Mảng điện thoại thông minh của Huawei rơi vào thế khó?

0:00 / 0:00
0:00
Những tuần gần đây, Huawei đã có nhiều phát ngôn đáng chú ý nhưng điều mà Huawei không đề cập tới là làm thế nào để duy trì hoạt động của mảng smartphone qua giữa năm tới.
(Nguồn: androidauthority.com). (Nguồn: androidauthority.com).

Huawei “khiêu chiến” với Google khi tung ra một hệ điều hành được cho là giải pháp thay thế Android, mời các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc tham gia hệ sinh thái mới của mình, đồng thời cho biết sẽ xây dựng một “cầu nối” giữa Trung Quốc và phương Tây để tạo ra nhiều ứng dụng bùng nổ như TikTok hơn.

Huawei khẳng định sẽ vượt qua những rào càn từ phía Chính phủ Mỹ.

Đó là những phát ngôn đáng chú ý của Huawei trong những tuần gần đây.

Tuy nhiên, điều mà Huawei không đề cập tới là làm thế nào họ sẽ duy trì hoạt động của mảng điện thoại thông minh (smartphone) qua giữa năm tới, thời điểm đó mà các báo cáo dự báo Huawei sẽ cạn kiệt kho chipset của mình.

Mate 40 - Smartphone cao cấp đậm chất Huawei cuối cùng?

Huawei sắp ra mắt smartphone cao cấp chủ lực Mate 40 vốn được thị trường trông đợi từ lâu.

Thiết bị này dự kiến sẽ có hiệu suất tuyệt vời khi đi cùng chipset Kirin 9000 do công ty con HiSilicon thiết kế để cạnh tranh với Apple và Samsung trong phân khúc cao cấp.

Dự kiến sẽ có phiên bản Mate 40 thường và Pro, bên cạnh hai bản đặc biệt là ProPlus và Porsche chưa có nhiều thông tin.

Mate 40 thường và Pro sẽ đều được trang bị bộ vi xử lý Kirin 9000, RAM 8GB hoặc 12GB và bộ nhớ trong lên tới 512GB, hứa hẹn hiệu suất khá “khủng.”

Dung lượng pin của Huawei Mate 40 dự kiến vào khoảng 4.300mAh, hỗ trợ sạc có dây 40W và sạc không dây 27W.

Còn với bản Pro, dung lượng pin là 4.6000mAh, hỗ trợ sạc có dây 66W và sạc không dây 40W.

Một điều đáng chú ý nữa là cả hai bản Mate 40 và Mate 40 Pro đều sẽ được trang bị hệ điều hành Harmony OS do chính Huawei phát triển.

Huawei muốn hệ điều hành Harmony OS mới của mình trở thành một giải pháp thay thế AOSP - hệ điều hành mã nguồn mở của Android mà các nhà sản xuất bên thứ ba có thể dễ dàng tiếp cận và điều chỉnh theo ý muốn.

Một số đồn đoán cho hay Harmony OS có thể ra mắt dưới dạng một mẫu smartphone riêng vào cuối năm 2020 cho cộng đồng các nhà phát triển ứng dụng.

Với Harmony OS, Huawei đang nỗ lực khẳng định rằng họ muốn trở thành một nhà cung cấp hệ sinh thái cho các thiết bị smartphone hơn là một nhà sản xuất thiết bị phần cứng.

Nhưng dù rất kỳ vọng vào Mate 40 và Harmony OS, Huawei nhiều khả năng sẽ không còn đủ chip để đáp ứng nhu cầu sản xuất của mẫu điện thoại này.

Hơn nữa, tương tự như những mẫu tiền nhiệm Mate 30 và P40, rất có thể Mate 40 sẽ chỉ là "một cục chặn giấy" đắt tiền đối với các khách hàng bên ngoài Trung Quốc, khi thiết bị này thiếu các phần mềm và dịch vụ quan trọng của Google trên hệ điều hành Android.

Nhiều chuyên gia lo ngại rất có thể Mate 40 sẽ là sản phẩm cuối cùng của dòng smartphone cao cấp Mate rất thành công và độc đáo của Huawei. Đặc biệt là khi dòng chip Kirin do Huawei tự phát triển không còn được sản xuất do có sử dụng công nghệ Mỹ.

Trước đây, Huawei có thể dễ dàng xuất xưởng hơn 200 triệu smartphone trong một năm.

Nhưng một số báo cáo cho thấy con số đó có thể giảm xuống còn 50 triệu thiết bị vào năm 2021 do các biện pháp hạn chế của Chính phủ Mỹ áp lên chuỗi cung ứng của tập đoàn.

Nếu không có kế hoạch khả thi để đảm bảo nguồn cung chipset cao cấp cho các thiết bị vào năm 2021, mục tiêu về một hệ điều hành có hàng trăm triệu người dùng của Huawei là quá tầm tay.

Intel gần đây cho biết họ đã được cho phép cung cấp một số công nghệ nhất định cho Huawei để phục vụ mục đích kinh doanh, song lại không cho biết rõ là những công nghệ nào. Nhưng smartphone mới là nguồn tăng trưởng và lợi nhuận chính của tập đoàn.

Qualcomm được cho là đã nộp đơn xin giấy phép cung cấp chip cho Huawei - điều có thể là "cứu tinh” cho mảng smartphone của Huawei. Nhưng sẽ là một bất ngờ lớn nếu Chính phủ Mỹ để Huawei thoát khỏi sự kìm kẹp mà Washington đã tốn khá nhiều thời gian và công sức mới tạo ra được.

Thế khó và những nỗ lực của Huawei

Đối mặt với những khó khăn nan giải như hiện tại, không khó hiểu tại sao Huawei vào thời gian này có nhiều động thái “phòng vệ.”

Công ty con Habo Investments của Huawei được đồn đoán là đang đầu tư một loạt vào các doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn trong nước.

Huawei cũng đã mua cổ phần trong công ty chuyên sản xuất ôtô năng lượng mới Changan Weilai, đồng thời thành lập công ty Huawei Electric Technology Co chuyên về nghiên cứu và phát triển thử nghiệm công nghệ và thiết bị cho xe thông minh.

Biểu tượng Huawei tại một hội nghị thường niên ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 23/9/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN).
Biểu tượng Huawei tại một hội nghị thường niên ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 23/9/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN).

Giới quan sát cũng lưu ý vào cuối tháng Tám, Huawei đã bổ sung thêm phạm vi kinh doanh bao gồm nghiên cứu phát triển, sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ phụ tùng ôtô và hệ thống ôtô thông minh vào giấy phép kinh doanh của mình.

Ngoài ra, tại sự kiện Huawei Connect 2020 tổ chức vào cuối tháng Chín, Huawei cũng tiết lộ tham vọng mở rộng mảng điện toán đám mây của mình.Nhưng dù nỗ lực mở rộng đầu tư, rất khó để Huawei thực sự đạt được bước đột phá nào trong giai đoạn hiện tại.

Những doanh nghiệp Trung Quốc mới được Huawei “rót” vốn vẫn còn cần rất nhiều năm nữa mới đạt được mức độ công nghệ tiên tiến đủ để giúp Huawei sản xuất ra những sản phẩm cao cấp cạnh tranh với Apple, Samsung hay Tesla.

Trong khi đó, chuỗi cung ứng của tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc vẫn “mắc kẹt.”

Lệnh hạn chế quyền tiếp cận của Huawei vào các sản phẩm phần mềm và công nghệ của Mỹ đã khiến một loạt các công ty vốn là nhà cung cấp lâu năm của Huawei phải “đứt gánh giữa đường” với công ty Trung Quốc.

Có thể kể tới một số cái tên nổi bật như nhà sản xuất cảm biến hình ảnh Sony Corporation, các nhà sản xuất chip lớn như Samsung Electronics, SK Hynix của Hàn Quốc, Toshiba Memory (Kioxia) của Nhật Bản và Formosa Plastics Group Nanya Technology (NTC) thuộc Đài Loan.

Chính nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc SMIC - đối tác được Huawei lựa chọn để thay thế TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) - cũng đã bị Mỹ áp lệnh trừng phạt riêng với cáo buộc công nghệ của họ có thể hỗ trợ quân đội Trung Quốc.

Một điều không thể chối cãi là bất chấp các thông tin rằng Huawei chuẩn bị mở rộng mảng kinh doanh ôtô hoặc đặt tương lai phát triển của họ vào mảng điện toán đám mây, mảng kinh doanh thiết yếu của Huawei là smartphone và thiết bị 5G.

Và đó là nơi mà Washington đưa Huawei vào "thế kẹt" về cả chính trị lẫn thương mại, khi các quốc gia quay lưng lại với các thiết bị của họ, đồng thời khiến chuỗi cung ứng chất bán dẫn của tập đoàn sụp đổ.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục