Mạnh tay dẹp loạn bán hàng đa cấp

(ĐTCK) Bộ Công thương mới đây đã có nhiều động thái khá quyết liệt để siết chặt hoạt động kinh doanh đa cấp và những hành vi biến tướng của công ty bán hàng đa cấp nhằm chấn chỉnh toàn bộ lĩnh vực này.
Mạnh tay dẹp loạn bán hàng đa cấp

Theo số liệu thống kê mới nhất vừa được công bố của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), tính đến đầu tháng 11/2016, cơ quan này đã “xóa sổ” 25 công ty đa cấp. Như vậy, tính đến thời điểm này, tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bán hàng đa cấp đã giảm từ 67 công ty năm 2015 xuống còn 42 công ty. Trong số 25 doanh nghiệp bị xóa sổ, có 14 công ty bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, 11 doanh nghiệp tạm ngừng và chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp.

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, qua rà soát, kiểm tra, cơ quan này ghi nhận những vi phạm phổ biến bao gồm: vi phạm của các doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; vi phạm của doanh nghiệp tuy có bán hàng theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận; vi phạm của doanh nghiệp không bán hàng theo phương thức đa cấp mà sử dụng phương thức đa cấp để kinh doanh dịch vụ hoặc huy động tài chính. Theo ông Nam, đối với 2 trường hợp sau, do pháp luật đã có quy định cấm nên có thể coi là tội phạm và phải bị xem xét xử lý hình sự.

“Trên thực tế, nhiều sai phạm theo hình thức này đã bị các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xử lý hình sự như các vụ việc Golden Rock, Colony Invest, Diamond Holiday, MB24, Tâm mặt trời…”, ông Nam nói.

Mới đây nhất, vụ việc Công ty TNHH Network Hoàng Kim bị Cục Quản lý cạnh tranh ra thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp trên phạm vi toàn quốc do doanh nghiệp này thay đổi phương thức kinh doanh có thể coi là điển hình cho sự biến tướng của bán hàng đa cấp. Công ty này có trụ sở chính tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, được Cục Quản lý cạnh tranh cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng lần đầu ngày 8/6/2015, sửa đổi bổ sung lần 1 ngày 12/8/2015.

Công ty này đã có dấu hiệu lừa đảo khi lôi kéo hàng nghìn người dân tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại 3 tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Nguyên tham gia mạng lưới, sau đó đột ngột đóng cửa, ôm toàn bộ số tiền huy động được. Diễn biến này tương đồng với sai phạm của nhiều công ty đa cấp khác bị phát hiện và phanh phui gần đây.

Thừa nhận có sự lỏng lẻo trong công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trong thời gian qua, ông Nam cho biết, trước năm 2016, vì một số lý do khách quan và chủ quan, công tác quản lý đạt hiệu quả chưa cao. Trước hết, các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp mặc dù đã được sửa đổi theo hướng thắt chặt quản lý, nhưng chưa thể kiểm soát được các hình thức lách luật tinh vi, phức tạp của các đối tượng lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để trục lợi. Bên cạnh đó, do hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra theo phương thức truyền miệng, không có địa điểm cố định nên công tác quản lý và phối hợp giữa cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương gặp nhiều khó khăn và chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả.

Trước tình hình này, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, năm 2016,  Bộ Công thương đã tập trung triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường hiệu lực quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó có việc ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp. Quá trình triển khai chỉ thị này đã mang kết quả tích cực bước đầu và đến nay đã cơ bản kiểm soát tốt hoạt động bán hàng đa cấp. Ngoài ra, công tác thanh kiểm tra cũng được tăng cường để kịp thời phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, thu hồi giấy phép hoạt động và đưa ra cơ quan chức năng xem xét xử lý.

“Trong thời gian tới, để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào việc hoàn thiện sớm các văn bản pháp luật nhằm tăng cường quản lý hoạt động này, đồng thời theo dõi, kiến nghị cơ quan chủ trì nghiên cứu, bổ sung quy định về tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vào Bộ luật Hình sự 2015”, ông Khánh nói. 

Theo số liệu từ Bộ Công thương, từ đầu năm 2016 đến nay, các sở công thương đã ra quyết định xử phạt 21 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với 65 trường hợp vi phạm, số tiền phạt là 3.936.105.000 đồng.

Theo thống kê của Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp đạt khoảng 4.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp nước ngoài là khoảng 1.800 tỷ đồng (chiếm 45% thị phần), doanh thu của các doanh nghiệp trong nước là khoảng 2.200 tỷ đồng (chiếm 55% thị phần).

Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp đang hoạt động 6 tháng đầu năm 2016 là khoảng 500.000 người (giảm 57% so với cùng kỳ năm 2015 là 1.162.000 người). Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã nộp các loại thuế với tổng số tiền là hơn 452 tỷ đồng.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục