Margin: những hình thái ngầm

(ĐTCK) Phục vụ hàng triệu nhà đầu tư, CTCK đều hiểu rằng, rất nhiều khách hàng, nhất là nhà đầu tư cá nhân, không thích hàng “thiên nga”, mà thích những “con vịt xấu xí”. 
Margin: những hình thái ngầm

Dòng tiền vay cấm chảy vào hàng “vịt”, nhưng trên sàn không thiếu những cổ phiếu “móc cống” hoặc “xác chết”... được giao dịch sôi động, mà dân trong nghề đều không lạ với dòng tiền được tài trợ bằng vốn vay.

Những thương vụ lợi nhuận tính theo… lần

Một nhà đầu tư từng làm giám đốc đầu tư một công ty quản lý quỹ. Đã 3 năm nay, anh chọn cho mình một lối rẽ mới, đó là mở một công ty làm về đào tạo. Nhưng dường như, những năm tháng tham gia đầu tư trên TTCK đã khiến đầu tư ngấm vào máu của anh.

Không giao dịch lướt sóng, cũng không lựa chọn cổ phiếu bluechips để đầu tư, anh chọn danh mục cho mình dựa vào sự hiểu biết của những năm làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, am hiểu vĩ mô và sự nhạy cảm với nghề.

Bạn bè gọi đùa anh là “chuyên gia đào mộ”. Những cổ phiếu được anh đầu tư đều có một đặc điểm khi được mua vào: DN kinh doanh èo uột, mà chính xác hơn là hầu như bị thua lỗ, thị giá rất thấp, thanh khoản ít.

Cho vay lớn, chỉ cần vài phiên thị trường đảo chiều, với hiệu ứng đua nhau bán giá sàn, nhà đầu tư có thể dễ dàng “cháy” tài khoản, trong khi CTCK không thu hồi đủ vốn.

Hầu hết chúng không nằm trong danh mục được phép giao dịch ký quỹ của CTCK, nhưng vài CTCK đã cho anh vay để mua và nắm giữ, chờ cơ hội. Mỗi mã, danh mục đầu tư tính hàng chục tỷ đồng, không nhỏ, cũng không lớn.

Đầu năm 2016, nhờ sự nhanh nhạy, anh cũng đã kịp nhân 3 lần tài khoản của mình trong vòng chưa đầy 3 tháng. Thành quả này có sự hỗ trợ của đòn bẩy vốn. CTCK nơi anh giao dịch cổ phiếu vẫn rót vốn tài trợ, mặc dù không nằm trong diện được cho giao dịch ký quỹ. 

Hiểu thực tế để quản lý minh bạch hơn

Nổi danh trên thị trường với những khoản kiếm tiền bạc tỷ, nhiều CTCK muốn có được khách hàng như nhà đầu tư nọ. Những người quen chuyện thương trường cho rằng, đó mới thực sự là đầu tư. Nhà đầu tư khi nhận ra tiềm năng của doanh nghiệp trước những người khác, họ mua và chờ thị trường ghi nhận để hiện thực hóa lợi nhuận. Cuộc chơi chỉ đơn giản là dám chấp nhận rủi ro để mong đạt được lợi ích kỳ vọng.

Phục vụ hàng triệu nhà đầu tư, CTCK hiểu rằng, trên 90% khách hàng, nhất là nhà đầu tư cá nhân, không thích “thiên nga”, mà thích những “con vịt xấu xí”. Mua chúng để mong một ngày “hóa” thành thiên nga, hoặc tệ nhất thì “vịt” cứ là “vịt” thôi, nhưng được nhiều người “ngắm nghía”, giao dịch mỗi ngày.

Những nhà đầu tư thông thạo thị trường đều hiểu rằng, trong số hàng trăm nghìn, thậm chí là hàng triệu cổ phiếu được giao dịch mỗi ngày của những cổ phiếu “vịt”, có một lượng không nhỏ cổ phiếu được tài trợ bằng vốn vay từ các CTCK. DN phát hành ra các cổ phiếu này đều có lỗ lũy kế, một điều kiện căn bản khiến cổ phiếu đó không được margin.

Trên phương diện pháp lý, quy định về margin hiện hành không cho phép dòng vốn vay chảy vào những nơi được gọi là “vịt con xấu xí”. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu khách hàng, CTCK nghĩ ra nhiều cách, từ việc tài trợ vốn thông qua bên thứ ba, đến việc tài trợ thẳng vốn vào các tài khoản giao dịch do CTCK quản lý… Thậm chí, có bên, trong một số trường hợp còn chấp nhận cho vay đầu tư bằng việc cho mua trên tài khoản… tự doanh của chính CTCK.

Một lượng lớn tiền cho vay đầu tư chứng khoán trên thị trường được giải ngân vào những mã cổ phiếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn của margin. Nhưng số những mã chứng khoán không đạt tiêu chuẩn về lợi nhuận (lỗ hoặc lỗ lũy kế), hoặc thời gian niêm yết chưa đủ 6 tháng được CTCK tài trợ vốn dưới các hình thức trên cũng nhiều không kém. Dòng vốn chảy theo nhu cầu của thị trường, theo tín hiệu lợi ích của mỗi chủ thể, vậy quy định pháp lý nên ứng xử như thế nào?

Còn nhớ, trên TTCK, cho vay đầu tư chứng khoán của CTCK đã từng là hành vi không được phép và nhiều CTCK đã phải trả giá vì lách luật. Từ khi có quy chuẩn pháp lý quản lý việc này, đã có sự minh bạch và bình đẳng hơn trong vay vốn cho nhà đầu tư.

Pháp lý thay đổi theo hiện trạng và nhu cầu thị trường và đến nay, câu hỏi đặt ra là tại sao không thể cho dòng vốn vay chảy vào các cổ phiếu lỗ, nhưng có thanh khoản tốt? Điều quan trọng nhất trong cho vay chính là khả năng đòi nợ. Để lấy lại tiền, phụ thuộc phần nhiều do thanh khoản quyết định, chứ chưa hẳn là do doanh nghiệp lãi được bao nhiêu trong kỳ.

Để rộng đường cho dòng vốn, không ít ý kiến mạnh dạn đề xuất, nên tăng tỷ lệ trần cho vay trên 50%. Tuy nhiên, với một TTCK biến động mạnh, mở trần cho vay chưa phải là giải pháp thích hợp. Cho vay lớn, chỉ cần vài phiên thị trường đảo chiều, với hiệu ứng đua nhau bán giá sàn, nhà đầu tư có thể dễ dàng “cháy” tài khoản, trong khi CTCK không thu hồi đủ vốn.

Nhưng với danh mục margin, nên chăng cơ quan quản lý xem xét mở rộng, không hạn chế chỉ ở cổ phiếu tốt, cũng như những cổ phiếu vốn dĩ tốt nhưng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về thời gian niêm yết.

Cho phép vốn chảy theo tín hiệu thị trường để quản lý minh bạch chắc chắn sẽ an toàn hơn việc cấm hẳn, trong khi dòng margin ngầm vẫn… chảy thường xuyên.

Uyên Phạm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục