Công khai chào bán nhà ở xã hội
Trong các bài trước, Báo Đầu tư Bất động sản đã phản ánh về tình trạng một số công ty môi giới công khai giới thiệu, chào bán dự án nhà ở xã hội IEC Thanh Trì (Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Cơ điện IEC làm chủ đầu tư như nhà ở thương mại trên mạng và ngay tại chân công trình với mức phí ngoài hợp đồng từ 50 - 120 triệu đồng/căn (tùy vào chọn căn, hay chọn cả căn và chọn tầng, chọn tòa).
Với thông tin liên hệ mà phóng viên để lại trong vai người có nhu cầu mua nhà ở xã hội, ngay sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, một môi giới tên Nam, tự giới thiệu là nhân viên môi giới của Sàn Bất động sản Thăng Long Land đã liên hệ với phóng viên để chào mới chọn mua căn hộ tại dự án IEC Thanh Trì.
Vẫn như nội dung mà các môi giới của một số sàn khác đã tư vấn, Nam cho biết, mức phí 45 triệu đồng là mua không chọn căn, chọn tầng, chọn tòa, từ 85 - 125 triệu đồng được chọn căn, chọn tầng có vị trí đẹp, tầm nhìn tốt nhất. Khi khách đặt tiền sẽ có hợp đồng tư vấn pháp lý, ràng buộc giữa hai bên và nhân viên này là người đại diện công ty ký với khách. Với hợp đồng này, Nam đảm bảo khách chắc chắn mua được nhà.
Khi phóng viên tỏ vẻ băn khoăn, Nam cho hay: “Bên em lấy đúng tiêu chí 2+2 vệ sinh. Nghĩa là khi nhà hoàn thiện hai nhà vệ sinh, bên em mới thu lại hết giấy tờ (hợp đồng tư vấn, phiếu thu tiền đặt cọc - phóng viên) của anh. Khi chủ đầu tư tiếp nhận hồ sơ, bên em mới nhận hết tiền của anh. Bên em làm theo sàn bất động sản, không phải cá nhân, nên anh cứ yên tâm”.
Để khách tin tưởng, Nam hẹn chúng tôi đến Công ty Thăng Long Land có địa chỉ ở tầng 4, tòa A2, tòa nhà Ecolife Capital, 58 Tố Hữu. Khi đến trụ sở Công ty Thăng Long vào sáng 3/2/2020 như lịch hẹn, phóng viên được Nam và một người đàn ông tên Phúc giới thiệu là sếp của Nam và là phụ trách bán hàng của Thăng Long Land tiếp chuyện.
“Bọn em có hai pháp nhân là G6 Group và Thăng Long Land. G6 nhận thương mại, còn Thăng Long Land nhận xã hội (dự án nhà ở thương mại và dự án nhà ở xã hội). Ở đây, bọn em (bán) 100% là nhà ở xã hội. Việc này bên em đã thực hiện hơn 2 năm và đã bán hơn 10 dự án nhà ở xã hội. Hình thức này là chủ đầu tư đi thuê và bắt tay với các sàn ngoài để bán nhà ở xã hội. Với nhà ở xã hội, gần 5 năm nay đều dùng hợp đồng tư vấn pháp lý để tránh rủi ro khi bị kiểm tra”, Phúc cho hay.
Để cho khách hàng tin tưởng hơn, môi giới này tiếp tục trình bày: “Ngay cả bọn em mới lấy căn nhà ở xã hội Ecohome 3 cũng phải chọn căn mất phí. Thực ra, bọn em làm quen rồi nên thấy nó bình thường, anh mới mua lần đầu nên lo là đúng. Trên thị trường hiện nay có 4 sàn bất động sản đang làm mảng này, trong đó bên em là lớn nhất. Anh có thể tìm hiểu kỹ về công ty em, nghe khách hàng phản ánh như thế nào, đủ niềm tin thì anh đặt tiền và bọn em làm hợp đồng với anh”.
Theo Phúc, việc bắt tay giữa chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và các sàn hiện nay có 2 cách thức: Thứ nhất, một số người, bộ phận của chủ đầu tư sẽ bắt tay với các nhân viên môi giới để chọn căn; thứ hai là chủ đầu tư bắt tay trực tiếp với các sàn.
“Hiện bên em thực hiện cả 2 hình thức này. Nếu anh lựa chọn theo cách làm việc với nhân viên, thì việc đó là giữa nhân viên và anh, việc có chọn được căn hay không, công ty không chịu trách nhiệm. Còn nếu anh làm việc với công ty, thì bọn em đảm bảo sẽ làm việc với chủ đầu tư để anh chọn được căn theo ý, vì khi làm việc với chủ đầu tư, thì sẽ không có ai chọn căn đó nữa. Tránh trường hợp như trước kia có đến 3 sàn đều chọn chung một căn”, Phúc nói và cho biết thêm, khoảng 1 năm trở lại đây, việc bán nhà ở xã hội công khai như nhà ở thương mại khá phổ biến. Các môi giới cũng chạy quảng cáo rầm rộ trên facebook, google…
Nhận thấy phóng viên có vẻ chần chừ, Nam giới thiệu thêm: “Hay anh sang mua dự án Ecohome 3, hiện bọn em còn 6 suất. Còn IEC hiện là dự án mới nhất bên em đang triển khai. Những căn ghi số ở tòa CT1 này là được chọn chính xác căn luôn, vì đây là những căn chủ đầu tư đang phân cho các sàn để chọn. Tùy từng căn mà giá khác nhau. Nếu anh chọn tầng 10 căn D01 giá khoảng 115 triệu đồng”, vừa nói, Nam vừa chỉ vào bảng giá căn hộ.
Mập mờ hợp đồng tư vấn
“Đây là hợp đồng của công ty em có cả dấu đỏ đàng hoàng”, nhân viên môi giới tên Nam nói rồi đưa cho chúng tôi một tờ giấy A4 được in 2 mặt có đóng dấu treo của Thăng Long Land. Nam cho biết, đây là hợp đồng tư vấn pháp lý và phiếu thu đặt cọc khi khách nộp tiền.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, đây là loại văn bản nào theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Vì tiêu đề là “Hợp đồng tư vấn pháp lý”, nhưng nội dung bên trong lại là “Hợp đồng đặt cọc", có bên giao tiền và bên nhận tiền…
Thấy khách băn khoăn, Phúc lý giải: “Vì đây là thể hiện tiền của các anh, nếu anh cần sửa, bọn em sẽ sửa. Riêng tên hợp đồng bọn em phải đề “Hợp đồng tư vấn pháp lý”, vì nếu ghi “Hợp đồng đặt cọc” là “đi” anh ạ. Nếu báo chí, công an phát hiện, thì bọn em chắc chắn nộp phạt vài chục triệu là chuyện bình thường, thậm chí có thể bị khởi tố”.
Khi phóng viên thắc mắc về trường hợp không mua được nhà thì như thế nào, nhân viên tên Nam cho biết, khách sẽ được hoàn lại tiền, còn trong trường hợp khách không mua, thì sẽ không được hoàn lại tiền cọc.
Hợp đồng tư vấn pháp lý khi khách đặt tiền phí của Thăng Long Land
Chúng tôi thắc mắc về việc nếu không hoàn thiện kịp hồ sơ, như về vấn đề tạm trú, hộ khẩu, Phúc nhanh miệng đáp: “Em sẽ chạy cho anh trong vòng 2 tiếng, kể cả sổ hộ khẩu ở Hà Nội, em cũng làm cho anh 15 ngày lấy luôn. Tuy nhiên, hợp đồng đặt cọc này chỉ nhân viên ký với tư cách cá nhân, bởi với nhà ở xã hội, không giám đốc sàn nào giám ký”.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo quy định, chủ đầu tư nhà ở xã hội là bên nhận hồ sơ để xem xét theo thứ tự ưu tiên mua (tính điểm nếu có nhiều người cùng mua) và được Sở Xây dựng thông báo công khai. Việc xem xét ưu tiên mua nhà ở xã hội không được thực hiện qua giao dịch thỏa thuận, nên không có hoạt động môi giới.
Với Hợp đồng tư vấn pháp lý, nội dung chỉ là tư vấn pháp lý (điền vào đơn, hướng dẫn làm xác nhận về thu nhập, điều kiện cư trú, sở hữu nhà). Tuy nhiên, cách làm như trên là mập mờ, làm cho người mua nhà hiểu nhầm là hợp đồng môi giới sẽ mua được nhà ở xã hội. Mặt khác, hợp đồng không phải do người đại diện pháp luật ký, mà để nhân viên ký, nên rủi ro rất cao.
Với hoạt động trên, có ba tình huống xảy ra: Thứ nhất, giữa sàn giao dịch và chủ đầu tư hoàn toàn không có quan hệ nào. Khi đó, sàn môi giới chỉ thực hiện việc điền đơn, làm hồ sơ, khi nào chủ đầu tư thông báo nhận hồ sơ thì mang tới nộp, hoặc gọi người đăng ký đến nộp (nếu chủ đầu tư yêu cầu phải chính chủ). Nếu may mắn hồ sơ được duyệt, thì sàn môi giới được hưởng hàng chục đến cả trăm triệu đồng, nếu không được, thì sàn cũng tính phí “tư vấn pháp lý” và chiếm dụng được tiền đặt cọc của khách. Việc khách có được trả lại tiền cọc hay không cũng là việc khó nói trong trường hợp này.
Thứ hai, giữa sàn giao dịch và chủ đầu tư hoàn toàn không có quan hệ nào, nhưng các nhân viên môi giới (có thể tự cá nhân hoặc do sàn chỉ đạo) vẫn đứng ra giao dịch ký hợp đồng tư vấn pháp lý, nhận tiền cọc của khách, nhưng không làm, giống như tình trạng bán đất nền dự án ma gần đây. Trường hợp này, khách hàng có kiện, hay tố cáo ra cơ quan công an, thì khả năng mất trắng tiền cũng rất cao.
Thứ ba, giữa sàn giao dịch và chủ đầu tư có mối quan hệ, “đi đêm với nhau”, thì đây là nguồn thu bất hợp pháp, lừa dối, đưa thông tin không đúng. Sàn sẽ dùng các thủ thuật để khách hàng mua được nhà ở xã hội như làm hồ sơ không đúng để có điểm cao hơn, làm khó các hồ sơ khác…
Với trường hợp mua nhà ở xã hội mà phát hiện thông tin gian dối, thì có thể bị hủy hợp đồng mua bán căn hộ, khi đó khách rất dễ mất tiền oan, mà không mua được nhà.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com