Lãi suất huy động bắt đầu lại có biên tăng thêm

(ĐTCK) Tuy không tăng mạnh, nhưng mặt bằng lãi suất kỳ hạn ngắn ngày đã được các ngân hàng điều chỉnh nhẹ, kèm theo là đẩy mạnh khuyến mại, quà tặng…, thậm chí còn cộng thêm biên độ lãi suất từ 0,1 - 0,3% để giữ chân và thu hút khách hàng gửi tiết kiệm.
Nếu NHNN không thận trọng, lãi suất sẽ nóng dần lên và tạo lập mặt bằng mới Nếu NHNN không thận trọng, lãi suất sẽ nóng dần lên và tạo lập mặt bằng mới

Chị Trần Minh Thúy (quận 5, TP. HCM) cho biết, với mức lãi suất tiền gửi giảm sâu trong thời gian qua, chị không mấy mặn mà với việc gửi tiền trong ngân hàng, nên có ý định tìm mua một căn hộ để cho thuê. Vì thế, đến kỳ tất toán cuốn sổ tiết kiệm hơn 1,5 tỷ đồng, chị đã tới một điểm giao dịch của Ngân hàng S. để làm thủ tục rút tiền.

Khoản tiền gửi nói trên tuy không phải là quá lớn, nhưng với một phòng giao dịch và được khoán theo chỉ tiêu, nhân viên giao dịch của Ngân hàng đã cho chị Thúy biết, nếu chị tái tục sổ tiết kiệm kỳ hạn 3 - 6 tháng sẽ được cộng thêm biên độ lãi suất từ 0,1 - 0,2%.

Khác với ngân hàng trên, tại VietA Bank, biên độ lãi suất được cộng thêm 0,2%, nhưng chỉ dành cho những khách hàng có độ tuổi từ 45 trở lên, nhằm khuyến khích khách hàng có nguồn tiền nhàn rỗi gửi vào Ngân hàng, trước đó biên độ này còn lên đến 0,3%.

Khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện hơn 1 năm nay, các nhân viên giao dịch không còn bị giao chỉ tiêu huy động tiền gửi. Tuy nhiên, hiện một số ngân hàng đã bắt đầu giao trở lại chỉ tiêu này. Chị Trần Minh Thảo, giao dịch viên của một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại TP. HCM cho biết, hiện mỗi tháng chị phải hoàn thành chỉ tiêu huy động vốn từ 2 - 4 tỷ đồng.  

Áp lực huy động nguồn tiền tiết kiệm gia tăng trước sự biến động của tỷ giá thời gian qua và thị trường bất động sản ấm dần. Vì thế, không chỉ điều chỉnh tăng nhẹ mặt bằng lãi suất kỳ hạn ngắn ngày, mà các ngân hàng như ACB, Nam A Bank, VietBank… còn tăng cường khuyến mãi quà tặng cho khách hàng nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ dân cư.

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm tiền đồng hiện được các ngân hàng áp dụng mức phổ biến 5 - 6,1%/năm cho các kỳ hạn ngắn ngày từ 1 - 5 tháng. Mức 6,1 - 7%/năm cho kỳ hạn 6 - 12 tháng. Còn kỳ hạn từ 13 - 18 tháng được áp dụng khác nhau tại các ngân hàng từ 7 - 7,2%/năm.

Với mức lãi suất này, theo nhận định của một chuyên gia tài chính, gửi tiết kiệm vẫn an toàn và thực tế, thời gian qua, tuy VND giảm giá so với USD, nhưng lãi suất tiền gửi không giảm, tức người giữ tiền đồng và gửi tiết kiệm đã được cân bằng lợi ích. Hiện nay, lạm phát của Việt Nam ổn định ở mức thấp khoảng 1 - 2%, nên lãi suất tiền gửi cao hơn rất nhiều so với lạm phát. Do đó, người dân gửi tiết kiệm vẫn hưởng lãi suất thực dương.

Mặc dù vậy, theo cảnh báo của các chuyên gia, nếu NHNN không thận trọng, lãi suất sẽ nóng dần lên và tạo lập mặt bằng mới, nhất là khi vốn huy động đang chững lại.

Theo số liệu của Cục Thống kê TP. HCM, tổng vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn đến đầu tháng 8/2015 đạt hơn 1.423 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 0,5% so với tháng trước đó (chỉ số này tháng 7 tăng 3,3%) và tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 15,3%, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Còn vốn huy động bằng VND chiếm 84,7%, tăng 18,1% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn đến đầu tháng 8/2015 đạt hơn 1.132 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm 2014 và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu của NHNN cũng cho thấy, tính đến ngày 20/8, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 9,31% so với cuối năm 2014 (trong khi cùng kỳ, tín dụng chỉ tăng 4,07%). Tuy nhiên, huy động vốn chỉ giữ ở mức độ khá ổn định.

Tính đến 20/8, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 7,26% (cùng kỳ năm 2014 tăng 7,92%). Tổng phương tiện thanh toán ước tăng 7,22% (cùng kỳ năm 2014 tăng 8,46%).

Trước áp lực biến động tỷ giá và bất động sản có dấu hiệu ấm lên, nguồn tiền nhàn rỗi có dấu hiệu dịch chuyển nhẹ sang các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, theo PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, những người lâu nay quen với việc gửi tiết kiệm thì tiếp tục duy trì, không nên chuyển vốn sang vàng, ngoại tệ cũng như một số kênh đầu tư khác, vì rủi ro cao hơn.

Ông Ngân cho rằng, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và lãi suất tiết kiệm đang cao hơn lạm phát nên người gửi tiền có thể yên tâm.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cũng cho rằng, việc một số ngân hàng tăng lãi suất đầu vào trong thời gian qua chủ yếu là để cân đối lại nguồn, nhưng chủ yếu là ở một số ngân hàng quy mô nhỏ, có thị phần tiết kiệm chưa rộng. Còn hiện thanh khoản của các ngân hàng, theo ông Minh, vẫn khá dồi dào.

Mặt khác, để tăng trưởng được dư nợ tín dụng trong bối cảnh này không dễ nên các ngân hàng khó có thể điều chỉnh tăng mặt bằng lãi suất đầu ra. Ngược lại, muốn thu hút được khách hàng tốt vay vốn, các ngân hàng còn phải xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, nhất là với vốn vay trung, dài hạn.       

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục