Cần linh hoạt danh mục chứng khoán được ký quỹ
Đối với quy định về giao dịch ký quỹ, hai nội dung quan trọng mà thị trường quan tâm là: cổ phiếu nào được phép giao dịch ký quỹ và tỷ lệ ký quỹ bao nhiêu là phù hợp.
Theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, quy định về tỷ lệ ký quỹ tối thiểu 50% giá trị giao dịch như hiện tại, dù trong một vài tình huống được cho là quá thận trọng, nhưng ở bình diện chung, đa phần các CTCK vẫn hạn chế tỷ lệ cho vay ở mức thấp hơn 50%, hoặc thậm chí không cho vay đối với các mã có thanh khoản thấp, hoặc đã tăng mạnh trong một thời gian ngắn, dù các mã này nằm trong danh mục được phép giao dịch ký quỹ. Đồng thời, ở yêu cầu thận trọng, tỷ lệ ký quỹ 50% với TTCK biến động nhiều như ở Việt Nam được coi là hợp lý. Nhưng, danh mục được phép giao dịch ký quỹ lại khác.
Trong quá khứ, cổ phiếu BVS của CTCK Bảo Việt một thời gian dài không được giao dịch ký quỹ, dù từ năm 2012 đến nay, lợi nhuận các năm của BVS luôn là số dương, đây cũng là cổ phiếu có thanh khoản rất tốt trên thị trường, giá trị sổ sách lớn. Lý do là, BVS có khoản lỗ lũy kế từ năm 2008 để lại, cho đến cuối năm 2015, BVS đã xóa được lỗ lũy kế. Trong khi đó, do có thặng dư vốn cổ phần để lại, giá trị sổ sách của cổ phiếu BVS luôn vượt rất xa mệnh giá và hiện vẫn duy trì ở mức hơn 20.000 đồng/CP.
Tương tự, cổ phiếu KLS của CTCK Kim Long cũng không được giao dịch ký quỹ vì lý do lỗ lũy kế, dù có giá trị sổ sách lớn hơn mệnh giá và thanh khoản đặc biệt lớn.
Câu chuyện của 2 cổ phiếu niêm yết trên cho thấy, vẫn có những mã chứng khoán được phát hành bởi doanh nghiệp được coi là có nền tảng cơ bản tốt, nhưng không được giao dịch ký quỹ vì những lý do “rất riêng”.
Cái nhìn mới về dòng vốn vay chảy vào UPCoM
Sau câu chuyện MTM của CTCP Khoáng sản miền Trung, nhiều ý kiến tiêu cực về UPCoM đã được đưa ra. Song nhìn một cách công bằng, nếu coi UPCoM đơn thuần là “chợ” bắt buộc để cổ phiếu của các công ty đại chúng không đủ điều kiện hoặc không muốn niêm yết thực hiện giao dịch, thì vấn đề có lẽ sẽ đơn giản hơn nhiều.
Thực tế cho thấy, cổ phiếu trên UPCoM không phải chỉ toàn “những thứ hàng yếu”, thậm chí, nhiều mã còn có thanh khoản lớn cũng như mức chia cổ tức ấn tượng hơn rất nhiều so với các mã niêm yết trên HOSE và HNX.
Trong 1 năm qua, giao dịch sôi động trên UPCoM làm phát sinh nhu cầu giao dịch ký quỹ ở các mã chứng khoán đang đăng ký giao dịch trên thị trường này. Cổ phiếu GEX của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) là một điển hình, khi có quy mô giao dịch trung bình phiên rất lớn sau khi Nhà nước thoái vốn, các chỉ tiêu tài chính khá tốt, thời gian giao dịch trên thị trường tập trung (UPCoM) trên 6 tháng... Mọi điều kiện đều được đáp ứng, trừ điều kiện là cổ phiếu niêm yết.
Không chỉ bị giới hạn ở dịch vụ ký quỹ, cổ phiếu UPCoM còn hạn chế khá lớn cơ hội đầu tư của các CTCK.
Tháng 7/2016, CTCK IB (IBSC) bị phạt 125 triệu đồng vì đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết quá tỷ lệ cho phép (quá 20% vốn chủ sở hữu), trong đó chủ yếu là khoản đầu tư vào GEX – mã chứng khoán mang lại lợi nhuận (dù chưa hạch toán) rất lớn cho Công ty.
Quy định về giới hạn tỷ lệ đầu tư của CTCK được xây dựng dựa trên mục tiêu quan trọng nhất là để bảo vệ an toàn cho CTCK, trong các năm trước đã phát huy vai trò rất tốt, tránh được tình trạng các CTCK đầu tư “ảo” vào doanh nghiệp chưa niêm yết để trốn lỗ, hoặc nguy cơ về kém thanh khoản. Nhưng, với sự phát triển của UPCoM, quy định này dường như đã bắt đầu bộc lộ điểm chưa phù hợp.
Nỗ lực phân bảng trên UPCoM (với UPCoM Premium là các cổ phiếu cơ bản đáp ứng được các điều kiện như một cổ phiếu niêm yết) được thị trường đặt rất nhiều kỳ vọng. Đó là sự kỳ vọng vào một đợt điều chỉnh danh mục cổ phiếu cho phép giao dịch ký quỹ mới, để nhà đầu tư có thêm cơ hội sử dụng đòn bẩy tài chính trong đầu tư vào những cổ phiếu tốt đã đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Từ năm 2011, giao dịch ký quỹ trở thành nghiệp vụ mới của các CTCK, cũng từ đây, những quan điểm trái chiều liên quan đến danh mục ký quỹ được phép, tỷ lệ ký quỹ tối thiểu… đã luôn được thị trường đưa ra.
Nhìn lại những giai đoạn TTCK sụt giảm mạnh có thể thấy, quy định hiện hành đã đóng vai trò rất lớn trong phòng vệ rủi ro cho CTCK. Song với thực tiễn của thị trường, nên chăng, quy định về danh mục ký quỹ CTCK được nới lỏng hơn và để hạn chế rủi ro trong tình huống này, cơ quan quản lý có thể điều chỉnh tương ứng các quy định liên quan đến các tỷ lệ rủi ro trong danh mục này ở các công cụ giám sát khác (ví dụ như tỷ lệ an toàn vốn và CAMEL - hệ thống đánh giá tình trạng vững mạnh của các tổ chức tài chính)?