại tệ và khiến NHNN tiếp tục phải nâng tỷ giá không?
Giá dầu giảm khiến nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu dầu giảm và tác động đến cán cân đối ngoại. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nguồn cung ngoại tệ thực của nền kinh tế, vì ngoài hoạt động xuất nhập khẩu, các hoạt động như kiều hối, FDI, FII, vay nợ nước ngoài... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cung - cầu ngoại tệ. Tổng hòa toàn bộ các hoạt động này chính là cán cân thanh toán tổng thể. Đây mới là tham chiếu đầy đủ để NHNN đưa ra các quyết sách điều hành tỷ giá trong năm.
Tính đến tháng 6/2015, cán cân thanh toán vẫn thặng dư, tuy nhiên. trước diễn biến phức tạp của thế giới, cán cân thanh toán có thể chuyển sang thâm hụt trong 6 tháng cuối năm (do xuất khẩu chưa thể cải thiện nhiều và tâm lý găm giữ ngoại tệ gia tăng). Mặc dù vậy, mức thâm hụt này là nhỏ so với quy mô dự trữ hiện tại khoảng 37 tỷ USD và 10 tấn vàng. Đây là nguồn lực vật chất đáng kể giúp NHNN ổn định tỷ giá và phòng ngừa các cú sốc tiêu cực trên thị trường ngoại hối. Do đó, NHNN có đủ khả năng đáp ứng cân đối cung cầu ngoại tệ của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu ổn định tỷ giá.
Rất nhiều ý kiến lo ngại Fed sẽ tăng lãi suất vào quý IV/2015, ảnh hưởng lớn đến tỷ giá VND/USD. NHNN có nhận định gì về việc này và có chính sách đối phó như thế nào?
Kỳ vọng Fed tăng lãi suất trong năm nay đã được phản ánh vào diễn biến thị trường từ trước đó, thể hiện ở chỉ số USD Index tăng liên tục từ tháng 7/2014. Tính chung từ đó đến nay, chỉ số USD Index tăng khoảng 17%.
Các số liệu mới nhất cho thấy Fed đang ở thế lưỡng nan trong việc tăng lãi suất khi tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ ở mức thấp nhất trong hơn 7 năm, nhưng lạm phát lại thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2%. Bên cạnh đó, thị trường tài chính thế giới biến động phức tạp khiến kỳ vọng về thời điểm tăng lãi suất của Fed thay đổi liên tục. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất vào thời điểm nào không quá quan trọng do thị trường về cơ bản đã tiếp nhận thông tin này và phản ánh vào diễn biến tăng lãi suất LIBOR từ đầu năm 2015.
Thời gian qua, triển vọng tăng lãi suất của Fed đã tác động nhất định đến diễn biễn tỷ giá, lãi suất và sự dịch chuyển luồng vốn trên thị trường tài chính quốc tế, từ đó tác động lớn đến tâm lý, kỳ vọng của thị trường trong nước đối với chính sách tỷ giá và lãi suất của NHNN. Để trung hòa các tác động này, NHNN đã tính toán, cân nhắc, nhằm chủ động đón đầu các biến động bất lợi đó và giải tỏa yếu tố tâm lý cho thị trường.
Trên thực tế, khả năng nâng lãi suất của Fed trong những tháng cuối năm đã nằm trong kịch bản tính toán mức tỷ giá bình quân liên ngân hàng và biên độ được điều chỉnh của NHNN thời gian qua.
NHNN đã chủ động dẫn dắt thị trường để đón đầu các diễn biến bất lợi trên thị trường trong và ngoài nước, không chỉ từ nay đến cuối năm 2015 mà cả những tháng đầu năm 2016, qua đó giúp xóa bỏ kỳ vọng sai lệch về tỷ giá VND/USD, giúp ổn định tâm lý thị trường và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục sẵn sàng bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối khi cần thiết, kết hợp các biện pháp và công cụ chính sách như điều tiết các mức lãi suất liên ngân hàng, chỉnh sửa một số quy định về giao dịch ngoại tệ, tín dụng ngoại tệ… để hỗ trợ thanh khoản thị trường, giảm áp lực lên cung - cầu ngoại tệ, nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.
Ngày 12/8, ngay sau khi NHTW Trung Quốc điều chỉnh giảm mạnh tỷ giá đồng CNY, NHNN đã điều chỉnh 1% biên độ tỷ giá và được thị trường đánh giá rất cao về tính nhanh nhạy và kịp thời. Sang ngày 14/8 (3 ngày sau khi đồng CNY bất ngờ bị phá giá), thị trường tài chính quốc tế đã dần ổn định và bước đầu hồi phục. Tuy nhiên, trước diễn biến không tích cực của kinh tế Trung Quốc và khả năng Fed điều chỉnh lãi suất đang đến gần, NHNN đã nhận định thị trường quốc tế sẽ sớm lại biến động, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường ngoại hối trong nước, đòi hỏi phải có biện pháp để chủ động đón đầu các tác động bất lợi này. Ngày 19/8, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá BQLNH giữa VND và USD thêm 1%, đồng thời nới biên độ tỷ giá từ +2% lên +3%. Sự lao dốc của hàng loạt chỉ số gồm tỷ giá, chứng khoán, hàng hóa trên thị trường quốc tế từ ngày 20-24/8, đặc biệt là ngày 24/8, đã cho thấy các tính toán của NHNN là hợp lý, đón trước và đón đúng những diễn biến phức tạp của thị trường. |