Thượng viện Mỹ thất bại trong 'bài kiểm tra' Mark Zuckerberg

Các thành viên Quốc hội Mỹ không hiểu cơ chế hoạt động của Facebook nên kết quả của cuộc điều trần sáng nay không mang nhiều ý nghĩa.
Mark Zuckerberg trong phiên điều trần sáng nay. Mark Zuckerberg trong phiên điều trần sáng nay.

Buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ sáng nay (giờ Hà Nội) dường như không hạ gục được Mark Zuckerberg vì hầu hết các thượng nghị sĩ đã hỏi những câu hỏi không có nhiều ý nghĩa, CNN bình luận.

"Những gì diễn ra trong ngày đầu tiên của buổi điều trần với Zuckerberg đã cho thấy nhiều nhà lập pháp Mỹ chẳng hiểu gì về công nghệ của thế kỷ XXI", trang này viết.

Kết quả, vấn đề được coi là trọng tâm của buổi điều trần - "sự riêng tư của phương tiện truyền thông xã hội và việc lạm dụng dữ liệu", trở nên nhạt nhoà. Vào thời điểm nước Mỹ cần một cuộc nói chuyện thông minh về vấn đề riêng tư, những gì đạt được chỉ là những câu hỏi đáp quanh co như những phát đạn bắn đi mà không nổ.

Có một vài ngoại lệ, đáng chú ý là Thượng nghị sĩ bang California, Kamala Harris, người đã nhấn mạnh vai trò của Zuckerberg trong việc giải thích Facebook đã theo dõi hoạt động của người dùng trên mạng xã hội này và tại sao công ty không thông báo cho người dùng từ 2015 rằng dữ liệu của họ được chia sẻ với Cambridge Analytica. 

Nhưng chủ yếu các nhà lập pháp chỉ đơn giản yêu cầu Zuckerberg giải thích cơ chế làm việc của Facebook. Một số câu hỏi cho thấy sự thiếu hiểu biết rất cơ bản về nền tảng và mô hình kinh doanh của mạng xã hội này.

"Làm thế nào anh duy trì được mô hình kinh doanh khi người dùng không trả tiền khi sử dụng dịch vụ?" - Thượng nghị sĩ Orin Hatch hỏi.

"Thượng nghị sĩ, chúng tôi chạy quảng cáo" - Zuckerberg đáp.

"Anh và Facebook lưu trữ bao nhiêu danh mục dữ liệu?", Thượng nghị sĩ Deb Fischer hỏi.

"Thượng nghị sĩ, ông có thể nói rõ ý của ông về các loại dữ liệu không?", Giám đốc điều hành Facebook hỏi lại. "Tôi không thực sự chắc chắn về vấn đề được đề cập".

Thượng nghị sĩ John Kennedy bắt đầu chuỗi câu hỏi bằng cách nói với Zuckerberg rằng thoả thuận của Facebook với người dùng là thứ rất tồi tệ và liệt kê những cách để mạng xã hội này cải thiện quyền riêng tư về dữ liệu.

"Anh có sẵn sàng trao cho tôi quyền xoá dữ liệu của mình không?", Kennedy nói.

"Thượng nghị sĩ, ông có thể có thể xoá bất kỳ dữ liệu nào của ông hoặc xoá toàn bộ dữ liệu", Zuckerberg đáp.

"Anh có cho tôi quyền ngăn cản Facebook lấy dữ liệu của tôi không?", Kennedy hỏi tiếp.

"Thượng nghị sĩ, một lần nữa, tôi tin rằng ông có thể kiểm soát nó", Zuckerberg trả lời.

"Anh có cho tôi quyền lấy dữ liệu trên Facebook và chuyển nó đến nền tảng mạng xã hội khác không?", Kennedy chất vấn.

"Thượng nghị sĩ, ông có thể làm điều đó", Zuckerberg đáp.

Sự thiếu hiểu biết của các thượng nghị sĩ đã cho phép Zuckerberg lẩn tránh các câu hỏi quan trọng, chưa trả lời được mức độ giám sát dữ liệu của Facebook và tại sao công ty không minh bạch với người dùng, dữ liệu đã bị lạm dụng thế nào.

Các câu hỏi của thượng nghị sĩ cũng thiếu trọng tâm, từ những vấn đề như can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử 2016 đến các vấn đề của Facebook trong những tháng gần đây.

Ngay cả với vấn đề dữ liệu riêng tư, các thượng nghị sĩ đã yêu cầu Zuckerberg giải thích lý do vì sao người dùng có thể tin tưởng vào công ty, thay vì hỏi về giải pháp nhằm giúp người dùng kiểm soát dữ liệu tốt hơn.

Điều đó mang lại cho Mark Zuckerberg cơ hội nói lại chủ đề quen thuộccủa mình: nhận trách nhiệm và hứa làm mọi thứ tốt hơn. Phần lớn các thượng nghị sĩ đã không nhấn mạnh rằng tại sao Facebook không làm điều đó từ hai năm trước.

Theo CNN, có lẽ áp lực lớn nhất với ông chủ Facebook là khi thượng nghị sĩ Harris ép ông giải thích tại sao Facebook không tiết lộ vấn đề liên quan đến Cambridge Analytica cho công chúng từ 2015 mà phải chờ đến nay, khi thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.

"Có ai trong ban lãnh đạo Facebook tham gia vào thảo luận mà quyết định cuối cùng là không thông báo cho người sử dụng về quyền riêng tư không?" - Harris hỏi - "Hay là không có cuộc họp nào như thế?".

"Tôi không chắc chúng tôi đã thảo luận về điều này". Zuckerberg đáp.

Zuckerberg đã trải qua các buổi tập nghiêm ngặt với luật sư, chuyên gia tư vấn và cố vấn trong những ngày trước điều trần. Ông tỏ ra bình tĩnh và sáng suốt, thể hiện sự hối lỗi và tôn trọng thông qua các câu trả lời.

Bất cứ khi nào một nhà lập pháp chỉ ra cái sai của Facebook, Zuckerberg lại nói về những gì mà mạng xã hội này đã làm để sửa sai. Bất cứ khi nào ông chủ Facebook không thể trả lời câu hỏi, ông chỉ đơn giản là sẽ hồi đáp với các nhà lập pháp sau. 

Những khoảnh khắc lúng túng của Mark Zuckerberg tại phiên điều trần .

Mark Zuckerberg đã có buổi điều trần đầu tiên vào rạng sáng nay, tập trung trả lời các câu hỏi của Thượng viện Mỹ về bê bối khiến 87 triệu dữ liệu người dùng bị rò rỉ. Sau đó, ông sẽ đối chất tiếp với Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện vào 10h ngày 11/4 (tức 21h ngày 11/4 giờ Hà Nội).


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục