Quy định mới tại Thông tư 07/2016/TT-BTC sẽ chặn lại các hoạt động dưới chuẩn này, thị trường có thể bị ảnh hưởng ngắn hạn, nhưng đó là nền tảng để hoạt động lành mạnh hơn.
Hành động của ngân hàng và công ty chứng khoán
Từ ngày 15/03/2016, Thông tư 07/2016/TT-BTC chính thức có hiệu lực. Thông tư này nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 210/2012/TT-BTC hướng dẫn về thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán, trong đó có điểm sửa đổi đáng chú ý về hạn chế cho vay của công ty chứng khoán. Cụ thể: “CTCK không được dùng tiền, tài sản của công ty hoặc của khách hàng để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba”.
Khi mới ban hành, văn bản mới không có nhiều ảnh hưởng đến TTCK, kể cả ảnh hưởng tâm lý, khi các chỉ số chung tạo đáy trong tuần từ 18/1 - 22/1/2016 và hình thành xu thế tăng giá tích cực trong hơn 2 tháng sau đó, VN-Index tăng mạnh từ đáy 513 điểm lên điểm cao nhất 583 điểm, tăng 13,6%. Tuy nhiên, đến ngày Thông tư có hiệu lực, 15/3/2016, nhiều chủ thể có liên quan là các ngân hàng thương mại, các công ty chứng khoán có dịch vụ hợp tác 3 bên đã điều chỉnh chính sách cho vay, tạo những lo ngại nhất định trên thị trường.
Ông Đỗ Bảo Ngọc
Cụ thể, một số ngân hàng tạm dừng giải ngân mới, đề nghị công ty chứng khoán dần thu hồi các khoản giải ngân cũ. Một số công ty chứng khoán tạm dừng dịch vụ, đồng thời đề nghị khách hàng xem xét tất toán các khoản đã giải ngân để sớm kết thúc hợp đồng hợp tác 3 bên theo đúng quy định của thông tư mới.
Trước động thái của khối ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán, nhiều nhà đầu tư hiểu rằng, họ sẽ khó được giải ngân mới, đồng thời phải chủ động cơ cấu bán bớt danh mục để hoàn trả tiền vay mua cổ phiếu cho công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại. Động thái của khối ngân hàng và công ty chứng khoán có thể sẽ làm hạn chế dòng tiền cho thị trường và phần nào đó làm gia tăng lượng cung trong ngắn hạn, nhưng câu hỏi thực sự lúc này là mức độ ảnh hưởng của hoạt động thu hồi các khoản cho vay mua cổ phiếu nêu trên đến thị trường chung như thế nào?
Nhìn sâu vào dòng tiền margin
Thực tế, hoạt động margin trên thị trường hiện nay tồn tại dưới 2 hình thức:
Thứ nhất là margin chuẩn theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các sở GDCK, hoạt động này chiếm tới gần 80% tổng lượng margin trên thị trường.
Ở dịch vụ này thì ưu thế thuộc về các công ty chứng khoán có vốn lớn (vốn tự có, huy động trái phiếu…) và quy mô cho vay lớn. Dịch vụ margin chuẩn vẫn được cho phép thực hiện bình thường, không chịu ảnh hưởng bởi điểm mới trong Thông tư 07.
Thứ hai là margin hợp tác 3 bên giữa ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán và nhà đầu tư, chiếm khoảng 20% tổng margin trên thị trường. Dịch vụ này được cả các công ty chứng khoán lớn và công ty chứng khoán nhỏ thực hiện nhằm mở rộng danh mục cho vay, tăng tỷ lệ cho vay cho khách hàng nhằm thu hút nhà đầu tư.
Với các công ty chứng khoán lớn, dịch vụ này nếu có cũng chỉ chiếm tỷ lệ thấp so với margin chuẩn, tuy nhiên nó lại chiếm tỷ trọng lớn ở các công ty chứng khoán nhỏ có tiềm lực tài chính hạn chế.
Thậm chí, đây được coi như là công cụ cạnh tranh chính nhằm gia tăng số lượng khách hàng và thị phần cho các công ty chứng khoán nhỏ. Dịch vụ margin 3 bên này sẽ phải dừng lại theo quy định mới của Thông tư 07.
Giả định ở hiện tại, tổng lượng margin toàn thị trường ở mức khoảng 20.000 tỷ đồng, thì margin hợp tác 3 bên, với dự kiến chiếm khoảng 20%, tương ứng 4.000 tỷ đồng sẽ phải cơ cấu giảm trong khoảng thời gian từ 1 - 3 tháng theo hợp đồng hoặc theo thỏa thuận tất toán của khách hàng với công ty chứng khoán tối thiểu là từ 2 tuần đến 1 tháng.
Với quy mô giao dịch hiện tại khoảng hơn 2.000 tỷ đồng/phiên, áp lực cơ cấu 4.000 tỷ đồng (giả định) trên không phải là lớn. Cùng với đó, sẽ không có hoạt động bán tháo xảy ra do hoạt động cơ cấu này là sự chủ động của khách hàng, khác hoàn toàn so với việc bị bán bắt buộc như trường hợp call margin mà nhà đầu tư lo ngại.
Trong khi đó, trong 2 tuần trở lại đây, thị trường chủ yếu giao dịch trong vùng điểm 570 – 580 điểm với thanh khoản tích cực, một mặt bằng giá mới đã được thiết lập với sự điều chỉnh đã diễn ra ở hầu hết các nhóm cổ phiếu blue-chip, midcap và penny. Do đó, rủi ro thị trường là không quá cao và sự hấp thụ nguồn cung cổ phiếu của thị trường hiện nay đang khá tốt.
Chính sách mới nhằm điều chỉnh lại hoạt động cho vay của công ty chứng khoán, hạn chế các sản phẩm dưới chuẩn, nhằm hạn chế rủi ro cho khách hàng và thị trường chung. Không thể phủ nhận thị trường trong ngắn hạn sẽ chịu tác động từ hoạt động cơ cấu thu hẹp lại dịch vụ margin 3 bên, nhưng tác động này không đáng lo ngại, thậm chí sự điều chỉnh do yếu tố cơ cấu kỹ thuật này còn tạo ra các cơ hội mua cổ phiếu ở giá hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư khác.
Ảnh hưởng lớn nhất của Thông tư 07 là đến các công ty chứng khoán đang cho vay dưới chuẩn. nhà đầu tư có thể phải bán bớt cổ phiếu trả nợ công ty chứng khoán trong điều kiện thị trường đang tích cực. Cơ hội mua cổ phiếu giá thấp lại mở ra với nhà đầu tư sử dụng dịch vụ đúng theo quy định của pháp luật. Theo đó, về dài hạn, chính sách mới sẽ góp phần phát triển TTCK ổn định, lành mạnh hơn.