Mảng dịch vụ của các ngân hàng ngày càng “hái ra tiền”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hầu hết ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh I/2022 với lợi nhuận khả quan, trong đó nguồn thu từ phát hành thẻ tín dụng, dịch vụ bảo hiểm và hoạt động thanh toán tăng mạnh cho thấy mảng dịch vụ ngày càng “hái ra tiền”.
Những hợp đồng bảo hiểm độc quyền thường đem lại nguồn thu lớn cho các ngân hàng. Ảnh: Dũng Minh Những hợp đồng bảo hiểm độc quyền thường đem lại nguồn thu lớn cho các ngân hàng. Ảnh: Dũng Minh

Lãi từ dịch vụ đóng góp tích cực vào lợi nhuận

Kết thúc quý I/2022, HDBank (mã HDB) báo lãi trước thuế gần 2.528 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, cho dù tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro. So với kế hoạch 9.770 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm nay, HDBank đã hoàn thành được 26% sau quý đầu năm.

Trong kỳ, các mảng kinh doanh của HDBank đều tăng trưởng, trong đó hoạt động chính tăng 20%, thu về hơn 4.043 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, nhờ tăng thu khác từ hoạt động tín dụng và thu từ nghiệp vụ bảo lãnh. Đáng chú ý, lãi từ dịch vụ tăng 94%, đạt hơn 608 tỷ đồng với đóng góp lớn từ mảng bancassurance và dịch vụ thanh toán. Một số nguồn thu ngoài lãi cũng tăng cao như lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 94%, lãi từ hoạt động khác tăng 90%...

Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank cho biết, thu nhập của Ngân hàng từ hoạt động dịch vụ hay thu ngoài lãi đều khả quan trong quý đầu năm nay, tăng gấp đôi so với quý cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng kinh doanh bảo hiểm đứng tốp 5 toàn thị trường bancassurance.

MSB (mã MSB) cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao ở nhiều chỉ tiêu quan trọng nhờ tập trung vào nhóm khách hàng tiềm năng và gia tăng thu nhập từ phí. Theo đó, tổng thu nhập thuần hợp nhất của MSB trong quý I/2022 đạt 2.406 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt hơn 1.964 tỷ đồng, tăng hơn 38%; thu nhập từ phí ghi nhận 336 tỷ đồng, tăng 174% với đóng góp chính đến từ hoạt động phát hành thẻ tín dụng, dịch vụ bảo hiểm và thanh toán. Nhờ đa dạng hóa nguồn doanh thu và tối ưu hóa chi phí hoạt động, kết thúc quý đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng này đạt gần 1.500 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại ACB (mã ACB), trong quý I/2022, thu nhập lãi thuần tăng 17%, đạt gần 5.441 tỷ đồng; lãi từ dịch vụ tăng 18% và lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng gần 55%, mang về lần lượt hơn 739 tỷ đồng và 303 tỷ đồng... Tổng thu nhập ngoài lãi trong kỳ của ACB đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, tăng 37%, trong đó hoạt động bancassurance đóng góp 390 tỷ đồng doanh thu. Kết quả, lợi nhuận trước thuế đạt 4.114 tỷ đồng, tăng 32,5% và hoàn thành hơn 27% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Theo ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB, Ngân hàng đang ở trong tốp dẫn đầu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong khi thu nhập từ phí được hỗ trợ từ mảng ngân hàng bán lẻ. Theo đó, 1/3 danh mục cho vay là cho vay các khách hàng cá nhân, các hộ kinh doanh và nhiều người trong đó tiếp tục sử dụng các dịch vụ khác như bancassurance, thẻ tín dụng..., góp phần gia tăng doanh thu.

Với Techcombank, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, kết thúc quý đầu năm 2022, tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2021. Thu nhập từ lãi thuần đạt hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 32,4% nhờ danh mục tín dụng được mở rộng và biên lãi thuần (NIM) ổn định. Các khoản thu nhập khác cũng ghi nhận sự tích cực thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng hơn 24%, từ các khoản thu phí dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) tăng hơn 35%, tiền và các khoản thanh toán tăng 55%... Kết quả, lãi trước thuế quý I/2022 đạt 6.785 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Đẩy mạnh ký bảo hiểm độc quyền

Ông Phạm Quốc Thanh cho biết, HDBank đẩy mạnh triển khai mảng bancassurance từ cuối năm 2020 và hoạt động này liên tục tăng trưởng cao thời gian qua, giúp Ngân hàng nâng cao thị phần và đứng thứ 5 trên thị trường bancassurance, cho dù chưa ký hợp đồng độc quyền phân phối sản phẩm với bất kỳ nhà bảo hiểm nào.

“HĐQT HDBank sẽ cân nhắc thời điểm chọn lựa đối tác độc quyền bancassurance lĩnh vực nhân thọ trong thời gian tới để gia tăng giá trị cho cổ đông, còn hiện tại chưa cần đến sự hỗ trợ từ các đối tác bảo hiểm lĩnh vực này”, ông Thanh nói, đồng thời chia sẻ thêm, tuy nhiên, với mảng phi nhân thọ, HDBank đang có một số đối tác mong muốn được hợp tác toàn diện, trong đó có Công ty Bảo hiểm SCI.

Theo ông Thanh, mặc dù đóng góp của mảng bảo hiểm phi nhân thọ chưa nhiều như nhân thọ, nhưng những đối tác lĩnh vực này có thể giúp hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm, đặc biệt là bảo hiểm bảo vệ tài sản.

“Với chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ ở tất cả các mảng hoạt động, bao gồm cả phi nhân thọ, tôi tin rằng mảng kinh doanh này sẽ đóng góp ngày một tích cực vào tổng doanh thu nói chung, doanh thu phí bảo hiểm nói riêng của HDBank trong giai đoạn tới”, ông Thanh nhấn mạnh.

Tại LienVietPostBank, lãnh đạo ngân hàng này cũng cho biết, sẽ chốt đối tác bảo hiểm độc quyền vào giữa tháng 6 tới. Theo vị này, mục tiêu lợi nhuận năm 2022 ở mức 4.800 tỷ đồng trước thuế là khá khiêm tốn, một phần do LienVietPostBank chưa tính khoản phí trả trước từ hợp đồng bảo hiểm độc quyền kể trên.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2022 diễn ra cuối tháng 4/2022, vấn đề hợp tác bán bảo hiểm độc quyền được nhiều cổ đông quan tâm. Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank Phạm Doãn Sơn cho biết, Ngân hàng sắp hết hạn hợp đồng 5 năm bán bảo hiểm độc quyền với Dai-ichi Life Việt Nam và đang tích cực đàm phán với các doanh nghiệp bảo hiểm lớn.

“Quãng thời gian 5 năm phân phối sản phẩm bảo hiểm cho Dai-ichi Life Việt Nam giúp LienVietPostBank tự tin hơn trong việc ký kết những hợp đồng hợp tác độc quyền dài hạn 15-20 năm. Ngân hàng đã đàm phán nhiều vòng với đối tác mới và dự kiến giữa tháng 6/2022 sẽ chốt thương vụ. Nếu thành công, kết quả kinh doanh năm 2022 của LienVietPostBank sẽ có biến chuyển lớn nhờ ghi nhận thêm khoản phí trả trước từ đối tác này”, vị lãnh đạo trên nhấn mạnh.

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho hay, dự kiến lợi nhuận năm 2022 sẽ tăng 15% với khoản phí trả trước từ thỏa thuận với Manulife Việt Nam. Dự kiến khoản phí này được phân bổ trong 5 năm, bắt đầu tư năm 2022. Nếu trước đây VietinBank đứng thứ 11 trên thị trường thì nay đang đứng vị trí thứ 3 và sẽ còn cải thiện khi doanh số bảo hiểm đạt mục tiêu 1.000 tỷ đồng.

“Chúng tôi đang tính toán tác động trong các quý tới, đảm bảo hiệu quả sinh lời cho cổ đông. Chúng tôi tin rằng, ngưỡng tăng trưởng lợi nhuận 15% đặt ra cho năm nay có cơ sở để hoàn thành. Trong trường hợp đạt lợi nhuận cao hơn thì đó là tiền đề tốt cho VietinBank sau này”, ông Bình nói.

Thông tin từ ACB cho biết, mảng kinh doanh bảo hiểm đóng góp hơn 1.300 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận gần 12.000 tỷ đồng năm 2021 của Ngân hàng. Năm 2022, mảng dịch vụ và đầu tư được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại lợi nhuận cao khi đẩy mạnh ký kết các hợp đồng bán chéo bảo hiểm. Theo đó, thu nhập phí được kỳ vọng đạt 3.400 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 27%. Doanh thu từ bancassurance và khoản phí trả trước (được phân bổ trong vòng 15 năm, bắt đầu từ năm 2021) sẽ là động lực chính giúp thúc đẩy thu nhập phí của ACB năm nay và những năm tới. Theo giới thạo tin, khoản phí trả trước cho hợp đồng độc quyền của ACB vào khoảng 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.500 tỷ đồng) và được chi trả toàn bộ bằng tiền mặt, bên cạnh các khoản thanh toán khác trong suốt quá trình hợp tác.

Công ty Chứng khoán SSI ước tính, năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trung bình của các ngân hàng là 21%, cao hơn mức tăng 13% của 96 doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực khác trong phạm vi nghiên cứu của công ty chứng khoán này, trong đó chưa bao gồm các khoản thu nhập bất thường tiềm năng từ hoạt động bancassurance hay thoái vốn từ các công ty con...

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục