Mark Zuckerberg vẫn có thêm 13 tỷ USD dù vướng bê bối dữ liệu

Từ một tháng rưỡi nãy, cổ phiếu Facebook đã hồi phục sau khi mất giá mạnh do bê bối dữ liệu.
Mark Zuckerberg tại sự kiện F8 Facebook Developers hôm 1/5 ở San Jose, California. Ảnh: AFP Mark Zuckerberg tại sự kiện F8 Facebook Developers hôm 1/5 ở San Jose, California. Ảnh: AFP

Cổ phiếu mạng xã hội này đã tăng 23% so với ngày 27/3, lúc nó xuống thấp nhất trong 8 tháng. Nhờ đó, Mark Zuckerberg, người đang sở hữu khoảng 16% cổ phiếu của Facebook, đã kiếm thêm được 13 tỷ USD. Forbes cho biết, hiện CEO 33 tuổi này có tổng tài sản trị giá 74,2 tỷ USD, đứng thứ năm thế giới.

Hồi giữa tháng 3, Facebook rơi vào khủng hoảng truyền thông khi tờ New York Times và The Guardian tiết lộ công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica đã tiếp cận trái phép dữ liệu cá nhân của hàng chục triệu người dùng mạng xã hội này. Đây chính là công ty làm việc cho chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump.

Ngay sau đó, chỉ trong 2 tuần, cổ phiếu Facebook giảm gần 20%, thổi bay hơn 90 tỷ USD vốn hóa. Mark Zuckerberg đã phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ và xin lỗi vì không có "cái nhìn đủ rộng về trách nhiệm" và hành động "không đủ quyết liệt" để ngăn mạng xã hội bị lợi dụng vì ý đồ xấu. Hôm 2/5, Cambridge Analytica tuyên bố nộp đơn phá sản.

Bê bối xảy ra nối tiếp một năm đầy rắc rối của Facebook. Tuy nhiên, giá cổ phiếu Facebook vẫn không ngừng tăng và đang giao dịch sát mức đỉnh. Các nhà đầu tư đang đánh cược vào cam kết thay đổi của Facebook hoặc cho rằng vụ bê bối không mấy ảnh hưởng đến lợi nhuận công ty.

Thực tế, ngay khi chiến dịch kêu gọi xóa tài khoản Facebook diễn ra thì mạng xã hội này vẫn báo lãi 12 tỷ USD trong quý I, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước.

Vụ bê bối làm dấy lên tranh cãi về vấn đề bảo mật dữ liệu người dùng của các hãng công nghệ. Về cơ bản, Facebook cũng như các công ty khác thu thập dữ liệu người dùng để đưa ra các quảng cáo mục tiêu.

Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, các ứng dụng của bên thứ ba cũng có thể thu thập dữ liệu người dùng Facebook một cách dễ dàng, cả với những người không dùng các ứng dụng đó.

Sau vụ Cambridge Analytica, Facebook cho biết tiến hành một số thay đổi, bao gồm việc không cho phép quảng cáo dựa trên dữ liệu của bên thứ ba và cho phép người dùng xóa lịch sử sử dụng. Zuckerberg nói rằng công ty đang cố gắng khôi phục niềm tin của người dùng và xây dựng mạng lưới các cộng đồng trực tuyến.

Năm ngoái, mạng xã hội này bị cáo buộc tạo điều kiện cho việc lan truyền tin giả trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ và các cuộc bầu cử khác, cũng như cho phép sự can thiệp mang tính chính trị từ nước ngoài.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục