Những ngày cuối năm 2021, một đại lý tổ chức là Công ty cổ phần TC Advisors (TCA) đã ra mắt dịch vụ tư vấn pháp lý hỗ trợ bồi thường bảo hiểm miễn phí thông qua việc lập các trung tâm hỗ trợ bồi thường cho khách hàng không chỉ của TCA, mà với mọi công ty bảo hiểm tại Việt Nam.
Nếu thành công, dịch vụ này được kỳ vọng sẽ giúp tăng niềm tin cho người tham gia bảo hiểm, bởi thủ tục bồi thường đang là điều khiến người dân e ngại nhất khi tham gia bảo hiểm.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đây là một “chiêu” PR của TCA, bởi để đạt chất lượng tư vấn hỗ trợ bồi thường cho toàn thị trường với số lượng lớn cả về số công ty bảo hiểm lẫn số ca và số tiền bồi thường là không đơn giản. Chưa kể, dịch vụ này vốn là “cần câu cơm” của các đại lý bảo hiểm và TCA cũng không là ngoại lệ, khi trước đó, đại lý tổ chức này chỉ cung cấp cho khách hàng của mình.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện TCA cho rằng, đây là ý tưởng mới lạ, lần đầu xuất hiện tại Việt Nam nên việc có những ý kiến trái chiều cũng là điều dễ hiểu, nhưng xét kỹ thì không chỉ người tham gia bảo hiểm, mà các công ty bảo hiểm cũng được hưởng lợi. Do đó, TCA quyết định miễn phí dịch vụ này và đặt mục tiêu mở khoảng 500 trung tâm hỗ trợ bồi thường trong những năm tới.
Còn theo ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair, để cung cấp một dịch vụ hỗ trợ pháp lý về bồi thường miễn phí cho toàn thị trường thì cần không chỉ nguồn lực tài chính lớn, mà còn là một đội ngũ đông đảo nhân sự am tường về bồi thường, luật pháp, tài chính…
“Thực tế, chúng tôi cũng đã tính đến miễn phí dịch vụ tư vấn bồi thường ở cả 2 khối nhân thọ và phi nhân thọ từ 10 năm trước, nhưng hiện mới triển khai với mảng bảo hiểm xe. Việc tìm kiếm nhân viên bán bảo hiểm không khó, nhưng để tìm được người vừa bán được hàng, vừa hỗ trợ tốt công tác bồi thường là không dễ dàng và quan trọng hơn là hỗ trợ miễn phí ở khâu nào hay chỉ tư vấn sơ bộ, bởi tư vấn và đòi được tiền bồi thường là 2 câu chuyện hoàn toàn khác”, ông Xuân nói.
Quan trọng là hỗ trợ miễn phí ở khâu nào hay chỉ tư vấn sơ bộ, bởi tư vấn và đòi được tiền bồi thường là 2 câu chuyện hoàn toàn khác.
Chia sẻ với phóng viên, bà Trương Thị Tuyến, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ bồi thường bảo hiểm của TCA Lạng Sơn cho biết, bà từng chứng kiến nhiều khách hàng mua nhầm bảo hiểm do không được đại lý tư vấn kỹ, chẳng hạn chỉ mua bảo hiểm có quyền lợi được chi trả bảo hiểm nếu tử vong/thương tật toàn bộ vĩnh viễn do tai nạn, nhưng bị từ chối bồi thường trong trường hợp gặp tai biến, dẫn tới sự bức xúc và mất niềm tin vào bảo hiểm của khách hàng.
“Với những trường hợp mua nhầm này, chúng tôi đã hỗ trợ miễn phí khách hàng từ việc kiểm tra lại hợp đồng bảo hiểm đã ký tới việc giúp họ đi đòi bồi thường. Với khách hàng mới, chúng tôi sẽ hỗ trợ để mua đúng sản phẩm phù hợp”, bà Tuyến nói.
Thực tế, để hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm được nhanh chóng và chính xác, lâu nay, các thành viên thị trường đều mong muốn sớm có một hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm chung của toàn ngành, trong đó hỗ trợ bồi thường bảo hiểm online là điều hướng đến, nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa thể thực hiện được. Một số công ty bảo hiểm được xem là bán tốt bảo hiểm trực tuyến, nhưng vẫn loay hoay với việc bồi thường online.
Trong bản góp ý cho dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ, dự thảo chỉ mới nói đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm, mà chưa đề cập tới các khâu quan trọng khác như đánh giá rủi ro, giám định, giải quyết bồi thường, thanh toán/chi trả bồi thường…
Cơ quan soạn thảo sau đó đã tiếp thu và chỉnh sửa dự thảo theo hướng làm rõ phạm vi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm để nâng cao tính hiệu quả. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện một số hoặc tất cả các công đoạn của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bao gồm phân phối sản phẩm bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, giải quyết bồi thường bảo hiểm...
Hiện tại, thị trường bảo hiểm Việt Nam có tổng cộng 76 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 24 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 215.954 tỷ đồng, tăng 16,13% so với năm 2020; tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 50.685 tỷ đồng, tăng 3,93%.