Theo đó, Masan Resources sẽ phát hành khoảng 89,93 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức, tương ứng tổng giá trị phát hành theo mệnh giá khoảng 899,3 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hợp nhất lũy kế đến ngày 31/12/2018 của Công ty.
Năm 2018, Masan Resources đạt 6.865 tỷ đồng doanh thu, tăng 27% so với năm trước đó; lợi nhuận sau thuế gấp 2,7 lần cùng kỳ, đạt trên 810 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2018 gần 3.283 tỷ đồng, ngoài ra, Công ty còn 145 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.
Mới đây, Công ty đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2019 với doanh thu thuần đạt 3.685 tỷ đồng, giảm 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái do giá Vonfram thấp và tồn kho đồng; lợi nhuận sau thuế 472,5 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,76% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, thỏa thuận mua lại mảng kinh doanh Vonfram của H.C Starck giúp MSR tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kỳ thị trường và khẳng định vị thế nhà chế tạo các sản phẩm Vonfram “midstream” (giai đoạn giữa của chuỗi giá trị) của MSR.
Các sản phẩm Vonfram công nghệ cao “midstream” có giá bán cao hơn từ 30-50% và mở rộng quy mô thị trường đầu ra lên 4,6 tỷ USD, gấp 3,5 lần so với các sản phẩm APT.
Bất chấp các khó khăn thị trường hàng hóa hiện tại, MSR dự kiến sẽ khép lại năm nay với 150 triệu USD tiền mặt và các khoản tương đương do kết quả của vụ thắng kiện với Jacobs E&C Australia vào quý III/2019 và dự kiến thanh lý tồn kho Đồng vào cuối năm 2019.
Trên thị trường, đóng cửa phiên 7/11, cổ phiếu MSR tăng nhẹ 0,6% lên 16.600 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 32.600 đơn vị. Tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu MSR đã giảm 12,63%.